Liên kết phát triển sản xuất mai vàng

14/01/2019 - 07:25

BDK - Hình thành từ nhu cầu cùng trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật và tương trợ nhau trong nghề làm mai vàng, Tổ hội nghề nghiệp mai vàng ấp Phú Hội, xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách thời gian qua hoạt động tương đối hiệu quả, mang lại nhiều ích lợi cho bà con nông dân, từ 16 thành viên ban đầu vào năm 2009, tổ hiện có 43 tổ viên tham gia, gần 60% tổ viên có tay nghề vững vàng trong uốn sửa mai.

Ông Trương Văn Bình chăm sóc cây mai chuẩn bị vụ Tết 2019.

Ông Trương Văn Bình chăm sóc cây mai chuẩn bị vụ Tết 2019.

Liên kết đầu vào, đầu ra

Ông Trương Văn Bình - Tổ trưởng Tổ hội nghề nghiệp mai vàng ấp Phú Hội cho biết: “Mục tiêu thành lập ban đầu là hỗ trợ cho bà con nông dân về kỹ thuật. Lúc trước làm ăn rời rạc, kỹ thuật của nhiều người cũng không giỏi. Bây giờ nhờ tổ chức thành tổ hội nên ai có vấn đề gì khó khăn thì tập trung lại cùng gỡ khó, hỗ trợ nhau, người chưa biết thì sẽ biết, có thêm kinh nghiệm, giúp cho tay nghề khá hơn”. Tổ chia làm 3 nhóm, trao đổi, vần công với nhau. Thường thì từ tháng 10 hàng năm các thành viên sẽ bắt đầu sửa mai, tổ kỹ thuật gồm các thành viên có nhiều kinh nghiệm trong nghề sẽ đến các vườn mai, thống kê số lượng vật tư (dây nhôm) cần dùng để tổ chức mua chung. Ngoài ra, tổ kỹ thuật cũng trao đổi với tổ viên, bàn tính số lượng, kiểu dáng chậu xi-măng để ra thành phẩm đẹp mắt, phù hợp. Quan trọng nhất là cùng tính toán thời điểm lảy lá để cây mai ra bông đúng Tết.

Đặc điểm của cây mai là phải chăm sóc quanh năm, thời gian xoay vòng đồng vốn đầu tư dài, từ khi mua cây mai nguyên liệu về chăm sóc, uốn sửa thì sau 3 - 4 năm mới có thành phẩm bán được. Kỹ thuật làm mai cũng khó hơn làm các loại hoa kiểng khác vì đòi hỏi từ chăm sóc, uốn sửa, bón phân phải đúng cách, đúng thời điểm. Sau khi thành lập, các tổ viên cũng đều được tham dự các lớp nâng cao tay nghề do ngành chức năng tổ chức. Đồng thời, trong tổ có tổ chức cho các thành viên đi sửa kiểng, sửa mai theo yêu cầu của khách. Khi phân công đi thì tổ chức luân phiên nhau và kết hợp trong nhóm có người giỏi và người tay nghề chưa cao để giúp cho người có tay nghề thấp có thể học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm.

Ông Ngô Văn Mười - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chợ Lách nhận xét: “Tổ hội nghề nghiệp mai vàng thành lập tạo điều kiện cho bà con trao đổi, sinh hoạt các vấn đề chung về nghề nghiệp. Đồng thời cũng chuyển tải nội dung các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các vấn đề ngành chức năng khuyến cáo, hướng dẫn… Bước đầu cũng hình thành được liên kết đầu vào, đầu ra cho cây mai vàng Cái Mơn”.

Thực hiện liên kết để tìm đầu ra cho sản phẩm mai vàng Cái Mơn, đại diện tổ cũng đã chủ động liên hệ các điểm chợ để bà con mang sản phẩm ra bán. Ngoài các thị trường truyền thống trong tỉnh thì còn các nơi khác như Vũng Tàu, Trà Vinh, Đồng Nai… cũng đã được kết nối thuận lợi, giúp tổ viên an tâm sản xuất.

Ông Trương Văn Bình cũng cho biết thêm, tình hình do năm nay nhiều nhà vườn không làm mai mà chuyển sang làm cây giống nhiều hơn nên cây mai trở nên hút hàng hơn so với những năm trước. Hiện tại, tổ sản xuất các loại mai nhỏ đã ghép, mai tàn nhỏ, mai trung, mai tàn lớn. Dịp Tết Kỷ Hợi 2019, tổ cung cấp cho thị trường khoảng 21.300 sản phẩm mai vàng lớn nhỏ. Ngoài cây mai thì bà con nơi đây còn sản xuất cây giống và các loại cây trồng khác để có thu nhập trong năm.

Khó khăn cơ bản của tổ chính là về vốn. Nguyên nhân là do đặc điểm phát triển của cây mai nên tiền vốn nằm lại trên sân lâu, khó xoay vòng để tái đầu tư. Do vốn vay hoặc do bà con có được không nhiều nên chỉ mua cây nguyên liệu mỗi lần một ít. Vì vậy làm cho số lượng sản phẩm mai vàng bán ra không đồng loạt, không được giá. Đồng thời, khó trả tiền lãi để nhận đồng vốn mới mở rộng đầu tư.

Phát triển chuỗi giá trị cây mai vàng

“Bức tranh mà chúng tôi hình dung khi phát triển du lịch tại địa phương chính là sẽ có sự phối hợp một cách tổng thể với nhiều loại cây, hoa kiểng như mai vàng, bông giấy, cây giống, các loại hoa nở, hoa treo…”, ông Ngô Văn Mười - Chủ tịch Hội nông dân huyện Chợ Lách cho biết.

Để giải bài toán khó về đồng vốn đầu tư cho sản xuất cây mai vàng, Hội Nông dân huyện cho rằng tổ cần phát triển và hoạt động theo hình thức tổ hợp tác. Như vậy thì bà con sẽ được hưởng nhiều chính sách, nhất là vay vốn, lãi suất ưu đãi. Bên cạnh đó, phát triển thành tổ hợp tác sẽ là điều kiện để xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm thuận lợi hơn do tập trung quy mô lớn hơn tổ hội nghề nghiệp, đủ pháp nhân để ký kết đầu vào, đầu ra.

Chuỗi giá trị sản phẩm của cây mai vàng có thể hình dung gồm: đầu vào là cây nguyên liệu, liên kết trong nội bộ để hỗ trợ nhau sản xuất, chuyển giao khoa học kỹ thuật, đầu ra là xúc tiến thị trường, kết nối với các thị trường để giúp bà con ký kết đầu ra, tiêu thụ sản phẩm. “Đối với cây mai, định hướng mới là phát triển các dạng mai cổ, mai lá, kiểng bonsai, sửa mai bonsai để có thể tiêu thụ quanh năm”, ông Ngô Văn Mười nói.

Một kỳ vọng mới của nghề làm mai Cái Mơn chính là thời gian tới, nếu huyện xây dựng thành công Đề án Làng văn hóa du lịch như dự định thì sẽ mở ra điều kiện mới để phát triển cho cây mai vàng. Bởi lẽ sẽ tạo được cảnh quan cho khu du lịch, bà con nông dân được phát huy tay nghề, sản phẩm được giới thiệu rộng rãi hơn, thông qua hình thức du lịch tiêu thụ nhiều sản phẩm. Có điều kiện quảng bá về sản phẩm cũng là nhu cầu và mong muốn của bà con sản xuất mai vàng. “Hiện tại, tổ dự kiến tìm thêm các loại mai mới để đa dạng hơn các sản phẩm. Đồng thời, tìm cách đa dạng thêm các sản phẩm kinh doanh, các hoạt động khác để có tăng thêm thu nhập cho bà con”, ông Bình nêu ý kiến.

Bài, ảnh: Thanh Đồng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN