Lời xưa vẫn mãi còn đây

06/04/2011 - 07:50

LTS: Sau gần 3 năm phát động cuộc vận động sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Ban tổ chức đã tổng kết và dự kiến sẽ phát thưởng vào cuối tháng 4-2011.  Nhân dịp này, Báo Đồng Khởi xin trân trọng giới thiệu tùy bút của tác giả Đoàn Thị Thanh Phượng - một trong những bài viết đoạt giải.

Tôi sinh ra và lớn lên trong chiến tranh. Cha tôi theo cách mạng năm 14 tuổi trong hoàn cảnh ông nội bị giặc Tây bắn chết và ném xác xuống sông chợ xã. Cha vừa chạy vừa khóc để tìm xác ông nội vớt lên trong sự chứng kiến của rất nhiều người dân trong ấp.

Với lòng căm thù giặc dâng lên tột cùng, tuổi thiếu niên nung nấu nhiệt huyết, cha tôi thoát ly gia đình kể từ đó, theo các chú, các anh ở địa phương hoạt động cách mạng. Cha rất hiền từ và hiếu học, sống trung thực giản dị, sống có lý tưởng cao cả của người cách mạng. Cha thường khuyên tôi rất nhiều điều về cuộc sống: “Con hãy sống sao như Bác Hồ của chúng ta vậy: trung thực, giản dị, biết yêu thương giúp đỡ người xung quanh, nhất là người nghèo khó, có lòng nhân ái, biết hy sinh cho người khác, cuộc sống cần có nhân có nghĩa con ạ! Có như thế, cuộc sống con mới có ý nghĩa”, “Hùm chết để da còn người ta chết để tiếng”, “Sau này lớn lên, con cũng phải dạy con của mình trở thành người có ích cho xã hội, được mọi người yêu mến. Bác Hồ của chúng ta là một bậc vĩ nhân có một không hai trên đời. Còn chúng ta là người Việt Nam, là con cháu của Bác thì phải phấn đấu theo lời Bác dạy, được duy chỉ về tính cách làm người cũng lý tưởng lắm rồi”.

Thật vậy, khi lớn lên tôi càng thấy cha mình hết lòng tôn thờ chủ nghĩa Mác-Lênin, và sống theo lý tưởng của Bác. Một lần, từ Thị xã về quê nội, hai cha con cùng đi ngang chùa Tuyên Linh ở xã Minh Đức, Mỏ Cày, cha kể tôi nghe: Vào năm 1927-1929, chùa này là nơi cụ Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh của Bác Hồ) bí mật tới lui bàn luận việc nước, việc đạo với sư cụ Lê Khánh Hòa, mở trường dạy học, xem mạch, kê toa hốt thuốc cứu giúp đồng bào nghèo khổ. Ở chùa Tuyên Linh không lâu nhưng cụ đã gieo hạt giống tốt cho phong trào cách mạng ở đây. Cụ còn có tên là Nguyễn Sinh Huy, là một trí thức yêu nước, xuất thân từ gia đình nông dân nghèo khổ, một ông quan thanh liêm, cần, kiệm. Người đã từ bỏ quan trường trở về cuộc sống dân dã, nuôi ý chí cứu dân, cứu nước thoát khỏi cảnh nô lệ, lầm than. Nhân cách của cụ đã hình thành nên nhân cách Bác Hồ của chúng ta.

Rồi cha kể tiếp về Bác Hồ: “Từ nhỏ, năm lên 7 tuổi, Bác đi học tên là Côn, là người học trò giỏi nhất lớp. Một hôm, Côn nghe bạn học cùng lớp kể về người hàng xóm ở chợ Đông Ba, làm nghề thợ nề nổi tiếng lại không biết chữ. Vợ ông ba lần sinh trước đều là con gái cả, lần sinh thứ tư mới sinh được đứa con trai mặt sáng như gương. Ông sung sướng và hy vọng con trai ông sẽ xóa được hận mù chữ cho ông. Nào ngờ năm lên ba tuổi, con trai ông bị bệnh sốt nặng, bị co giật và bị liệt cả hai chân! Ông phải bán kiệt các thứ đáng giá trong nhà để cầu thầy viện thuốc cho con mà vẫn không chữa khỏi, con ông đành chịu cảnh đời bệnh tật. Cậu bé phải mang luôn cái tên tật nguyền là “Bé Xển”. Năm con lên 6 tuổi, ông đi xin các thầy cho con được “nhập môn”. Ông sẽ cõng con đến trường hằng ngày, ông tin con trai ông chỉ bị tật đôi chân còn dạ nó thì sáng láng. Nhưng chẳng một thầy đồ nào rủ lòng thương nhận dạy chữ thánh hiền cho con trai ông…

Nghe câu chuyện thương tâm của cậu bé, Côn không nén nỗi xúc động và nhờ bạn dẫn đến nhà bố mẹ Xển. Cậu Côn đã cảm mến ngay Xển. Nó bò xển quanh quẩn trong nhà vì hai chân bé tẹo, mềm oặt như sợi lạt, không đứng thẳng lên được, nhưng bù lại khuôn mặt Xển trông khôi ngô. Cậu Côn thử mấy chữ thấy Xển sáng dạ. Từ bữa đó, cậu Côn tự nguyện đến dạy học cho bé Xển. Côn dùng ngay bài học cha dạy vỡ lòng cho mình để dạy. Cứ vài ngày, Côn lại đến nhà Xển nhưng giấu không cho cha mẹ biết. Thường thường, Côn đi một mình, thỉnh thoảng mới rủ anh Khiêm (anh ruột) cùng đi. Anh Khiêm luôn nhắc em nên xin phép cha mẹ nhưng Côn nói với anh: “Hoãn đến khi nào dạy cho Xển biết chữ kha khá rồi thưa chuyện với cha mẹ”.

Côn đã dạy cho Xển học hết cuốn “Ấu học ngũ ngôn thi”.

Ông bà cử Sắc (ba mẹ của Côn) thấy Côn vừa rủ rê anh đi ra phía ngõ chợ Đông Ba, lại có hiện tượng Côn chép sách rồi đem đi, lúc trở về nhà chỉ có tay không. Ông cử Nguyễn Sinh Sắc (1901, mới đậu phó bảng), quyết định tra hỏi con. Ông nghiêm giọng:

“Hai anh em ngồi vô ghế, khoanh tay lại. Các con lâu nay đã giấu cha mẹ một việc?”

Nghe cha hỏi chưa dứt câu, cả hai anh em đều đứng dậy, vẫn khoanh tay trước ngực. Khiêm đưa mắt nhìn em. Côn nói hơi run: “Thưa cha! Chúng con không làm gì xấu để cha mẹ phải mang tiếng đâu ạ”.

Ông cử Sắc nhấn từng tiếng: “Cha chưa nói các con làm việc xấu hay việc tốt. Con hãy trả lời đúng với câu hỏi”.

“Dạ, thưa cha! Chúng con… không…” - Côn lúng túng nhìn anh.

“Không chi?”. Ông cử Sắc hỏi dồn: “Con làm được mà sao không nói ra được với cha?”

Khiêm đỡ lời em: “Dạ, thưa cha! Chúng con giấu cha mẹ việc dạy chữ cho bé Xển ở ngoài ngõ chợ ạ”.

Ông cử tì tay lên mặt án thư giọng trầm và dịu: “Các con hãy nói rõ đầu đuôi”.

Côn thủ thỉ kể cho cha nghe về cảnh ngộ của bé Xển tàn tật, về sự khao khát có chữ hơn là miếng cơm manh áo của bố mẹ Xển.

Ông cử cảm động nói: "Các con đã làm một việc tốt. Rất tốt! Lần này cha không phạt các con, vì cái lỗi giấu cha mẹ so với việc chia chữ cho bạn thì đáng khen hơn là đáng trách, cha sẽ thưởng cho hai anh em hai bộ sách mới".

Chỉ ở độ tuổi thiếu nhi mà Bác đã có tấm lòng thật nhân hậu, biết giúp đỡ những người khốn khó mặc dù việc làm ấy có nhiều người trong làng đều từ chối. Một việc làm thật xúc động và cao cả của một cậu bé nhỏ tuổi khi phải lén lút cha mẹ “chia chữ” cho bạn.

Hơn mười năm sau, cậu Côn đã trưởng thành là thầy Nguyễn Tất Thành và vào Phan Thiết mở trường dạy học. Đó là trường Dục Thanh, hiện nay ngôi trường không còn nữa, nhưng học trò của thầy giáo Nguyễn Tất Thành vẫn có người còn sống, nay đã già như ông Tư Trường Phùng. Hồi mới giải phóng Sài Gòn, nhà ông ở đường hẻm Phan Đình Phùng. Ông nói: “Không vì thầy Thành đã trở thành Hồ Chí Minh bất tử, tôi là học trò của thầy Thành mà thêu dệt những gì tốt đẹp về người thầy của mình. Không, tôi không thể nói được điều gì không có. Tôi đang ở cái tuổi gần đất xa trời…”. Ông khẳng định: “Tôi được học với nhiều thầy giáo mình, dù thầy giáo Nguyễn Tất Thành dạy tôi không nhiều như các thầy giáo khác, nhưng tôi đã nghiệm trong suốt cả cuộc đời mình, thầy giáo Nguyễn Tất Thành là người thầy tạo nên những tính cách đầu tiên, tính cách làm người của tôi. Tuy tôi không làm được người cách mạng, nhưng tôi đã hướng theo cách mạng...”.

Thật đáng quí và đáng trân trọng một người thầy, một người cha của nhân dân Việt Nam, một bậc hiền nhân của dân tộc Việt Nam. Tất cả chúng ta nguyện một lòng làm theo lời Bác dạy “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình…”. Cố gắng học tập tốt để góp phần xây dựng nước Việt Nam ngày càng giàu đẹp.

Thời gian trôi qua, tôi ngày một trưởng thành. Cha đã truyền dạy cho tôi rất nhiều điều, mà những điều đó sau này tôi mới biết là cha tôi sống theo lý tưởng của Bác. Cha ân cần khuyên bảo tôi luôn sống một cách trung thực, giản dị. Khi làm bất cứ việc gì, dù đó là việc công hay tư đều xem trọng như nhau, không vì lợi ích cá nhân mà làm mất đi đạo đức làm người. Trong việc chọn nghề nghiệp cũng vậy, cha nói: “Tuy đất nước ta hoàn toàn độc lập, nhưng nhân dân ta vẫn còn không ít khó khăn, xã hội ngày càng thay đổi, phải chọn cho mình nghề nào để phục vụ nhân dân, có ích cho xã hội. Cha thấy, con nên chọn nghề dạy học là hay nhất để con góp phần giáo dục thế hệ trẻ nên người như Bác ngày xưa vậy. Nghề giáo là một trong những nghề rất quan trọng con à, và xã hội rất cần những người thầy có lương tâm, người thầy mẫu mực để đào tạo ra một thế hệ trẻ sống có lý tưởng, trung với nước, hiếu với dân như Bác Hồ của chúng ta thì đất nước chúng ta sau này mới được vững bền, phát triển vươn lên. Còn đối với con, rất thích trẻ nhỏ thì con có thể đi học để mở trường mầm non cũng là nghề giáo vậy, cũng rất quan trọng, vì trẻ thơ như tờ giấy trắng, con in cho chúng những điều tốt thì chúng sẽ tốt. Đất nước ta sau này rất cần những đứa trẻ chăm ngoan hiếu học, tất cả đều phụ thuộc vào tính cách của người lớn. Cuộc đời làm nghề dạy học rất có ý nghĩa, sau này trẻ nào nên người giúp ích được nhiều cho dân cho nước, thì người thầy cũng rất đỗi tự hào vì cũng có bàn tay mình góp sức một phần vào sự nghiệp của thế hệ sau này”.

Cho đến bây giờ, tôi vẫn không quên lời khuyên của cha tôi trước khi tôi quyết định mở trường dạy học. Cha nói: “Trong thời buổi kinh tế nhưng con phải luôn nhớ hãy làm với lương tâm nghề nghiệp, vì tương lai của trẻ. Không vì đồng tiền mà làm mất uy tín, danh dự của mình, nếu con thấy phụ huynh có hoàn cảnh đơn chiếc cần giúp đỡ thì mình hãy cố gắng giúp, chứ không thể làm ngơ”.

Rồi cũng đến một ngày cha phải ra đi, không còn sống với cháu con trên cõi đời này. Nhưng điều cha dạy vẫn in sâu trong tâm trí của tôi. Sự nghiệp cha để lại cho tôi là đạo đức làm người mà cha tôi đã học được nhiều ở Bác truyền lại cho tôi bằng tất cả tấm lòng và nghị lực của một người cha, một người đảng viên đi trước, muốn tôi thành công trong cuộc sống. Những quyển sách cha để lại là những mẩu chuyện của Bác mà ông đọc được và ghi lại những điều mình tâm đắc, những cảm nghĩ, những xúc động khi đến thăm lăng Bác, khi về quê hương của Bác và trước khi Bác mất. Còn tôi, chỉ mong sao được một lần ra thăm lăng Bác cùng với các con và các cháu mầm non để giáo dục các em luôn chăm ngoan học giỏi xứng đáng là cháu ngoan Bác Hồ.

Tuy Bác không còn nữa, cha tôi cũng đã ra đi mãi mãi, nhưng trong lòng tôi luôn giữ vẹn sự kính trọng thương yêu, nguyện một lòng theo con đường cha tôi đã chọn. “Con đường cách mạng”, con đường mà Bác Hồ đã hy sinh cả cuộc đời mình cho độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Tôi và các con tôi là những người quyết tâm xây dựng và bảo vệ đất nước Việt Nam ngày càng giàu đẹp.

 

Tùy bút của ĐOÀN THỊ THANH PHƯỢNG

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN