Lì xì - đừng để kẻ mừng, người lo

08/02/2019 - 07:22

BDK.VN - Lì xì là nét văn hóa không thể thiếu trong dịp Tết cổ truyền. Tuy nhiên, nếu không quan tâm đúng mức thì dễ sinh ra nhiều hệ lụy, là gánh nặng của nhiều gia đình.

Lì xì ngày tết. Ảnh: K. Minh

Lì xì ngày tết. Ảnh: K. Minh

So chi tiền ít hay nhiều

Trước Tết, nhiều người chạy nháo nhào đổi tiền mới để lì xì. Tùy theo hầu bao nhưng phổ biến nhất là đổi những tờ mệnh giá 10.000, 20.000, 50.000 đồng, cũng có người “săn” tờ 2 đô, vốn được xem là mệnh giá “may mắn nhất” của Mỹ kim. Tiền nào cũng là tiền, nhưng muốn Tết cái gì cũng phải chỉn chu, nên đổi tiền mới có lẽ là việc không bao giờ cũ.

Đổi tiền mới xong chưa phải đã hết việc. Phải lì xì như thế nào để vừa vui trong, vui ngoài cũng là vấn đề. Trong Tết, lương thưởng đã nhận đủ đầy, tiêu pha nếu không cân nhắc, ra Tết dễ “treo mỏ” như chơi.

Mang câu chuyện lì xì ít, nhiều ướm hỏi một số người. Người viết cũng nhận nhiều luồng ý kiến khác nhau, nhưng điểm chung nhiều nhất nên tùy điều kiện, vì “mỗi nhà mỗi cảnh”.

Năm nay, chị Ng. đổi tiền mới từ rất sớm do rút kinh nghiệm từ Tết năm trước. Rút tiền từ cây ATM toàn mệnh giá 500.000 đồng, cầm mấy tờ tiền trên tay, chị rất... khó xử khi nghĩ đến việc lì xì. Thường chị bỏ phong bì 50.000 đồng cho công bằng với con cháu hai bên nội, ngoại. Theo chị, một năm bươn chải ngoài đời, ít có dịp gặp nhau, cuối năm có chút ít gọi là lộc để người lớn, con trẻ đều vui. Chứ đây không phải là cơ hội lấy lòng hay làm ăn với ai.

Tuy nhiên, khá nhiều người có suy nghĩ thực tế, thậm chí thực dụng hơn. Họ có thể nhìn mặt cha mẹ mà lì xì con. Cho nên, mới có chuyện người càng giàu thì tiền lì xì càng nhiều. Một khi lao vào vòng quay đó, dù muốn dù không, nhiều người đã gồng mình chạy theo cho bằng bạn, bằng bè, vô tình làm nặng nề cho văn hóa lì xì.

Sau lì xì là gì?

Chị Ng. cũng có phân biệt trong việc lì xì nhưng theo cách khá thú vị. Chị lì xì cho ông bà số tiền nhiều hơn nhiều so với mức lì xì cho trẻ con. Bởi, theo chị, ông bà cần chi cho việc mua sắm đồ ăn thức uống và lì xì cho con cháu trong 3 ngày Tết. Còn con trẻ “vui là chính”. Nên chị chỉ lì xì cho các cháu xem như lộc đầu năm. Bù lại, chị dành thời gian lựa chọn những bao lì xì thật bắt mắt, vui nhộn để tăng sức hấp dẫn cho “tiết mục” mừng tuổi, lì xì.

Trẻ con thời nào cũng thích Tết. Chúng luôn mong chờ niềm vui đến từ người lớn. Thời 4.0, gần Tết, có những em lên mạng tìm tòi những lời chúc độc, lạ những mong làm vừa lòng người lì xì. Vừa được khen, vừa có lộc thì vui cả ngày không hết.

Nhận tiền xong bọn trẻ trong nhà, trong lớp thường có thói quen tụ tập lại để đếm, kiểm và so xem ai có con số lớn hơn. Cu Bo (tên gọi ở nhà của một cậu học sinh trung học cơ sở) khoe Tết năm ngoái, bạn học của con có bạn được lì xì đến mấy chục triệu đồng. Nhưng độ bất ngờ cũng giảm khi biết đây là cậu quý tử của gia đình đại gia. Hỏi số tiền lì xì ít nhất thì Cu Bo cho rằng, đây là chuyện tế nhị nên các bạn trong lớp không có hỏi, sợ làm bạn buồn.

Hậu lì xì, hết Tết, số tiền lì xì được sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau. Có em giao lại  cho cha mẹ quản lý. Cũng có em được cha mẹ cho dùng số tiền ấy vào việc mua sắm phương tiện cho học tập. Có em được cha mẹ giúp gửi tiết kiệm... Như một bạn của Cu Bo chẳng hạn, được mua hẳn chiếc xe đạp điện để tự đến trường, cha mẹ khỏi phải đưa đón.

Có dịp trao đổi, ngẫm nghĩ lại, chị Ng. cảm thấy tinh thần khá thoải mái. Một phần do vợ chồng chị có sự sắp xếp vừa vặn, phần do không phải tham gia “chạy đua” hơn thua về độ dày của hầu bao trong dịp Tết. Cúng mùng 3 xong, vợ chồng chị tạm xa quê nhà, quay về tổ ấm nhỏ chờ ngày trở lại với công việc thường ngày. Tết với những người suy nghĩ như chị giản dị nhưng đầy ý nghĩa.

K. Minh

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN