Chùa Tuyên Linh, nơi từng in dấu chân cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Ảnh: Xuân Trang
Ai cũng biết, cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ kính yêu đã trải qua bao phong ba đi tìm đường cứu nước. Người đã khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, độc lập, tự do và hạnh phúc, nhưng có thể ít ai để ý đến câu nói mà Bác từng nhắc đi nhắc lại với tình cảm nồng nàn và sâu lắng: “Miền Nam luôn ở trong trái tim tôi” hay Tố Hữu đã viết: “Bác nhớ miền Nam, nỗi nhớ nhà”… Thật vậy, cuộc hành trình của Bác đi khắp bốn bể năm châu nhưng là một cuộc hành trình không khép kín, kể từ ngày 5-6-1911 với tên Văn Ba, Bác đã lên tàu rời bến Nhà Rồng, đi suốt cuộc đời nhưng Bác không trở lại được miền Nam dù nơi ấy đầy ắp kỷ niệm và nhớ thương.
---
Nằm trong vùng đất phương Nam, Bến Tre bị chia cắt bởi nhiều sông rạch, lớp lớp cha ông ta đã khai hoang, mở cõi, chống chọi với thú dữ và thiên nhiên khắc nghiệt. Khi công cuộc định cư đã đi vào nền nếp, hoàn thành thiết lập ấp, chợ thì đình, chùa, miễu cũng bắt đầu dựng lên, ban đầu chỉ bằng cây lá thô sơ. Đạo Phật có mặt ở Bến Tre sớm nhất. Theo nhiều tài liệu thì chùa Hội Tôn Cổ Tự ở xã Quới Sơn, huyện Châu Thành là chùa xưa nhất ở tỉnh, được xây cất năm 1740, do Hòa thượng Long Thiền trụ trì; chùa Phú Hưng được xây đời Gia Long; Viên Giác Tự xây năm 1870…
Đặc biệt, có hai anh em ông Nguyễn Duy Trới và Nguyễn Duy Đảnh là sĩ phu yêu nước từng tham gia tổ chức Thiên Địa Hội, bị giặc Pháp truy lùng phải lẩn tránh. Hai ông xây dựng một ngôi chùa bằng cây lá đơn sơ bên rạch Tân Hương làm nơi ẩn náu để tu hành. Lập chùa xong, hai ông cùng các Phật tử sang huyện Ba Tri thỉnh Hòa thượng Lê Khánh Phong về trụ trì và đặt tên chùa là Tiên Linh. Hòa thượng Lê Khánh Phong trụ trì chùa Tiên Linh đến năm 1906 thì viên tịch, các Phật tử lên Long An thỉnh Hòa thượng Lê Khánh Hòa, pháp húy là Như Trí về trụ trì vào năm 1907. Sau này, chùa được trùng tu, mở rộng và Hòa thượng đổi tên thành chùa Tuyên Linh (1930).
Hòa thượng Lê Khánh Hòa là vị cao tăng uyên thâm về Nho học, Phật học, ông đã quy tụ nhiều cao tăng, cư sĩ Phật giáo lúc bấy giờ ở Nam kỳ. Năm 1931, Hòa thượng Lê Khánh Hòa được bầu làm Hội trưởng Nam kỳ nghiên cứu Phật học, chủ bút tạp chí Từ Bi Âm kiêm Giám đốc Phật học Tùng thư và là người lãnh đạo tinh thần có uy tín lớn đối với Phật tử Nam kỳ và Trung kỳ. Tại đây, có một sự kiện đặc biệt vào năm 1926, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh của Nguyễn Tất Thành (Chủ tịch Hồ Chí Minh) có một chuyến đi vào Nam cùng một số vị cao tăng chùa Từ Đàm (Huế) đến các tỉnh Bình Thuận, Mỹ Tho, An Giang và đặc biệt là Bến Tre, được Hòa thượng Lê Khánh Hòa mời ở lại chùa Tiên Linh một thời gian. Tại đây, cụ Nguyễn Sinh Sắc đã thường xuyên gặp gỡ và trao đổi, tiếp xúc với các sĩ phu yêu nước, trong đó có Lê Văn Phát (Hương lễ Đẩu), Huỳnh Khắc Mẫn, Trần Văn An…, mở lớp truyền bá tinh thần yêu nước, giáo lý Phật giáo và xem mạch bốc thuốc. Nhưng năm 1927, mật thám Pháp đã đánh hơi phát hiện nên Hòa thượng Lê Khánh Hòa đã cho Phật tử đưa cụ Nguyễn Sinh Sắc về Đồng Tháp. Từ đó, Hòa thượng Lê Khánh Hòa và cụ Nguyễn Sinh Sắc vẫn luôn giữ mối quan hệ.
Chuyện kể rằng, khi Cách mạng Tháng Tám 1945 bùng nổ, Hòa thượng Lê Khánh Hòa kêu gọi Phật tử trong và ngoài tỉnh ủng hộ chính quyền cách mạng, tham gia vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Ngày 19 tháng 6 năm Đinh Hợi (1947), cụ bảo học trò tắm rửa và thay đạo phục cho cụ, xong xuôi, cụ quay mặt về phương Bắc cầu chúc nước nhà độc lập, chúc cụ Hồ mạnh khỏe, sống lâu rồi niệm Phật tắt thở.
Dấu chân cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc còn in trên vùng đất địa linh nhân kiệt tiếp tục sưởi ấm ngọn lửa yêu nước trên quê hương xứ Dừa, trên địa danh Tuyên Linh lịch sử.
---
Từ những dấu chân ban đầu ấy của cụ Nguyễn Sinh Sắc tại chùa Tuyên Linh, lịch sử lại tiếp tục gắn kết các sự kiện lòng dân Bến Tre với Bác Hồ luôn đong đầy và cảm xúc đó là Trương Gia Mô và Nguyễn Tất Thành.
Ông Trương Gia Mô sinh năm 1866, tại làng Tân Hào, huyện Bảo An, tỉnh Vĩnh Long (nay thuộc huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre), thân phụ là Trương Gia Hội (1822 - 1877), từng làm Tri phủ Hoằng Trị dưới thời Tự Đức, được thăng chức Binh bộ Lang trung, về sau làm Thự tuần phủ Thuận - Khánh (Bình Thuận và Khánh Hòa).
Tuy sinh tại Bến Tre nhưng Trương Gia Mô lúc nhỏ theo cha ra sống và học ở Thuận - Khánh. Năm Nhâm Thìn (1892), ông ra sống ở Huế, được bổ làm Thừa phái bộ Công và hay chữ nên người ta nể phục gọi ông là Nghè Mô.
Năm 1904, Phan Châu Trinh sau khi từ quan đã cùng Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp tổ chức chuyến Nam du ở Bình Thuận. Phan Châu Trinh đã kết bạn với Trương Gia Mô và cùng với các thân sĩ ở đây hô hào duy tân, cải cách tổ chức Công ty Liên Thành và Trường Dục Thanh. Năm 1908, ông Mô bị bắt giam tại nhà lao Khánh Hòa với tội danh là đã tham gia vào tổ chức bí mật “Đảng hội”. Sau khi được thả ra, ông làm nghề bốc thuốc chữa bệnh cho người dân. Cũng tại nơi đây (làng Hà Thủy, tổng Đa Phước, tỉnh Bình Thuận), đã xảy ra cuộc gặp gỡ đầy lý thú giữa ông và Nguyễn Tất Thành qua thư giới thiệu của cụ Nguyễn Sinh Sắc, người bạn tin cẩn năm xưa. Để tránh sự theo dõi của mật thám, Trương Gia Mô đã gửi Nguyễn Tất Thành cho một nhà sư yêu nước tại chùa Phước An ở Duồng. Vào tháng 12-1909, ông đưa Nguyễn Tất Thành vào dạy học ở Trường Dục Thanh, thị xã Phan Thiết. Rồi năm sau, ông giúp đỡ kinh phí để Nguyễn Tất Thành vào Sài Gòn với tên Văn Ba. Sau đó, Nguyễn Tất Thành xuất dương tìm đường cứu nước.
Có một điều lý thú là, trên chuyến tàu Đô đốc Latouche - Tréville huyền thoại khởi hành ngày 5-6-1911 từ bến Nhà Rồng, có ông Bùi Quang Chiêu (1872 - 1946), người quê xã Đa Phước Hội, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre, cũng đang trên đường đưa con sang Pháp du học. Câu chuyện được tác giả Trần Dân Tiên (theo nhiều nhà nghiên cứu, đó chính là bút danh của Bác Hồ) kể lại trong sách Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch như sau:
“Hồi ấy, Bùi Quang Chiêu, kỹ sư canh nông vào làng Tây, đi tàu hạng nhất cùng với gia đình. Ông ta đưa con sang Pháp học. Trông thấy Ba, ông ta gọi anh lại và thân mật bảo:
“Tại sao con lại làm cái nghề khó nhọc này? Bỏ nghề này đi. Con nên chọn một nghề khác, danh giá hơn…”. Anh Ba lễ phép cảm ơn ông Chiêu, nhưng không nói đồng ý hay không”.
Không biết có phải quy luật vô hình hay sự sắp đặt của lịch sử, các đế quốc xâm lược luôn muốn vĩnh viễn chia cắt đất nước ta để cai trị nhưng lòng dân ta không giới tuyến, Tổ quốc ta là một. Mười lăm năm xa Tổ quốc, Bác Hồ kính yêu lại về nước với tài sản quý giá nhất của Người là chủ nghĩa Mác - Lênin và con đường giải phóng dân tộc thuộc địa. Từ năm 1926, Tổng bộ Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã mở lớp học đầu tiên tại Trung Quốc do Nguyễn Ái Quốc trực tiếp giảng dạy. Ở Bến Tre - các ông Lê Văn Phát (làng Mỹ Nhơn, quận Ba Tri), ông Lê Hoàng Chiếu (làng Phú Vang, quận An Hóa), ông Trần Ngọc Giải (làng Thới Thuận, quận An Hóa), bà Nguyễn Trung Nguyệt (hay là Bảo Lương, ở làng Mỹ Thạnh, quận Ba Tri) và ông Nguyễn Văn Ngọc (làng An Hội, tỉnh lỵ Bến Tre) đã được đưa sang dự học. Sau khi kết thúc lớp học, các ông bà đều được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và họ thật sự là những “hạt giống đỏ” của cách mạng Bến Tre và Khu 8 sau này.
Càng nghiên cứu lịch sử càng thấy nhiều điều thú vị khác. Sau khi Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, đầu năm 1946, quân dân Bến Tre lại tiếp tục bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp lần thứ hai. Thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy và Khu 8, bà Nguyễn Thị Định (Nữ tướng Nguyễn Thị Định) lúc ấy 26 tuổi đã cùng các đồng chí Ca Văn Thỉnh, Trần Hữu Nghiệp, Đào Công Trường lái thuyền vượt biển ra Bắc để báo cáo với Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh về tình hình kháng chiến chống Pháp ở Khu 8 và Bến Tre, đồng thời xin chi viện vũ khí cho miền Nam bước vào cuộc kháng chiến.
Sau đó, Trung ương đã quyết định giữ các ông Ca Văn Thỉnh, Đào Công Trường và Trần Hữu Nghiệp ở lại miền Bắc. Riêng bà Nguyễn Thị Định được giao chở 12 tấn vũ khí về Bến Tre và người được phân công mang vũ khí xuống thuyền lúc ấy là ông Văn Cao, công an, sau này là nhạc sĩ nổi tiếng sáng tác nhiều ca khúc, trong đó có bài “Tiến quân ca”, là Quốc ca của nước Việt Nam.
Khi về đến Bến Tre, bà Nguyễn Thị Định đã giao toàn bộ 12 tấn vũ khí cho ông Trần Văn Trà, hồi ấy là Khu trưởng Khu 8 tại rạch Heo Hầm Lớn, xã Mỹ An, huyện Thạnh Phú hiện nay. Chuyến đi lịch sử này đã mở ra đường Hồ Chí Minh trên biển trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Cũng tại mảnh đất thiêng Tuyên Linh của xã Minh Đức đã chứng kiến một sự kiện lịch sử khác, đó là vào tối 2-1-1960 tại gò mã của hội đồng Nhơn, bà Nguyễn Thị Định đã triển khai Nghị quyết số 15 của Trung ương Đảng cho 8 đồng chí cốt cán ở địa phương, trong đó có các đồng chí Hai Thủy, Sáu Huấn, Ba Đào, Ba Cầu… với tinh thần đồng lòng, đồng loạt khởi nghĩa và khái niệm Đồng khởi được bà đưa ra lúc này.
---
Lòng dân Bến Tre với Bác Hồ không chỉ được thể hiện qua những sự kiện trong nước mà còn được thể hiện qua những sự kiện rất ly kỳ ở nước ngoài.
Từ ngày 6-7 đến 10-9-1946, Thủ tướng Phạm Văn Đồng là trưởng đoàn và Chủ tịch Hồ Chí Minh là thượng khách dự Hội nghị Fontainebleau ở Pháp. Ông Trần Văn Khương công tác ở phái đoàn ngoại giao của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa, là người ở làng Tân Hưng, quận Ba Tri, đã sang Pháp học đỗ Tiến sĩ Luật. Thời gian đoàn Việt Nam ở Pháp, ông Khương được bố trí ở cạnh Bác Hồ và Thủ tướng Phạm Văn Đồng để tiếp xúc nhiều đoàn khách quan trọng, đặc biệt là gặp gỡ các trí thức Việt Nam đang học ở Pháp. Bác Hồ đã kêu gọi mọi người về nước để tham gia kháng chiến, trong đó có Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Ngọc Nhựt. Ông Bích và ông Nhựt là 2 anh em ruột, con của Đức Giáo tông Nguyễn Ngọc Tương về tham gia kháng chiến. Nguyễn Ngọc Nhựt đã anh dũng hy sinh trong nhà lao, lúc ấy ông là Ủy viên Ủy ban Hành chánh kháng chiến Nam Bộ. Trong những ngày đầu kháng chiến ác liệt, mưa bom bão đạn, ở chiến khu Đồng Tháp năm 1947, họa sĩ Diệp Minh Châu đã lấy máu mình để vẽ chân dung Bác Hồ và 3 cháu thiếu nhi Bắc - Trung - Nam, ghi trên bức họa dòng chữ “Kính tặng cha già kính yêu”. Sau đó, ông được điều ra Trung ương và theo Bác vào chiến khu Việt Bắc suốt cuộc kháng chiến chống Pháp. Ông vừa là họa sĩ, vừa là nhà điêu khắc vẽ và nặn tượng Bác Hồ đầu tiên của Việt Nam.
Hay nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Tạ Thị Kiều (1938 - 2012), được phong Anh hùng khi vừa 27 tuổi, từng tổ chức 107 cuộc đấu tranh chính trị trực diện với địch, nổi tiếng với chiến công tay không chiếm đồn địch. Bản thân bà trực tiếp chiến đấu 33 trận, diệt 7 tên địch, làm bị thương 11 tên, bắt sống 13 tên, thu 24 súng các loại. Tháng 11-1965, bà là một trong những thanh niên tiêu biểu được chọn ra Bắc gặp Bác Hồ. Những bức ảnh bà chụp chung với Bác Hồ và cán bộ Trung ương, trong đó có Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Phủ Chủ tịch còn lưu giữ đến nay rất cảm động và tự hào về người con của quê hương Đồng Khởi anh hùng.
---
Chúng ta hôm nay không phải là những nhân chứng lịch sử mà chúng ta chỉ là những người cảm thụ về lịch sử. Thật vinh dự và quý giá biết bao dấu chân người xưa còn in lại trên mảnh đất Tuyên Linh này. Nơi đây, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc cùng Hòa thượng Lê Khánh Hòa đã nhen lên bếp lửa hồng thắp sáng lòng yêu nước, đề ra những triết lý và gửi thông điệp rộng rãi cho mọi người, mọi thế hệ chấn hưng nền Phật giáo Việt Nam. Chúng ta có quyền tự hào về lòng dân Bến Tre đối với cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chúng ta đã góp được một phần nhỏ bé cho cuộc hành trình vĩ đại của Bác.
Bác Hồ chưa vào thăm lại miền Nam nhưng chúng con đã thực hiện bằng được lời dặn dò của Bác: “Có thể đốt cháy dãy Trường Sơn, Hà Nội, Hải Phòng có thể bị tàn phá, nhân dân Việt Nam quyết tâm đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào để ta xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.
Trần Công Ngữ - Nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh