BDK.VN - Giữa trùng khơi sóng gió, nơi Bàng vuông cắm rễ vào san hô, nơi Phong ba vươn mình chống chọi với bão tố, những “mầm xanh Trường Sa” - thế hệ công dân được sinh ra và lớn lên giữa đảo xa - đang từng ngày lớn lên mạnh mẽ, kiêu hãnh như chính mảnh đất thiêng liêng này. Họ là minh chứng sống động cho sức sống mãnh liệt, cho ý chí bất khuất của quân và dân nơi đầu sóng ngọn gió - nơi không chỉ gìn giữ chủ quyền thiêng liêng, mà còn ươm mầm tương lai cho Tổ quốc.
Những đại biểu của Ban Phụ nữ Quân đội tặng quà các cháu nhỏ trên Đảo Đá Tây A.
Sức sống giữa đại dương
Cách đất liền hàng trăm hải lý, quần đảo Trường Sa, nơi được xem là “phên dậu” vững chãi của Tổ quốc, không chỉ là vùng biển đảo thiêng liêng, là nơi đóng quân của những người lính Hải quân kiên cường, mà còn là nơi đang từng ngày hình thành một cộng đồng dân cư đặc biệt, những gia đình quân dân và những đứa trẻ được sinh ra, lớn lên giữa đại dương bao la.
Những em bé mang giấy khai sinh với địa chỉ “Đảo Trường Sa, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa” là công dân của biển, là những “mầm xanh” của Tổ quốc giữa ngàn khơi. Giữa biển khơi, nơi những hòn đảo máu thịt của Tổ quốc, tiếng trẻ ê a học chữ, tiếng cười giòn tan vang lên giữa tiếng sóng vỗ – tất cả tạo nên một bức tranh vừa mộc mạc, vừa thiêng liêng, mang đầy hy vọng và sức sống.
Sinh ra giữa muôn vàn gian khó, thiếu nước ngọt, thiếu rau xanh, điều kiện y tế và học tập còn nhiều hạn chế, nhưng các em vẫn lớn lên khỏe mạnh, nhanh nhẹn, hồn nhiên như bất kỳ đứa trẻ nào nơi đất liền. Các em được học về Tổ quốc ngay từ thuở ấu thơ, được chứng kiến lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên đỉnh nhà chỉ huy đảo, được nghe cha mẹ kể về những ngày đầu Trường Sa còn khói đạn, gian lao.
Những “mầm xanh” ấy là kết tinh của tình yêu thương và bản lĩnh vượt khó của cha mẹ, những người lính, người vợ lính, giáo viên, cán bộ dân sự đang ngày đêm bám trụ nơi đảo xa. Gia đình nhỏ giữa đảo lớn, giữa mênh mông sóng gió, đang góp phần định hình một Trường Sa không chỉ là pháo đài thép mà còn là nơi sinh sống của những mầm xanh tương lai.
Tiết mục biểu diễn văn nghệ của các cháu với Đoàn công tác số 2, năm 2025 trên Đảo Đá Tây A.
Nếu ai đã từng đặt chân đến Trường Sa, hẳn sẽ không thể quên được những hàng Bàng vuông sần sùi, vững chãi bên các vọng gác, hay những cây Phong ba với dáng hình cứng cỏi luôn xòe tán đón gió. Giữa cái nắng như thiêu, giữa những cơn gió biển mặn chát, những thân cây ấy vẫn xanh mướt, vẫn vươn mình che chở cho lính đảo và cả các em nhỏ vui chơi dưới bóng cây.
Bàng vuông và Phong ba, hai loài cây tiêu biểu cho sức sống bền bỉ của Trường Sa. Giống như những đứa trẻ nơi đây, chúng không cần đất màu mỡ để lớn lên, chỉ cần được nuôi bằng ý chí, bằng tình yêu và lòng kiên trì. Gốc rễ bám sâu vào đá san hô - nơi mà sự sống vốn khắc nghiệt, nhưng vẫn trỗi dậy mạnh mẽ như thách thức với sóng gió và thời gian.
Những “mầm xanh” trên đảo, cũng như những cây Bàng vuông ấy, là biểu tượng sinh động cho khát vọng trường tồn của con người nơi biển đảo. Các em sống trong môi trường không có rạp chiếu phim, không siêu thị, không khu vui chơi… nhưng lại lớn lên trong một không gian đặc biệt, nơi từng bước chân là từng dấu ấn của lịch sử, từng ánh mắt là niềm tin vào Tổ quốc. Cuộc sống nơi đảo xa không có nhiều vật chất, nhưng lại giàu có về tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc và tình đoàn kết.
Không chỉ có cây xanh, không chỉ có tiếng trẻ thơ, Trường Sa hôm nay đã có trường học, trạm xá, nhà văn hóa, sân bóng đá, vườn rau và cả thư viện nhỏ… tạo nên một không gian sống vừa thân quen, vừa thiêng liêng giữa biển trời. Ở đó, các em không chỉ học chữ, mà còn được dạy làm người, làm một công dân biển đảo, một chiến sĩ nhỏ tuổi mang trong mình trái tim yêu nước từ thuở lọt lòng.
Nửa thế kỷ - một hành trình gieo mầm
Ngày 29-4-1975, ngày lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, đánh dấu mốc son lịch sử trong hành trình khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Từ một vùng đảo chỉ có những đồn trạm nhỏ và sự hiện diện của quân đội, Trường Sa hôm nay đã thực sự trở thành một phần máu thịt không thể tách rời của đất mẹ Việt Nam.
Những cây bàng vuông bên cột mốc chủ quyền trên đảo Sinh Tôn Đông.
Trong suốt 50 năm qua, lớp lớp cán bộ, chiến sĩ Hải quân đã không quản hiểm nguy, bám trụ giữ đảo, đối mặt với thiên tai, địch họa để bảo vệ từng tấc đá san hô, từng cột mốc chủ quyền. Cùng với họ là những người vợ lính, những người mẹ, người thầy giáo, cô giáo… âm thầm xây dựng cuộc sống, chăm sóc từng em nhỏ, gieo những hạt giống niềm tin vào tương lai.
Chính những “mầm xanh Trường Sa” - những công dân được sinh ra trên đảo, đã trở thành minh chứng hùng hồn, sống động nhất cho khát vọng hòa bình, ý chí bám biển, giữ đảo của dân tộc Việt Nam. Các em không chỉ là niềm tin, mà còn là lời khẳng định với thế giới rằng: Trường Sa không phải là nơi hoang vắng, mà là nơi của sự sống, của con người, của tình yêu và khát vọng.
Nhìn vào những nụ cười hồn nhiên, những đôi mắt trong veo của các em nhỏ, ta thấy cả một Trường Sa tươi mới, một Trường Sa có tương lai. Và cũng từ đó, mỗi chúng ta, dù ở đất liền hay nơi đầu sóng, càng thêm tin yêu, thêm tự hào, thêm trách nhiệm với phần lãnh thổ thiêng liêng ấy.
Giữa muôn trùng sóng gió, Trường Sa hôm nay không chỉ là nơi tuyến đầu của Tổ quốc, mà còn là vùng đất của sự sống, của tình người và của niềm tin. Những “mầm xanh Trường Sa” sinh ra, lớn lên giữa biển, được nuôi dưỡng bằng tình yêu thương và ý chí kiên cường - chính là biểu tượng đẹp đẽ cho sức sống bất tử của dân tộc Việt Nam trên biển Đông.
Trường Sa không chỉ có sóng, có đá, có cột mốc chủ quyền, mà còn có tiếng cười con trẻ, có những cây Bàng vuông vươn tán giữa bão giông, có những trái tim kiên trung gìn giữ biên cương. Và chỉ cần có những “mầm xanh” ấy hiện hữu, ta có quyền vững tin rằng: Trường Sa hôm nay, mai sau, mãi mãi là của Việt Nam.