Lưu giữ và tôn vinh áo dài truyền thống

06/03/2020 - 08:03

BDK - Nói đến trang phục truyền thống của người Việt Nam thì phải nhắc đến áo dài (cho cả nam và nữ). Áo dài có một quá trình gắn bó với những thăng trầm của lịch sử dân tộc và được lưu giữ với những giá trị tốt đẹp về văn hóa. Áo dài được ưu tiên lựa chọn để xuất hiện trong những sự kiện quan trọng và cả trong cuộc sống thường nhật. Hình ảnh đẹp của chiếc áo dài còn đi vào thơ ca, nghệ thuật.

Các thí sinh Người đẹp xứ Dừa với trang phục áo dài tại vòng thi Người đẹp thời trang.

Các thí sinh Người đẹp xứ Dừa với trang phục áo dài tại vòng thi Người đẹp thời trang.

Lưu giữ qua thời gian

Với đặc điểm kín đáo và trang nhã, từ lâu bộ trang phục áo dài truyền thống đã được người dân Bến Tre sử dụng, nhất là lựa chọn để mặc trong các dịp lễ, Tết hay các sự kiện quan trọng. Trong quyển địa chí Bến Tre có ghi lại: Trước Cách mạng Tháng Tám 1945, đại đa số trung nông, tiểu chủ và những người làm nghề tự do (thợ may, cắt tóc, lái xe, thợ rèn…) thường sắm cho mình một bộ lễ phục gồm chiếc áo dài bằng chất liệu xuyến hoặc lương đen, một quần trắng bằng lụa hay vải và một chiếc khăn đóng. Bộ đồ này được mặc trong những dịp “quan, hôn, tang, tế”. Trong những dịp ấy, chủ nhà lẫn khách đều trang nghiêm trong chiếc áo dài đen, quần trắng, đầu đội khăn đóng. Những bức ảnh chụp cách đây 80 năm, 90 năm còn lưu lại trong sách vở, hoặc được đặt trên bàn thờ như của học giả Trương Vĩnh Ký, ông Thái Hữu Kiểm (còn gọi là ông già Ba Tri)… cho thấy họ đều mặc bộ lễ phục này.

Theo tài liệu Địa chí, cách đây hơn 50 năm, phụ nữ Bến Tre thường mặc áo dài trắng hoặc màu. Nhiều người khá giả còn sắm thêm chiếc áo dài nhung đen hoặc nhung màu xanh nước biển. Năm 1930, mốt chiếc áo dài của phụ nữ Bến Tre chỉ quá đầu gối một chút. Đến năm 1938, mốt áo dài được thay đổi là kéo vạt áo dài xuống gần đến cổ chân. Đến năm 1945, mốt vạt áo dài được rút ngắn trở lại. Đặc biệt, áo dài luôn xuất hiện là y phục lễ cưới. Chú rể thường mặc áo dài đen, khăn đóng đội đầu. Cô dâu được chăm chút nhiều hơn, thông thường là một cặp áo dài màu hồng tươi, quần lụa trắng, khăn bịt đầu, đôi bông tai… Cô dâu và chú rể mặc trang phục này lạy trước bàn thờ gia tiên, thể hiện sự trang trọng của ngày trọng đại.

Qua thời gian, tuy đã có nhiều thay đổi về chất liệu vải, một vài chi tiết trong mốt áo nhưng chiếc áo dài truyền thống với hình thức cơ bản nhất vẫn được lưu giữ đến ngày nay. Trong các dịp lễ cưới, nhiều gia đình người Bến Tre nói riêng và các nơi nói chung vẫn giữ được nét đẹp mặc áo dài truyền thống để làm lễ trước bàn thờ ông bà, ra mắt hai họ.

Bên cạnh đó, Bến Tre đã đưa chiếc áo dài vào nhiều sự kiện, hoạt động như: Cuộc thi Người đẹp xứ Dừa tỉnh Bến Tre luôn có phần thi áo dài truyền thống, hay ở đơn vị TP. Bến Tre và một số huyện nhiều lần tổ chức Hội thi Duyên dáng áo dài để tôn vinh nét đẹp của áo dài truyền thống Việt Nam. Trong nhiều chương trình nghệ thuật biểu diễn của tỉnh, áo dài vẫn thường được sử dụng với nhiều màu sắc tươi đẹp. Áo dài còn được sử dụng trong hoạt động quảng bá du lịch, các hoạt động giao lưu văn hóa, các sự kiện, ngày lễ lớn... Ngoài ra, áo dài còn được người Bến Tre sử dụng nơi công sở và có cả một số doanh nghiệp chọn áo dài làm trang phục giao tiếp kinh doanh.

Biến hóa đa dạng

Ngày nay, để thuận tiện trong đi lại, sinh hoạt, nhiều nhà thiết kế đã mạnh dạn cách tân chiếc áo dài truyền thống như: cổ tròn, cổ bẹt, tay lỡ, vạt áo dài cũng ngắn hơn xưa, quần ống nhỏ thay cho quần ống rộng… Điều này có nhiều ý kiến khác nhau, ở góc độ thời trang, người sử dụng trang phục này có thể sử dụng ở những nơi phù hợp thì vẫn có thể chấp nhận được như sinh hoạt ngày thường, vui chơi, dự tiệc… Tuy nhiên, ở những sự kiện chính trị - văn hóa quan trọng thì thường được quy định mặc áo dài truyền thống để tôn vinh nét đẹp văn hóa truyền thống của Việt Nam.

Bạn Anh Khoa (Phú Hưng, TP. Bến Tre) chuyên thiết kế áo dài chia sẻ, tùy theo vóc dáng, tuổi tác, người mặc sẽ lựa chọn cho mình một chiếc áo dài phù hợp. Kiểu dáng thịnh hành hiện nay là tà áo dài chấm gót, chất liệu vải mềm, rủ, được thiết kế phong phú với hoa văn điểm xuyết (như cườm, hoa kết…). Quần ống rộng có nhiều màu được phối phù hợp với áo dài. “Bên cạnh kiểu dáng, thiết nghĩ người mặc áo dài cũng cần phải chú ý đến phong cách đi đứng cho phù hợp. Cần phải có sự nhẹ nhàng, dịu dàng, phong thái cũng cần phải tươi vui tạo nên một nét duyên trọn vẹn cùng với chiếc áo”, Anh Khoa bày tỏ.

Khi Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp phát động toàn quốc hưởng ứng sự kiện “Áo dài - Di sản văn hóa Việt Nam”, diễn ra trong tháng 3-2020, chính là thêm cơ hội để tỉnh nhà nói riêng và toàn quốc nói chung có dịp để cùng nhau khẳng định mạnh mẽ về giá trị văn hóa truyền thống của chiếc áo dài Việt Nam.

Bài, ảnh: Ánh Nguyệt

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN