Gầy dựng bộ môn nhiếp
ảnh nghệ thuật tỉnh nhà
Con đường đến với nghệ thuật của ông Lê Hoàng Dũng bình dị
nhưng lại phi thường. Bởi vì ông vốn là một thương binh hạng 3/4. Đôi chân khập
khiễng và bao vết tích chiến tranh hằn trên người ông vẫn không ngăn nổi ông đến
với nghệ thuật.
Ông sinh năm 1950, nguyên quán xã Tân Phú Tây, huyện Mỏ
Cày Bắc, hiện sinh sống tại Phường 6, TP. Bến Tre. Nhập ngũ năm 1966, bị thương
năm 1967, đến năm 1970 ra Bắc an dưỡng, học tập. Sau giải phóng, năm 1976, ông
trở về quê hương, công tác ở Tổ sáng tác Ty Văn hóa - Thông tin Bến Tre, sau
chuyển về Hội Văn học Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu cho đến khi về hưu.
Khối tư liệu hình ảnh, thơ ca mà ông Lê Hoàng Dũng đã
đóng góp cho tỉnh nhà khá nhiều. Trong đó, có các tác phẩm ảnh được chọn để in
sách “Ảnh Việt Nam thế kỷ XX” do Bộ Văn hóa - Thông tin ấn hành năm 2006, “Tuyển
tập ảnh nghệ thuật đồng bằng sông Cửu Long” giai đoạn 1986 - 2009, Nhà xuất bản
- NXB Văn hóa Thông tin năm 2010, “Ảnh thời sự và nghệ thuật tỉnh Bến Tre - Ba
mươi năm một chặng đường” do Hội Văn học Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu xuất bản
năm 2005. Lê Hoàng Dũng được xem là một trong những người gầy dựng bộ môn nhiếp
ảnh nghệ thuật tại tỉnh, góp phần thành lập Phân hội Nhiếp ảnh Việt Nam tại Bến
Tre vào năm 1986, sau đó là Chi hội Nhiếp ảnh Việt Nam và hoạt động cho đến
ngày nay. Thơ của Lê Hoàng Dũng được đăng trên Tạp chí Văn nghệ Quân giải
phóng, Văn nghệ Quân đội năm 1967, 1969. Các tập thơ đã in: Tiếng hát trái tim
(Hội Văn học Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu in năm 1981), Lục bát (NXB Hội Nhà
văn năm 2016), Tôi là cỏ (NXB Hội Nhà văn năm 2017), một số bài thơ của ông còn
được phổ nhạc, chuyển thể thành vọng cổ, phục vụ đông đảo công chúng tỉnh nhà.
Là một “cánh chim” miệt mài góp nhặt cái hay, cái đẹp của
cuộc sống, ông Lê Hoàng Dũng đã góp phần để lại cho đời một bức tranh sinh động
về những năm tháng hào hùng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc; xây dựng
và phát triển quê hương, đất nước. Ông khiêm tốn nói: “Tôi đến với nhiếp ảnh vì
lúc đó ở Bến Tre bộ môn nghệ thuật này chưa phát triển nên tôi một phần do đam
mê và có hoài bão từng bước xây dựng bộ môn nghệ thuật này. Còn thơ ca thì bắt
đầu sáng tác năm 1967, sau khi bị thương tôi muốn tiếp tục chiến đấu bằng ngòi
bút”.
Đong đầy tình yêu quê
hương
Đọc tác phẩm của Lê Hoàng Dũng, chúng ta nhận ra rằng,
trong tim ông chan chứa một tình yêu với quê hương, với đồng đội cho dù bao năm
tháng đi qua vẫn không phai nhòa. Đó chính là “chất liệu” làm nên tên tuổi nhà
thơ, nhiếp ảnh gia Lê Hoàng Dũng.
Đối với một chàng trai trẻ sống có lý tưởng, thể hiện rõ
qua suy nghĩ đến hành động luôn thống nhất. Lê Hoàng Dũng xông pha trên trận mạc
rồi bị thương, ông vẫn viết để cổ động chính mình và đồng đội. Từ trải nghiệm
đau thương và mất mát của bản thân đến việc chứng kiến cảnh bao đồng đội ngã xuống,
Lê Hoàng Dũng đã ghi lại cảm xúc để tiếp thêm ngọn lửa lòng: “Giữa một chiều
xuân khi tiếng súng nổ dồn/ Áo thấm máu vết thương đầu ra trận… Máu đồng đội tiếp
cho con vết thương lành, áo vá/ Áo ấm hơn nghe giục giã lên đường/ Thắng trận mới
máu càng hồng đôi má/ Chiến công nhiều thêm gần mẹ yêu thương” (Chiếc áo bà
ba).
Điểm lại những công trình tiêu biểu như tác phẩm “Bà mẹ Bến
Tre” - giải nhất Cuộc thi Ảnh nghệ thuật đồng bằng sông Cửu Long năm 1986, tác
giả đã bắt được khoảnh khắc bà mẹ Việt Nam anh hùng ở Giồng Trôm xúc động rớm
nước mắt trong ngày nhận Huân chương Độc lập; hay những chuyến đi trại sáng tác
tận miền Trung, người thương binh vẫn vượt qua để cho ra đời tác phẩm chất lượng
bằng một con tim yêu quê hương tha thiết (tác phẩm “Gia đình mèo” - Giải ba Triển
lãm ảnh toàn quốc năm 1982, sáng tác tại Khánh Hòa).
Cũng nhờ thơ mà sau mấy mươi năm thất lạc đồng đội tìm ra
được nhau. Câu chuyện khiến tác giả không cầm được nước mắt là một kỷ niệm xúc
động giữa Lê Hoàng Dũng và anh thương binh Bùi Phong Sơn - người rất thích bài
thơ “Chiếc áo bà ba”. Trên đường ra Bắc, thương binh Bùi Phong Sơn đã chép lại
để dành và hay đọc bài thơ này trong các cuộc liên hoan. Sau đó vì chiến tranh,
mỗi người một nhiệm vụ, thất lạc nhau mấy mươi năm. Đến năm 2015, khi các
thương binh họp mặt, Sơn lên đọc bài thơ này và hỏi tác giả bài thơ có còn sống
hay không, có đến họp mặt hay không? Vì đông người Sơn chưa nhận mặt được, với
lại ai cũng già, thay đổi nhiều. Hai anh em đã gặp lại nhau và ôm chầm trong nước
mắt.
Sau giải phóng thống nhất đất nước 1975, Lê Hoàng Dũng vẫn
cống hiến sức lực trên mặt trận mới, mặt trận kiến thiết lại quê hương. Hàng loạt
hình ảnh của ông như “Vôi ra lò”, “Ngày làm việc bắt đầu” và một số bài thơ của
ông là minh chứng cho khí thế quê hương những ngày đổi thay. Cho đến ngày về
hưu, sức khỏe sụt giảm, có lúc tưởng chừng không qua nổi, ông lại đứng dậy nhờ
bàn tay chăm sóc của người bạn đời, của bao yêu thương đồng đội nhắn gởi. Thỉnh
thoảng sức khỏe tốt ông vẫn viết bài đăng trên báo, tạp chí. Với ông, viết để
cho thỏa nỗi lòng hơn là để kiếm nhuận bút. Cuộc sống của Lê Hoàng Dũng không cầu
kỳ, ông thích “nhuộm lại chân phèn như xưa”, thích quan tâm đến những người bạn
và hạnh phúc vì những người bạn quan tâm đến mình.
Với Lê Hoàng Dũng, hồi ức về chiến tranh, cách mạng, tình
yêu quê hương, đồng đội, tình yêu cuộc sống vẫn luôn ấp ủ dạt dào trong ông.
Tình yêu ấy biến thành sức mạnh giúp ông vượt qua thử thách thời trai trẻ xông
pha trên chiến trường; sự bình tĩnh, bản lĩnh trải qua bệnh tật. “Hoàn cảnh thực
tế đã tạo nên một tác giả thơ vừa là chủ thể, vừa là đối tượng, vừa là nhân chứng,
vừa là thực chứng của tình yêu lứa đôi khắng khít, bền chặt, gắn bó, nhường nhịn
và chia sẻ, biết sống, thèm sống và khát sống! Cuộc sống với nhiều gian truân,
thương tật thử thách vẫn không thể quật
đổ anh, anh sống mạnh mẽ, kiên cường, chịu đựng và hòa đồng, anh vịn vào thơ để
đứng dậy, để sống và để sáng tạo thơ” - nhà thơ Đinh Trần Toán (TP. Hồ Chí
Minh) chia sẻ tập thơ “Tôi là cỏ” của Lê Hoàng Dũng.