Mỏ Cày Bắc phát huy hiệu quả tín dụng chính sách xã hội trong công tác giảm nghèo

21/06/2024 - 16:08

BDK.VN - Qua 10 năm (2014 - 2024) triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22-11-2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (TDCSXH), huyện Mỏ Cày Bắc đạt được những kết quả đáng ghi nhận; đông đảo người dân trong huyện hưởng ứng tham gia, có 4.010 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo thoát nghèo bền vững.

 Anh Huỳnh Văn Phong chăm sóc đàn dê.

Công tác triển khai

Ban Thường vụ Huyện ủy Mỏ Cày Bắc đã tổ chức phổ biến, quán triệt Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW đến cán bộ chủ chốt các cấp. Huyện ủy thường xuyên tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với hoạt động TDCSXH; nâng cao trách nhiệm các tổ chức chính trị - xã hội.

Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Mỏ Cày Bắc Huỳnh Hiếu Trung cho biết: “Phòng Giao dịch NHCSXH huyện thực hiện 12 chương trình tín dụng ưu đãi, dư nợ đạt trên 427 tỷ đồng. Nguồn vốn TDCSXH đã lan tỏa đến 100% ấp, khu phố, xã, thị trấn trong huyện. Phối hợp với chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội thành lập 314 tổ tiết kiệm và vay vốn (TK-VV), xây dựng được 13 điểm giao dịch tại các xã, thị trấn”.

Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Mỏ Cày Bắc đã đưa các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng như: cho vay, huy động vốn, tiết kiệm, chi trả an sinh xã hội, App VBSP SmartBanking… về tại các xã, thị trấn để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận các chương trình vay vốn, góp phần hạn chế “tín dụng đen”. Tổng nguồn vốn thực hiện TDCSXH trên địa bàn huyện gần 440 tỷ đồng, đã cho 35.752 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác vay với tổng số vốn gần 958 tỷ đồng. 10 năm qua, TDCSXH giúp 4.010 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo đã thoát nghèo bền vững; tạo việc làm mới cho 3.669 lượt lao động.

Người dân tích cực tham gia

Trong 13 điểm giao dịch tại các xã, thị trấn, chỉ có điểm giao dịch tại xã Tân Thanh Tây trong 10 năm (2014 - 2024) không xảy ra tình trạng nợ quá hạn. Toàn huyện có 314 tổ TK-VV ở các ấp, khu phố, chỉ có tổ TK-VV của Chi hội Nông dân ấp Thanh Tây, xã Tân Thanh Tây hoạt động nổi bật, rất điển hình. Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Thanh Tây Nguyễn Tấn Huỳnh nhận xét: “Tôi quản lý và theo dõi nhận thấy Tổ TK-VV của Chi hội Nông dân ấp Thanh Tây có không quá 60 khách hàng vay vốn. 10 năm qua đã có 25 khách hàng xóa được hộ nghèo, hộ cận nghèo, tiến lên hộ khá nhờ TDCSXH. 25 khách hàng hết hộ nghèo, hộ cận nghèo đã xin ra khỏi tổ để hộ nghèo khác vào, đặc biệt không để nợ quá hạn”.

Nhiều hộ thoát nghèo, cận nghèo

Bà Nguyễn Thị Kim Liên - Tổ trưởng Tổ TK-VV của Chi hội Nông dân ấp Thanh Tây cho biết: “Qua 10 năm, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Mỏ Cày Bắc có lãi suất từ khoảng 3% đến khoảng 9% (tùy thuộc từng năm lãi suất có biến đổi). Lãi suất có lúc thấp nhưng các hộ nghèo không nên chủ quan, hãy “liệu cơm gắp mắm” tức lượng sức mình để dư khả năng trả vốn và lãi đến khi hết hạn cho vay”.

Lời khuyên của bà Nguyễn Thị Kim Liên được nhiều hộ nghèo đồng ý, trong đó có bà Huỳnh Thị Đông, sinh năm 1969, ở ấp Thanh Tây. Bà Huỳnh Thị Đông chia sẻ: “Năm 2016, gia đình tôi thuộc hộ nghèo, chỉ có gần 2 công đất. Nghe bà Nguyễn Thị Kim Liên giới thiệu có TDCSXH, tôi mừng quá vay 25 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo. Trong 3 năm, tôi trả dần 8 triệu đồng/năm bằng cách nuôi heo. Nuôi heo thắng nhiều năm, có những năm nuôi gần 100 con heo. Cuối năm 2019, tôi trả dứt vốn vay và lãi, xóa được hộ nghèo, chuyển sang  hộ cận nghèo. Cũng cuối năm 2019, khi trả dứt nợ, tôi vay mới 50 triệu đồng trong Chương trình cho vay hộ cận nghèo. Đến cuối 2022 tôi hết nợ và thoát cận nghèo nhờ nuôi khoảng 70 con heo và 1 con bò (con bò này tôi lời 15 triệu đồng)”.

 Sau khi thoát khỏi hộ nghèo, hộ cận nghèo, bà Huỳnh Thị Đông xin ra khỏi Chương trình vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, chuyển sang Chương trình cho vay giải quyết việc làm (bà vay 90 triệu đồng của TDCSXH) trong thời gian 3 năm. Hiện tại, bà Huỳnh Thị Đông nuôi 2 con bò; trong vòng 60 ngày tới bà sẽ bán vì mỗi con  hiện nặng khoảng 500kg, giá khoảng 40 triệu đồng/con. “Bên cạnh nuôi 2 con bò, tôi còn nuôi 2 con heo nái để kiếm heo con vì vừa bán 25 con heo thịt. Nhất định tháng 8-2024, tôi thả nuôi mới 5 con bò. Hết năm 2025 tôi không vay nữa vì có vốn từ nuôi bò và heo”, bà Huỳnh Thị Đông cho biết thêm.

Không chỉ nuôi heo, bò, nhiều hộ nghèo ở huyện Mỏ Cày Bắc còn nuôi dê khá thành công. Anh Huỳnh Văn Phong, sinh năm 1981, ở ấp Thanh Đông, xã Tân Thanh Tây nuôi dao động từ 25 - 60 con dê. Anh Phong cho hay: “Năm 2014, tôi thuộc hộ nghèo vì mới vay lần đầu, chỉ vay 15 triệu đồng từ TDCSXH đến cuối 2017 trả hết vốn vay và lãi nhờ nuôi 26 con dê (dê nái, dê con, dê thịt). Sau khi thoát nghèo, tôi trả dứt vốn vay và lãi, chuyển sang cận nghèo. Cuối năm 2020, tôi tham gia Chương trình cho vay hộ cận nghèo, vay mới 40 triệu đồng để đầu tư mạnh vào đàn dê 60 con. Cuối năm 2023, tôi thoát khỏi hộ cận nghèo, xin ra khỏi tổ TK-VV, nhường chỗ cho các hộ nghèo còn lại. Dê thịt hiện tại khoảng 100 đồng/kg, mỗi con tôi lời khoảng 1 triệu đồng nhờ cho ăn 80% cỏ, 20% thức ăn chỉ trong vòng nuôi 8 hoặc 9 tháng là có bán dê thịt. Dự định năm 2025, tôi tăng đàn lên 70 con từ nguồn vốn nuôi dê trong những năm qua”.

“Từ năm 2014, khi Huyện ủy, UBND huyện phối hợp với Phòng Giao dịch NHCSXH huyện triển khai đến cơ sở Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22-11-2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Đến nay, góp phần không nhỏ làm cho toàn huyện giảm còn 610 hộ nghèo, 914 hộ cận nghèo. Người quản lý, theo dõi, đôn đốc, nhắc nhở rất thấu tình đạt lý như bà Nguyễn Thị Kim Liên - Tổ trưởng Tổ TK-VV của Chi hội Nông dân ấp Thanh Tây rất đáng biểu dương, khen thưởng vì bà luôn vì mục đích xóa nghèo cho khách hàng và đem lợi nhuận cho ngân hàng”.

(Phó chủ tịch UBND huyện Mỏ Cày Bắc Nguyễn Trung Nghiệp)

Bài, ảnh: Hoàng Vũ

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN