Mỏ Cày Bắc phát huy hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách xã hội

27/05/2024 - 06:46

BDK - Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22-11-2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (TDCSXH) và Kết luận số 06-KL/TW ngày 10-6-2021 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư, hoạt động TDCSXH trên địa bàn huyện Mỏ Cày Bắc đi vào cuộc sống; phát huy hiệu lực, hiệu quả, góp phần tích cực thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, ổn định chính trị, an sinh xã hội và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Anh Nguyễn Văn Trúc Linh được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội phát triển đàn bò, giúp cải thiện kinh tế gia đình, thoát nghèo bền vững.

Anh Nguyễn Văn Trúc Linh được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội phát triển đàn bò, giúp cải thiện kinh tế gia đình, thoát nghèo bền vững.

Giám đốc Phòng Giao dịch huyện Mỏ Cày Bắc, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Chi nhánh tỉnh Huỳnh Hiếu Trung cho biết: Giai đoạn 2014 - 2024, TDCSXH đã cho vay 35.752 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, với số tiền 957,8 tỷ đồng. TDCSXH giúp hơn 4 ngàn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo thoát nghèo bền vững, tạo việc làm mới cho 3.669 lượt lao động trên địa bàn huyện. Trong đó, có 130 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, giúp 3.160 lượt học sinh, sinh viên vay vốn học tập; hỗ trợ hộ nghèo xây dựng 28 căn nhà, xây mới và cải tạo 9 nhà ở xã hội; xây dựng 24.882 công trình nước sạch và công trình nhà vệ sinh nông thôn; cho vay 6 người sử dụng lao động để trả lương cho hơn 5 ngàn lao động; cho vay 45 học sinh, sinh viên mua máy vi tính, thiết bị học tập trực tuyến…

 Theo Tổ trưởng Tổ vay vốn ấp Tân An, xã Tân Bình Nguyễn Thành Trung, nguồn vốn này ưu tiên giúp các hộ còn khó khăn làm kinh tế gia đình. Thời gian qua, mặc dù nguồn vốn tuy không nhiều nhưng tiếp sức thêm cho bà con phát triển chăn nuôi.

Anh Nguyễn Văn Trúc Linh, ấp Tân An, xã Tân Bình, là hộ thoát nghèo từ đồng vốn chính sách. Sau lần vay đầu tiên cách đây hơn 10 năm, với 5 - 6 triệu đồng, anh Linh mua được 1 con bò cái và dần dần phát triển đàn bò. Ngoài chăm sóc đàn bò, anh còn tranh thủ thời gian làm thuê kiếm thêm thu nhập. Anh Linh phấn khởi cho biết, cách nay 2 năm, anh được tiếp sức từ nguồn vốn CSXH 50 triệu đồng để cải thiện kinh tế nông hộ. Anh mua thêm 3 con bò, nâng tổng số đàn bò hiện có 5 con. Nhờ đó, vợ chồng anh đã thoát nghèo.

 “Hộ anh Linh trước có vay vốn hộ nghèo, xét thấy chí thú làm ăn nên đã tiếp tục xét cho vay 50 triệu đồng để gia đình anh phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững”, ông Nguyễn Thành Trung - Tổ trưởng Tổ vay vốn ấp Tân An cho biết thêm.

Đến nay, nguồn vốn TDCSXH lan tỏa đến 100% ấp, khu phố, xã, thị trấn trong huyện, với 314 tổ tiết kiệm và vay vốn, 13 điểm giao dịch tại cấp xã. Qua đó, góp phần hạn chế “tín dụng đen”, thực hiện công tác chuyển đổi số và thanh toán không dùng tiền mặt.

Theo Phòng Giao dịch huyện Mỏ Cày Bắc, tổng nguồn vốn thực hiện TDCSXH trên địa bàn huyện trên 438 tỷ đồng, tăng trên 271 tỷ đồng so với năm 2014. Trong đó, nguồn vốn cân đối từ Trung ương hơn 363 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng hơn 82% tổng nguồn vốn; nguồn vốn huy động được Trung ương cấp bù lãi suất 51,8 tỷ đồng; nguồn vốn ủy thác tại địa phương 22,7 tỷ đồng (trong đó, nguồn vốn ủy thác từ ngân sách cấp huyện 7,6 tỷ đồng).

Giám đốc Phòng Giao dịch huyện Mỏ Cày Bắc Huỳnh Hiếu Trung nhận định, đặc thù của huyện là có tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo thấp hơn so với các huyện khác; đồng thời đa phần là vừa thoát nghèo, có mức sống trung bình. Do đó, nếu không tiếp cận được nguồn vốn Trung ương dành cho hộ nghèo thì rất có khả năng tái nghèo. Từ thực tế trên, hàng năm, cấp ủy, chính quyền địa phương đã ưu tiên dành nguồn ngân sách chuyển sang hỗ trợ những đối tượng này, từ 15 - 20%/năm. Kinh nghiệm cho thấy, để đạt được kết quả trong hoạt động TDCSXH trong 10 năm qua là nhờ vào sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp tại địa phương.

Kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và thực hiện công bằng, tiến bộ xã hội; có chính sách phù hợp, nhằm hạn chế phân hóa giàu nghèo, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; chú trọng các giải pháp tín dụng chính sách, tạo điều kiện và khuyến khích hộ nghèo, hộ cận nghèo phấn đấu vươn lên thoát nghèo bền vững; trợ giúp người nghèo chủ yếu bằng cách cho vay vốn, hướng dẫn cách làm ăn. Thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách xã hội góp phần  nâng cao đời sống cho người dân.

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN