Những sản phẩm từ gỗ dừa tại lễ hội dừa lần 4. Ảnh: C.Trúc
Lễ hội Dừa Bến Tre được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2009. Tiếp nối thành công, UBND tỉnh đã tổ chức lễ hội lần II năm 2010, lần III năm 2012, lần IV năm 2015 và lễ hội lần V dự kiến diễn ra vào tháng 11-2019.
Thành công qua các mùa lễ hội
Lễ hội Dừa lần I năm 2009 do UBND tỉnh chủ trì và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bến Tre phối hợp với Hiệp hội Làng nghề Việt Nam tổ chức, với quy mô cấp địa phương. Sự kiện có ý nghĩa đánh dấu bước ngoặt mới cho sự phát triển ngành dừa. Khi đó, tỉnh đã bắt đầu có sự quan tâm tập trung hơn việc vào hệ thống các số liệu liên quan, kết quả và đánh giá vị trí, tỷ trọng ngành dừa trong cơ cấu kinh tế của tỉnh và so với kinh tế cây dừa trong cả nước.
Thời điểm này, Bến Tre có diện tích dừa lớn nhất Việt Nam với trên 52.000ha, sản lượng hàng năm chiếm 36% sản lượng dừa cả nước. Giá trị các sản phẩm từ dừa chiếm hơn 25% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh. Các sản phẩm từ dừa của tỉnh được xuất khẩu trên 30 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, với kim ngạch xuất khẩu chiếm hơn 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.
Lễ hội Dừa lần I diễn ra thành công với nhiều hoạt động triển lãm các sản phẩm từ dừa; hội làng nghề và hàng thủ công mỹ nghệ; thi đấu xảo các sản phẩm từ dừa như các sản phẩm trồng trọt, chế biến, các sản vật lớn nhất, nhiều nhất, độc đáo nhất; thi làm hàng thủ công mỹ nghệ nhanh nhất, đẹp nhất như đan giỏ bằng cọng dừa, xe chỉ, làm thảm xơ dừa…
Dịp này, ngành du lịch tỉnh đã tiếp đón một lượng du khách tăng đáng kể, với 40 ngàn lượt, doanh thu 4 tỷ đồng; các cơ sở lưu trú đạt tỷ lệ sử dụng phòng trên 90%, doanh thu 1 tỷ đồng; các cơ sở kinh doanh ăn uống, nhà hàng đạt doanh số trên 4 tỷ đồng.
Theo đánh giá của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, thành công lớn nhất của Lễ hội Dừa lần I là tạo được tiếng vang và có sức lan tỏa xa, tạo được sự quan tâm, chú ý của các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, cũng như được sự quan tâm để tiếp tục đầu tư phát triển cho cây dừa Bến Tre từ phía các bộ, ngành Trung ương.
Lễ hội dừa lần III, năm 2012, nâng quy mô cấp quốc gia và có chủ đề: “Bến Tre trên đường hội nhập và phát triển”. Chủ đề đánh dấu bước chuyển mình hội nhập của cây dừa và cả doanh nghiệp (DN) ngành dừa Bến Tre. Lễ hội lần này có sự tham gia của các tỉnh, các DN sản xuất chế biến kinh doanh dừa trong cộng đồng dừa châu Á - Thái Bình Dương (APCC).
Lễ hội dừa lần IV-2015 cũng thu hút sự tham gia của một số nước thành viên Hiệp hội Dừa thế giới, các tỉnh có thế mạnh về cây dừa. Diện tích cây dừa Bến Tre tăng trên 62.000ha, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu tiếp tục chiếm vị trí quan trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Nhóm sản phẩm dừa được khẳng định là sản phẩm chủ lực của tỉnh và xuất khẩu trên 50 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Trình diễn nghề làm bánh tráng Mỹ Lồng tại Lễ hội Dừa lần IV. Ảnh: C. Trúc
Kỳ vọng sự đột phá
Đến nay, toàn tỉnh phát triển trên 72.000ha trồng dừa, trong đó dừa uống nước chiếm khoảng 10%. Số lượng sản phẩm từ dừa đã lên đến con số 200 trên các lĩnh vực thực phẩm, chăm sóc sức khỏe, mỹ phẩm làm đẹp, với thị trường xuất khẩu hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Kim ngạch xuất khẩu năm 2018 đạt trên 280 triệu USD, chiếm 25% tổng kim ngạch xuất khẩu. Nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao gấp nhiều lần so với nguyên liệu thô.
Thành công của ngành dừa Bến Tre đáng tự hào. Toàn tỉnh có 3 DN ngành dừa được chứng nhận DN khoa học và công nghệ. Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới được vinh danh “DN phát triển bền vùng đồng bằng sông Cửu Long”, được xét chọn “DN xuất khẩu uy tín năm 2017” và vinh dự nhận giải vàng chất lượng quốc gia năm 2017. Sản phẩm nước dừa đóng hộp Vietcoco của Lương Quới đạt chứng nhận Organic theo tiêu chuẩn Mỹ (USDA) và đã có trong các chuỗi siêu thị Lotte, Coorpmart, Satra và các cửa hàng tiện lợi. Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre được vinh danh trong tốp 10 “Thương hiệu tiêu biểu Châu Á - Thái Bình Dương” năm 2018; sản phẩm nước dừa đóng hộp COCOXIM lọt tốp 50 sản phẩm có tính đột phá, đổi mới sáng tạo tại Thaifex 2018 và đã chính thức có mặt trên website của Amazon…
Về vai trò quan trọng của hoạt động lễ hội mang tính chất truyền thống của tỉnh, ông Trần Văn Đức - Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư dừa Bến Tre cho rằng, lễ hội dừa có ý nghĩa tầm nhìn chiến lược đối với Bến Tre. Nó không chỉ thúc đẩy thương mại ngành dừa mà còn tạo kênh kết nối, thu hút đầu tư phát triển ngành dừa theo hướng chế biến sâu, phát triển văn hóa, kinh tế du lịch… “Ban tổ chức nên mời DN ngành dừa các nước Thái Lan, Philippines, Indonesia... và Hiệp hội dừa Châu Á - Thái Bình Dương” - ông Trần Văn Đức đề xuất.
Còn ông Cù Văn Thành - Giám đốc Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới thì cho rằng, mục đích của lễ hội dừa là làm cho nhiều người, toàn cầu biết đến cây dừa và con người Bến Tre. “Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới sẽ đóng góp hết sức để góp phần cho lễ hội lần V diễn ra thành công, qua đó khuếch trương thương hiệu dừa Bến Tre ra thế giới”, ông Thành nói.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Văn Trọng - Trưởng ban Tổ chức lễ hội cho biết, Lễ hội Dừa lần V, tỉnh sẽ tập trung vào xây dựng thương hiệu cây dừa tỉnh Bến Tre. Mời các nước có sản lượng lớn trong khu vực để tham gia lễ hội, hội thảo, đồng thời huy động tất cả DN ngành dừa cùng tham gia. “Đây là trách nhiệm của cộng đồng, của DN ngành dừa, người dân trong tham gia chế biến các sản phẩm từ dừa trong toàn tỉnh”, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.
Cẩm Trúc