Triển khai dự án
Năm 2018, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỏ Cày Nam đã thực hiện dự án: “Sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ chất thải chăn nuôi heo trên địa bàn huyện Mỏ Cày Nam” nhằm tạo nguồn phân bón hữu cơ có bổ sung vi sinh, chi phí thấp phục vụ sản xuất nông nghiệp nhằm tăng năng suất, chất lượng cây trồng, đồng thời giải quyết vấn đề vệ sinh môi trường góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Thời gian thực hiện dự án là 18 tháng, kinh phí dự án trên 427,7 triệu đồng. Sau một năm thực hiện, dự án đã thực hiện các nội dung, mục tiêu và sản phẩm đề ra.
Cụ thể, Ban chủ nhiệm dự án khảo sát lựa chọn 10 hộ dân đủ điều kiện tham gia mô hình (5 hộ ở Cẩm Sơn, 5 hộ ở An Định) với các tiêu chí: là hộ có chăn nuôi heo thịt (từ 20 con trở lên) hoặc heo nái (từ 10 con trở lên) trong tổ hợp tác và có đất từ 2.000m2 trồng cây ăn trái, dừa.
Xây dựng quy trình sản xuất 90 tấn phân hữu cơ vi sinh từ chất thải chăn nuôi heo theo quy định. Kết quả phân tích các thành phần có trong phân hữu cơ vi sinh như vi sinh vật, chất hữu cơ tổng, cơ bản đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn phân hữu cơ vi sinh vật (theo tiêu chuẩn TCVN 7185 : 2002).
Xây dựng mô hình bón phân hữu cơ vi sinh từ sản phẩm dự án cho cây bưởi da xanh với quy mô 1ha (1.000m2/hộ x 10 hộ). Kết quả, qua theo dõi đánh giá sự sinh trưởng và phát triển của cây bưởi da xanh, cây bưởi sinh trưởng, phát triển khá tốt khi bón phân hữu cơ vi sinh từ chất thải chăn nuôi heo đã được ủ hoai, lá bưởi xanh tốt, chu vi thân, chiều cao cây, chiều rộng tán đều phát triển tốt...
Quy trình ủ phân
Thông qua việc thực hiện dự án giúp nông dân có thêm kiến thức thực hiện chủ động việc ủ phân hữu cơ bón cho vườn cây ăn trái, giảm ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, tăng hiệu quả trong quá trình trồng trọt và chăn nuôi, hướng tới một nền nông nghiệp hiệu quả và bền vững. Sau khi dự án được Hội đồng Khoa học và công nghệ cấp cơ sở của tỉnh đánh giá “Đạt”, nhóm thực hiện dự án sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện các nội dung nhân rộng dự án trên địa bàn huyện.
Nguồn nguyên liệu phân heo phục vụ quy trình ủ, hộ dân tự thực hiện việc thu gom, dự trữ trong bao thức ăn, sau đó cột kín lại hoặc thu gom xuống hầm, hố gom phân, có che đậy hạn chế gây ô nhiễm môi trường (sử dụng phân heo nái hoặc phân heo thịt khô, ráo, thuận tiện cho việc thu gom); hoặc phân heo sau khi xử lý từ mô hình máy ép tách phân heo do Dự án LSCAP hỗ trợ. Khi đủ số lượng từ 25 - 30 bao thì tiến hành ủ 1 lần.
Quy trình ủ phân hữu cơ vi sinh từ chất thải chăn nuôi heo gồm 5 bước:
Bước 1: Chuẩn bị nguồn nguyên liệu
- Nguồn nguyên liệu để ủ gồm phân heo và mụn dừa. Nguồn nguyên liệu phân heo chưa qua xử lý do hộ dân tự thu gom tại hộ hoặc mua; mụn dừa hộ dân liên hệ mua tại các cơ sở sản xuất chỉ xơ dừa.
- Tỷ lệ khoảng 70% phân heo, 30% mụn dừa.
Bước 2: Chuẩn bị chế phẩm sinh học, dụng cụ ủ phân
Phần chế phẩm sinh học, bạt lót và đậy, dụng cụ đảo trộn thực hiện quy trình ủ phân do dự án cấp cho hộ dân, chia làm 2 đợt. Chế phẩm sinh học sử dụng gồm: BIOFERT UPC và sản phẩm BIOFERT M, các sản phẩm này có chứa Bacillus spp (tối thiểu): 1,9 × 109 (CFU/ml); Lactobacillus spp. (tối thiểu): 1,0 × 107 (CFU/ml); Trichoderma spp (tối thiểu) 2 × 1010 (CFU/g CP)
Bước 3: Tiến hành quy trình ủ
- Trải bạt lót bên dưới để tránh thất thoát nguồn nguyên liệu và chế phẩm sinh học trong khi ủ. Sau đó trải các nguyên liệu gồm phân heo và mụn dừa thành từng lớp (20 - 25cm) lên trên lớp bạt lót.
- Tưới dung dịch chế phẩm BIOFERT UPC đã pha loãng lên lớp nguyên liệu vừa trải sao cho độ ẩm đạt khoảng 60% (sử dụng 1,5 - 2 lít chế phẩm sinh học cho 1 tấn nguyên liệu). Pha loãng 1,5 - 2 lít chế phẩm BIOFERT UPC vào 30 - 40 lít nước sạch.
- Lặp lại tương tự cho đến khi chiều cao đống ủ khoảng 1 - 1,5m. Sau đó đậy kín đống ủ để giữ nhiệt độ trong đống ủ, giúp phân hủy nhanh xác bã thực vật, vi khuẩn nấm bệnh…
Bước 4: Tiến hành đảo trộn
Trong quá trình ủ, nhiệt độ trong đống ủ có thể lên đến 60o C, các loài vi sinh vật phân giải chất hữu cơ phát triển nhanh và mạnh. Do vậy cần đảo trộn để các vi sinh vật có thể phân giải đều và nhanh hơn, giúp phân tơi xốp. Sau 15 - 20 ngày tiến hành đảo trộn một lần, thực hiện việc đảo trộn 3 - 4 lần. Trong quá trình đảo trộn, kiểm tra độ ẩm, tưới thêm nước pha chế phẩm BIOFERT UPC để giữ ẩm đống ủ đạt khoảng 60%. Khi đảo trộn đống ủ lần cuối, tiến hành bổ sung chế phẩm sinh học có chứa nấm Tricoderma để tăng cường lượng vi sinh có ích cho cây trồng, (liều dùng 1 - 1,5kg/tấn nguyên liệu).
Bước 5: Tiến hành bón cho cây trồng, dự trữ hoặc bán
Sau 10 - 15 ngày đảo trộn lần cuối, quy trình ủ phân hữu cơ vi sinh đã hoàn thành, hộ dân tiến hành bón trực tiếp cho cây trồng hoặc dự trữ trong bao, để nơi thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp.
Thời gian ủ phân tối thiểu phải từ 2 - 3 tháng tùy thuộc vào điều kiện thời tiết, nguồn nguyên liệu…
Tường Khanh (Sở Khoa học và Công nghệ)