Mỏ Cày Nam - 10 năm nghĩa tình “Da cam”

14/08/2020 - 06:55

BDK - Qua gần 10 năm hoạt động, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin - Bảo vệ quyền trẻ em huyện và các hội xã, thị trấn trong huyện Mỏ Cày Nam đã vượt qua bao khó khăn để vận động, chăm lo cho nạn nhân chất độc da cam (CĐDC) về vật chất lẫn tinh thần, giúp gia đình và nạn nhân phần nào xoa dịu nỗi đau và dần có cuộc sống tốt hơn.

Cuộc sống gia đình anh Huỳnh Văn Tân (bên trái), xã Tân Hội đã cải thiện tốt hơn, hiện anh đã thoát nghèo.

Cuộc sống gia đình anh Huỳnh Văn Tân (bên trái), xã Tân Hội đã cải thiện tốt hơn, hiện anh đã thoát nghèo.

Nỗi đau “da cam”

Chiến tranh đã lùi xa vào quá khứ nhưng nỗi đau di chứng CĐDC/dioxin ảnh hưởng từ chiến tranh vẫn còn dai dẳng. Những thế hệ thứ hai, thứ ba vẫn còn bị ảnh hưởng với di chứng bệnh tật từ CĐDC/dioxin phải tốn nhiều tiền và thời gian chạy chữa, có khi mang bệnh đến suốt đời, là nỗi đau oằn lòng của các gia đình nạn nhân và xã hội. Riêng huyện Mỏ Cày Nam, có hơn 1,9 ngàn nạn nhân bị ảnh hưởng từ CĐDC.

Buổi chiều một ngày đầu tháng 8-2020, chúng tôi có dịp theo chân đoàn công tác của Huyện hội đến thăm gia đình anh Huỳnh Văn Tân (52 tuổi), ở ấp Tân Lộc, xã Tân Hội. Sau khi tham gia làm nghĩa vụ quốc tế ở chiến trường Campuchia trở về, anh lập gia đình và sinh được 2 người con. Người con gái đầu lòng khỏe mạnh đến nay đã lập gia đình ở riêng. Còn người con trai - Huỳnh Quốc Sử thì bị di chứng CĐDC/dioxin nên trí não không phát triển. Nay Sử tròn 20 tuổi nhưng vẫn như một đứa trẻ, lúc nào cũng phải có người trông coi. “Là con mình nên dù thế nào thì mình cũng yêu thương nó, lo cho nó. Bệnh tật thì không ai muốn nên phải cố gắng. Bên cạnh gia đình còn có bà con hàng xóm và hội quan tâm chia sẻ nên cũng đỡ phần nào cho gia đình”, anh Tân bộc bạch.

Hay như trường hợp của anh Trần Văn Nghĩa, ở xã Ngãi Đăng, là con duy nhất của liệt sĩ Trần Văn Tốt bị di chứng CĐDC/dioxin, mẹ lại mất nên phải sống với người anh họ. Hoặc trường hợp anh Trương Văn Xuân, ở xã An Thạnh, là nạn nhân CĐDC/dioxin nên dù đã gần 50 tuổi nhưng chỉ cao gần 80cm. Chị Nguyễn Thị Phượng, ở xã Hương Mỹ, do di chứng chất độc hóa học, hai chân không đi lại được và thường xuyên bị co giật làm chị đau đớn, cùng rất nhiều trường hợp đau lòng khác do ảnh hưởng từ CĐDC/dioxin.

Trở lại câu chuyện gia đình anh Huỳnh Văn Tân, xã Tân Hội, anh đã được Huyện hội vận động xây tặng 1 căn nhà “Nghĩa tình đồng đội” khang trang (bàn giao năm 2018) cùng 1 con bò giống. Với sự quan tâm chăm lo của Huyện hội, sự nỗ lực vươn lên của gia đình, từ một hộ cận nghèo, đến nay anh đã thoát nghèo. Ngoài phần thu nhập từ làm thuê, anh còn phát triển đàn bò được 3 con cùng với vài con dê nhỏ. Tuy còn phải lo toan nhiều thứ, song với anh, cuộc sống hiện tại của anh đã tạm ổn. Anh chị cũng đã yên tâm hơn để chăm sóc cho đứa con trai bị di chứng CĐDC/dioxin. Anh Tân đã có thể nở nụ cười sau nhiều nỗi đau hằn lên đôi mắt. Không chỉ có gia đình anh Tân mà nhiều gia đình nạn nhân da cam khác cũng đã có nhiều niềm vui khi cuộc sống dần thay đổi tốt hơn.

Nhiệt tình công tác hội

Là một người tâm huyết với hoạt động Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin - Bảo vệ quyền trẻ em huyện Mỏ Cày Nam, ông Phan Văn Giang - Chủ tịch hội đã song hành cùng hoạt động hội từ những ngày đầu thành lập đến nay. Ông cùng với các thành viên trong tổ chức hội thực hiện nhiều hoạt động chăm lo cho nạn nhân CĐDC/dioxin. Trong đó, vận động quà nhân dịp lễ, Tết, kỷ niệm Ngày Vì nạn nhân CĐCD/dioxin (10-8) hàng năm. Những năm đầu còn khó khăn, hội chỉ vận động từ 100 - 200 triệu đồng. Những năm tiếp theo, hội đã được nhiều tổ chức, đơn vị quan tâm ủng hộ nhiều hơn. Riêng trong năm 2019, hội đã vận động được hơn 3,6 tỷ đồng để thực hiện các hoạt động chăm lo cho nạn nhân bị CĐDC/dioxin.

Ông Giang chia sẻ: “Nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện đã không quản nắng mưa, có khi đi bộ hàng cây số và vác hàng hóa như gạo, mì tôm, nhu yếu phẩm đến nhà trao tận tay cho từng gia đình nạn nhân CĐDC. 10 năm qua, có rất nhiều những tấm lòng vàng ở khắp nơi đến chia sẻ bằng những món quà, nhu yếu phẩm nghĩa tình, góp phần cùng hội thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội của huyện nhà”.

Có thể kể đến Sư cô Thích nữ Chơn Nguyên - Trụ trì chùa Khánh Linh, xã Bình Khánh; Sư cô Thích nữ Diệu Thanh - Tịnh độ cư sĩ Hưng Phước Tự, thị trấn Mỏ Cày; ông Lương Văn Hiệp - Trưởng ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo liên xã Thành Thới A đã đồng hành cùng hội trong suốt 10 năm qua. Các vị đã kêu gọi, vận động quý phật tử các nơi phát tâm đóng góp, ủng hộ hàng ngàn suất quà, hàng chục cây cầu lớn nhỏ, hơn 20 căn nhà tình thương, tình nghĩa với tổng kinh phí hơn 3 tỷ đồng.

Hay như Đại đức Thích Quang Hùng (Phường 6, Quận 8, TP. Hồ Chí Minh) đã vận động hỗ trợ hơn 40 cây cầu với tổng kinh phí hơn 2 tỷ đồng. Hoặc như anh Phạm Văn Dũng - chủ một cơ sở buôn bán trái cây nhỏ tại quận Bình Tân, cứ vào dịp cuối tuần, anh chạy xe máy mang quà tặng cho nạn nhân CĐDC/dioxin ở nhiều nơi, trong đó có huyện Mỏ Cày Nam. Bên cạnh đó, Huyện hội còn nhận được sự quan tâm của cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động, các tổ chức doanh nghiệp, hàng năm, đã đóng góp vào Quỹ da cam tạo điều kiện cho Huyện hội thực hiện chương trình sinh kế thoát nghèo. Kết quả, ban đầu từ 5 hộ, với 10 con dê giống (trị giá 40 triệu đồng), đến nay đã nhân lên được 11 hộ với 30 con dê (trị giá 90 triệu đồng), góp phần cải thiện đời sống vật chất, nâng cao thu nhập cho gia đình nạn nhân. Ngoài ra, Quỹ hội còn tồn 150 triệu đồng gửi tiết kiệm để phòng khi có thiên tai, dịch bệnh trợ cấp thêm cho gia đình các nạn nhân.

“Qua 10 năm hoạt động, Huyện hội đã nhận được nhiều bằng khen của Trung ương Hội, UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và giấy khen của UBND huyện. Điều đáng quý, cán bộ hội cơ sở hoạt động không hưởng bất cứ một lợi ích nào từ ngân sách nhà nước, nhưng các anh, chị vẫn nhiệt tình, hết lòng với công tác hội. Tất cả vì tình yêu thương với nạn nhân bị nhiễm CĐDC/dioxin”, ông Giang bày tỏ.

Bài, ảnh: Ánh Nguyệt

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN