Lễ hội Nghinh Ông Nam Hải

16/02/2022 - 06:11

BDK - Hàng năm, vào các ngày 15 và 16 tháng Giêng âm lịch, huyện Thạnh Phú long trọng tổ chức lễ hội Nghinh Ông Nam Hải, tại Cồn Bửng, xã Thạnh Hải. Dịp này, có rất đông người dân làng biển Thạnh Phú và các nơi khác đến Lăng Ông thắp hương, cúng bái, cầu khấn vị thần cá ông với mong muốn các vị thần giúp đỡ cho những chuyến ra khơi của ngư dân bình an nơi biển cả, được mùa tôm cá.

Lễ rước nước và an vị.

Lễ rước nước và an vị.

Trưởng ban Khánh Tiết Lăng Ông Nam Hải Ngô Văn Hồng kể lại: Trước đây, khu vực này còn rất hoang sơ, rất ít người biết tới. Năm 2004, khi 2 cá ông “lụy” nên nhiều người đến tham quan khu bãi biển và ngắm bộ xương cá lớn nhất trong vùng.

“Ngày 14 tháng Giêng âm lịch năm 2004, tại khu vực biển Cồn Bửng, ngư dân phát hiện cá ông nặng 57 tấn chết rồi dạt vào bờ. Gần 2 tháng sau, ngư dân lại phát hiện thêm một con nữa chết, nặng khoảng 78 tấn cũng gần vị trí cũ. Sau đó, người dân giăng lưới bảo vệ xung quanh để đợi thịt rã hết mới mang bộ xương cá ông về thờ tại Lăng Ông Nam Hải. Hàng năm, vào dịp rằm tháng Giêng, người dân nơi đây tổ chức lễ Nghinh Ông để tưởng nhớ loài cá ông đã giúp ngư dân vượt qua sóng to, gió lớn trên biển”.

Từ ngày phát hiện các bộ xương của cá ông, nhiều người mới biết đến khu vực Cồn Bửng. Tại khu vực Cồn Bửng cũng được đầu tư làm đường giao thông đến tận bãi biển. Hàng quán, nhà nghỉ mọc lên nên nhiều khách du lịch đến đây tham quan, tắm biển. Đặc biệt, ngắm nhìn bộ xương cá ông khổng lồ.

Hiện bộ xương cá ông được bảo quản trong tủ kính và thờ tại Lăng Ông Nam Hải. Các loại xương như: xương vây, xương hàm, tay bơi, xương sống… được chất thành đống trông xa xa như núi đá.

Ông Hồng cho biết: “Bộ xương của 2 cá ông này lớn nhất trong khu vực nên được nhiều người đến xem. Người dân làng biển thờ cá ông như vị thần giúp ngư dân trên biển…”.

Lăng Ông Nam Hải được xây dựng từ năm 2004. Công trình được xây dựng trên diện tích 2.600m2, gồm các hạng mục: tiền sảnh, không gian thờ cúng, nơi chứa bộ xương 2 cá ông… Tổng mức đầu tư công trình 30 tỷ đồng. Công trình hoàn thành phục vụ cho hàng chục ngàn khách du lịch tới tham quan vào dịp lễ hội.

Đoàn tàu làm lễ ra khơi tại biển Cồn Bửng, xã Thạnh Hải (Thạnh Phú).  Ảnh: C. Trúc

Đoàn tàu làm lễ ra khơi tại biển Cồn Bửng, xã Thạnh Hải (Thạnh Phú).  Ảnh: C. Trúc

Vào dịp này, có rất đông người dân làng biển Thạnh Phú và các nơi khác đến Lăng ông Nam Hải thắp hương, cầu khấn vị thần cá ông giúp đỡ cho những chuyến ra khơi của ngư dân bình an nơi biển cả, được mùa tôm cá.

Ngư dân Mai Văn Thao, hơn 40 tuổi, ngụ xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú cho biết, ông sinh trưởng trong gia đình có cha mẹ làm nghề đánh bắt gần bờ. Lớn lên, ông cũng nối nghiệp của cha mẹ theo nghề đánh bắt đến bây giờ. “Trước đây, bà con nơi đây cũng gặp nhiều khó khăn. Từ ngày có 2 vị cá ông tấp vào nơi này, bà con dần dần làm ăn được. Nghề đánh bắt cũng ngày một khá hơn…”, ông Thao bộc bạch.

Ông Thao cũng như nhiều ngư dân cùng ra khơi tại buổi lễ ra khơi, cho biết thêm, ngày 16 tháng Giêng, khi gió êm, ngư dân sẽ cho tàu ra khơi đánh bắt, với hy vọng năm mới thuận buồm xuôi gió, bội thu tôm cá.

Lễ hội Nghinh Ông được xem là hoạt động văn hóa dân gian truyền thống của ngư dân miền biển, với ý nghĩa cầu mong mưa thuận gió hòa, ngư dân đánh bắt được nhiều thuận lợi, vượt qua được sự khắc nghiệt của thiên nhiên khi hành nghề trên biển.

Năm nay, UBND huyện Thạnh Phú đã tổ chức lễ hội Nghinh Ông với nhiều hoạt động bổ ích như: tham quan di tích, các trò chơi dân gian, văn hóa văn nghệ, thể thao, hội thi mâm xôi và hội thi trái xoài tứ quý ngon, nghi thức lễ rước nước và lễ an vị, lễ dâng hương, lễ ra khơi.

“Trong giai đoạn hiện nay, lễ hội còn hướng đến nhiệm vụ quan trọng đó là phát huy truyền thống yêu nước gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Đồng thời, lễ hội Nghinh Ông sẽ góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân; là cơ hội để quảng bá, nâng tầm thương hiệu du lịch Cồn Bửng, xã Thạnh Hải. Thông điệp của huyện gửi đến bạn bè, du khách gần xa giới thiệu về một địa điểm du lịch văn minh, ấn tượng và mang những nét văn hóa đặc trưng của miền biển”.

(Phó chủ tịch UBND huyện Thạnh Phú Nguyễn Ngọc Tân)

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN