Anh Nguyễn Văn Tư - Trưởng Công an xã cho biết: “Trước đây, chúng tôi phối hợp với lực lượng quân sự đưa ra mô hình “Tiếng mõ an ninh” để tấn công trấn áp các loại tội phạm, bước đầu có hiệu quả bởi đường sá khó khăn, đối tượng đi bộ, xe đạp. Còn bây giờ giao thông nông thôn được nhựa hóa, đường thông thoáng, khi xảy ra vụ việc, dù có lực lượng Công an, Dân quân tại các ấp và người dân truy đuổi, nhưng bọn chúng dùng xe gắn máy dễ dàng tẩu thoát”.
Sau nhiều lần Công an cùng Quân sự xã tổ chức họp bàn, người dân đồng tình đưa ra biện pháp là làm cửa rào đầu đường và cuối đường giao thông nối liền các ấp, để khi phát hiện có tội phạm sẽ lập tức báo động, đóng cổng bắt giữ tội phạm. Cổng rào có bảng nội quy đóng cổng hẳn hoi và phân công người trực gác.
Việc làm cổng rào được sự đóng góp của đông đảo bà con, người góp tiền, người góp sức, tạo nên không khí thật sôi động. Cổng rào ở đây được xây dựng khá chắc chắn với khung bằng sắt, trong khung là lưới B40, đảm bảo có độ đàn hồi để khi đối tượng va chạm vào cổng sẽ không nguy hiểm tính mạng, chiều cao và chiều rộng được thiết kế phù hợp, đối tượng không thể chạy thoát khi cổng đóng chặt.
Ông Nguyễn Văn Hậu, ở ấp Chợ Xép - xã Tân Thành Bình, là người trực tiếp thiết kế và hàn miễn phí cho tất cả các cổng rào an ninh ở đây. Ông Hậu có cơ sở hàn tiện tại địa phương, khi nghe xã có chủ trương xây dựng cổng rào để phòng, chống tội phạm, ông đã tự nguyện làm giúp với mong muốn đóng góp một phần công sức của mình cho sự bình yên chung.
Ông Mai Văn Tô là cựu chiến binh ở ấp Tân Long 2 xin tình nguyện chịu trách nhiệm đóng cổng khi có kẻ gian đột nhập. Ông Tô đảm nhận việc này là do lòng nhiệt tình giữ gìn an ninh trật tự, thêm nữa là cổng rào lại nằm ngay trước cổng rào nhà ông, thuận tiện cho việc đóng, mở cổng.
Để làm tốt yêu cầu này, lực lượng Công an phối hợp với lực lượng Dân quân ấp, xã đề ra kế hoạch cùng với bà con xung quanh cổng rào thường xuyên luyện tập cách phối hợp cho đồng bộ, nhuần nhuyễn từ việc thông báo có tội phạm người nào sẽ đánh kẻng, người nào đóng cổng và lực lượng ứng phó vây bắt để đối tượng không kịp tẩu thoát. Sau các buổi tập luyện, các thành viên tổ chức rút kinh nghiệm để việc phối hợp ngày càng nhịp nhàng hơn và hiệu quả hơn.
Anh Nguyễn Văn Thành - Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã, cho biết: “Chúng tôi chỉ đạo các Ấp Đội củng cố lực lượng dân quân tại địa phương, thường xuyên phối hợp luyện tập tốt các phương án; khi có yêu cầu, chúng tôi sẵn sàng điều lực lượng Dân quân xã đến kịp thời hỗ trợ. Đặc biệt, mỗi cổng rào đều có biên chế 1 tiểu đội dân quân sẵn sàng cơ động”.
Mô hình này được đưa vào diễn tập với quy mô lớn, có sự tham dự của lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện và nhiều ban ngành, đoàn thể của huyện Mỏ Cày Bắc. Từ khi mô hình “Cổng rào nhân dân tự phòng, tự quản” ở xã Tân Thành Bình đưa vào thực hiện ở tất cả các ấp, tình hình an ninh trật tự ở địa phương đã chuyển biến tích cực. Cụ thể là tại các khu vực có cổng rào an ninh, phạm pháp hình sự không xảy ra, tệ nạn xã hội giảm trên 80%.
Anh Nguyễn Văn Tư cho biết thêm, đầu tháng 12-2012, tại ấp Thành Hóa 2 xảy ra vụ đánh nhau giữa 2 nhóm đối tượng. Nhận được tin báo, Công an xã điện thoại thông báo lập tức đóng cổng, các đối tượng biết có cổng an ninh đã nhanh chân tẩu thoát, số còn lại khi chạy tới cổng đầu đường thì cổng đã đóng, lực lượng Dân quân ấp cùng người dân bắt giữ và xử lý hành chính về hành vi gây rối trật tự công cộng.
Với những kết quả đạt được, mô hình “Cổng rào nhân dân tự phòng, tự quản” ở xã Tân Thành Bình được Ban Dân vận Tỉnh ủy Bến Tre chứng nhận là mô hình phòng, chống tội phạm ở địa phương.