Lễ hội Nghinh Ông Bình Thắng hạn chế cúng bái do dịch Covid-19

24/07/2021 - 12:33

BDK.VN - Hôm nay, 24-7-2021 (ngày 15-6 âm lịch) là Ngày lễ hội Nghinh Ông theo phong tục tập quán người dân miền biển. Lễ hội Nghinh Ông xã Bình Thắng, huyện Bình Đại được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào tháng 3-2016.

Ban Khánh tiết thực hiện nghi thức cúng tại Lăng Ông Nam Hải.

Ban Khánh tiết thực hiện nghi thức cúng tại Lăng Ông Nam Hải.

Năm nay do tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp nên địa phương đã tạm gác lại phần hội như mọi năm, chỉ thực hiện nghi thức cúng tại Lăng Ông Nam Hải, đảm bảo phòng chống dịch Covid-19. Dù vậy, ý nghĩa truyền thống văn hóa của Lễ hội Nghinh Ông Bình Thắng cũng được nhắc nhớ, gìn giữ phong tục tín ngưỡng, thờ cúng Cá Ông, tưởng nhớ tổ nghiệp nghề cá.

Theo thông lệ hàng năm, nghi thức Nghinh Ông sẽ được các tàu thuyền thực hiện ngoài biển vào lúc sáng sớm, sau đó sẽ tổ chức lễ cúng tại Lăng Ông Nam Hải. Ngoài ra, có các phần hội như: hát bội, múa lân, thi nấu ăn, trò chơi dân gian…Tuy nhiên, do hiện nay tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước đang diễn biến phức tạp nên chỉ có nghi thức cúng tại Lăng Ông và các hộ dân theo nghề cá sẽ tự tổ chức cúng tại gia đình, thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg không mời khách. Phần nghi thức cúng vẫn được đảm bảo, tiếp tục gìn giữ nét văn hóa tín ngưỡng dân gian của người dân miền biển, cũng như giữ gìn Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Nghinh Ông xã Bình Thắng.

Tỉnh Bến Tre có 65km bờ biển, hoạt động ngư nghiệp là một trong những lĩnh vực quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Ở huyện Bình Đại, Lăng Ông Nam Hải tại xã Bình Thắng được xây dựng hoàn thành vào ngày 19-7-1951 (nhằm ngày 16-6 âm lịch năm Tân Mão), theo nguyện vọng của ngư dân nơi đây. Từ đây, Lễ hội Nghinh Ông bắt đầu được tổ chức với quy mô mở rộng, do chính quyền và người dân địa phương cùng thực hiện. Lễ hội được diễn ra trong 3 ngày: từ 15-6 đến 17-6 âm lịch hàng năm. Đây là tín ngưỡng dân gian, để người dân cầu nguyện cho “mưa thuận, gió hòa”, “quốc thái, dân an”, cầu cho nghề đánh bắt thủy sản được thuận lợi, an cư lạc nghiệp, nhà nhà yêu vui…

Việc tuyên truyền và thực hiện nghi thức cúng Lễ hội Nghinh Ông là dịp để các thế hệ con cháu nhớ ơn tổ nghiệp nghề cá, các thế hệ tạo dựng nên nghề cá đến nay. Qua đó, để tiếp tục đoàn kết, phấn đấu giữ gìn và phát triển hơn trong hoạt động ngư nghiệp, ổn định kinh tế gia đình và địa phương.

Tin, ảnh: Ánh Nguyệt

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN