Lợi ích từ điều chỉnh quy hoạch cấp nước

12/04/2021 - 06:35

BDK - Ứng phó với hạn mặn liên tiếp diễn ra, tỉnh xây dựng phương án dẫn nước ngọt bằng đường ống từ thượng nguồn về được xem là ổn định hơn. Chính phủ mang lại cơ hội cho tỉnh sớm thực hiện việc kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy dẫn nước ngọt.

Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bến Tre vừa đầu tư hệ thống lọc RO cấp nước sạch phòng khi nguồn nước thô bị nhiễm mặn.

Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bến Tre vừa đầu tư hệ thống lọc RO cấp nước sạch phòng khi nguồn nước thô bị nhiễm mặn.

Giải pháp khả thi

Quy hoạch 2140 (Quyết định số 2140 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch cấp nước vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050) được lập và phê duyệt trong bối cảnh vùng ĐBSCL chịu ảnh hưởng nặng nề của đợt xâm nhập mặn 2015-2016. Quy hoạch này đang được các địa phương đẩy mạnh thực hiện. Tuy nhiên, 5 năm qua, việc kêu gọi nhà đầu tư xây dựng nhà máy cấp nước sạch liên vùng từ Trà Vinh về Bến Tre vẫn không thực hiện được.

Theo Quy hoạch 2140, Bến Tre được phân vùng cấp nước thuộc vùng II, giữa sông Tiền và sông Hậu, bao gồm toàn bộ các tỉnh: Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh và một phần tỉnh Đồng Tháp. Thời gian qua, chưa có nhà đầu tư nào quan tâm việc xây dựng nhà máy cấp nước sạch liên vùng cho khu vực Trà Vinh, Vĩnh Long, Bến Tre. Mặt khác, theo diễn biến xâm nhập mặn năm 2019-2020, khu vực dự kiến xây dựng nhà máy này cũng đã bị xâm nhập mặn.

Trong khi đó, tỉnh vẫn bị ảnh hưởng nặng nề từ các đợt hạn mặn. Hạn mặn năm 2019-2020 gây thiệt hại kinh tế lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Toàn bộ các nhà máy nước tỉnh đều bị nhiễm mặn. Đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân bị đảo lộn và ảnh hưởng nghiêm trọng. Tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp để ổn định nguồn nước ngọt phục vụ người dân như: đẩy mạnh xây dựng hệ thống thủy lợi, nước ngọt được rào giữ, nhưng lại xảy ra rắc rối từ môi trường ô nhiễm. Đầu tư hệ thống lọc mặn RO thì quá tốn kém, chi phí đầu tư và chi phí vận hành cao, nhưng chỉ xử lý hiệu quả ở độ mặn thấp. Lượng nước ngọt trong dân được dự trữ chỉ duy trì sử dụng được 1 - 2 tháng là cạn kiệt.

Để có nguồn nước ngọt ổn định chỉ trông chờ vào giải pháp thứ ba là kéo nước từ thượng nguồn về. Hiện tại, việc vận chuyển nước từ thượng nguồn được thực hiện bằng phương tiện sà lan. Tuy nhiên, giá nước khá cao từ 27 - 51 ngàn đồng/m3. Trước tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 287/QĐ-TTg, ngày 2-3-2021 về việc phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch cấp nước vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã mang lại tin vui cho người dân tỉnh. Việc điều chỉnh này lập tức thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư.

Kêu gọi đầu tư

Thông tin từ Sở Xây dựng, nội dung điều chỉnh trọng tâm của Quyết định số 287/QĐ-TTg (liên quan tới Bến Tre), gồm: Điều chỉnh vùng I (Bắc sông Tiền) và vùng II (giữa sông Tiền và sông Hậu) thành một vùng Đông Bắc sông Hậu bao gồm các tỉnh: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long và Đồng Tháp. Bổ sung trạm bơm nước thô tại khu vực huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Điều chỉnh mạng lưới tuyến ống và trạm bơm tăng áp. Trong đó, có điều chỉnh hướng tuyến truyền tải nước sạch từ Nhà máy sông Tiền 1, trong giai đoạn trước mắt 2020 - 2025 thành tuyến ống truyền tải nước thô cấp cho tỉnh Tiền Giang, một phần tỉnh Long An và tuyến ống truyền tải nước thô qua sông Tiền cấp cho Bến Tre.

Một trạm bơm nước sạch cung cấp cho khoảng 3 ngàn hộ dân huyện Châu Thành.

Một trạm bơm nước sạch cung cấp cho khoảng 3 ngàn hộ dân huyện Châu Thành.

Tại tỉnh Tiền Giang, hội nghị “Tham vấn điều chỉnh quy hoạch cấp nước vùng ĐBSCL” diễn ra vào ngày 10-12-2020, do Bộ Xây dựng chủ trì đã thu hút 9 ý kiến chuyên gia, bộ, ngành và ý kiến của 5 tỉnh: Bến Tre, Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp.

Theo đó, hội nghị đã thống nhất tính cấp thiết trong việc điều chỉnh quy hoạch cấp nước vùng ĐBSCL và đồng thuận cao đối với giải pháp truyền dẫn và cung cấp nguồn nước thô. Đáng lưu ý, tại hội nghị, đại diện UBND tỉnh Tiền Giang trình bày giải pháp dự án “Trạm bơm nước thô Cái Bè và hệ thống tuyến ống truyền tải liên tỉnh” để đáp ứng nguồn nước thô phục vụ cho các nhà máy sản xuất nước sạch của 3 tỉnh: Tiền Giang, Long An và Bến Tre. Giải pháp này được đánh giá khả thi và UBND 3 tỉnh: Long An, Tiền Giang, Bến Tre thống nhất kiến nghị Trung ương cho thực hiện dự án.

Quyết định số 287/QĐ-TTg là bước đầu tiên và quan trọng để mở đường cho việc kêu gọi nhà đầu tư thực hiện dự án “Trạm bơm nước thô Cái Bè và hệ thống tuyến ống truyền tải liên tỉnh”.

Tại hội nghị “Tham vấn điều chỉnh quy hoạch cấp nước vùng ĐBSCL”, đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) khuyến cáo kinh nghiệm cấp nước như kết hợp các giải pháp xử lý nước mặn, nước lợ, nước thải, xây hồ trữ nước mưa để phục vụ nước sinh hoạt của người dân. Giải pháp truyền tải nước thô đến các khu vực thiếu nước được cho là hiệu quả hơn xây dựng các tuyến nước sạch.

Theo tính toán ban đầu, việc xây dựng trạm bơm nước thô từ thượng nguồn sông Tiền và tuyến ống để cấp nguồn nước ngọt cho các nhà máy xử lý nước sạch dọc tuyến trên địa bàn các tỉnh: Tiền Giang, Long An và Bến Tre được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 năm 2022, công suất dự kiến của trạm bơm Sông Tiền là 300 ngàn m3/ngày đêm, với tổng mức đầu tư khoảng 2,3 ngàn tỷ đồng. Giai đoạn 2 là 500 ngàn m3/ngày đêm vào năm 2025.

Đại diện Sở Xây dựng cho biết, với công suất 300 ngàn m3/ngày đêm cung cấp cho 3 tỉnh, Bến Tre thụ hưởng khoảng 100 ngàn m3/ngày đêm, đáp ứng 50% nhu cầu nước sạch trong tỉnh.

 “Dự án Trạm bơm nước thô Cái Bè và hệ thống tuyến ống truyền tải liên tỉnh đang lập thủ tục trình xin phê duyệt chủ trương đầu tư để kêu gọi đầu tư dự án. Việc dẫn nước thô từ Cái Bè sẽ giúp Bến Tre có nguồn nước ngọt phục vụ ổn định, lâu dài cho người dân trong suốt cả năm”.

(Giám đốc Sở Xây dựng Đoàn Công Dũng)

Bài, ảnh: Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN