Mỏ Cày Nam thực hiện nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch năm 2022

12/12/2022 - 05:40

BDK - Năm 2022, việc phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện Mỏ Cày Nam có nhiều tín hiệu khởi sắc. Đây là tiền đề để huyện tiếp tục phát triển trong năm 2023 theo hướng duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức khá; tranh thủ mọi nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng gắn với xây dựng huyện nông thôn mới.

 

Thảm xơ dừa đóng góp vào sự tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tại huyện. Ảnh: Thạch Thảo

Thảm xơ dừa đóng góp vào sự tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tại huyện. Ảnh: Thạch Thảo

Nỗ lực phục hồi kinh tế

Chủ tịch UBND huyện Mỏ Cày Nam Võ Văn Út cho biết: “Với sự chỉ đạo, điều hành chủ động, linh hoạt, sáng tạo, có trọng tâm, trọng điểm và sự quyết tâm, nỗ lực vượt qua khó khăn của các ngành, địa phương cùng với sự đồng thuận của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và nhân dân, kinh tế - xã hội của huyện đã phục hồi khá tốt và đạt nhiều kết quả trên các lĩnh vực, hầu hết các CT chủ yếu thực hiện đạt và vượt hoặc xấp xỉ đạt”.

Theo đó, có 9 chỉ tiêu (CT) vượt so với kế hoạch (KH), 21 CT đạt KH, 1 CT xấp xỉ đạt, 1 CT đạt trên 70% và 1 CT đạt dưới 50%. Cụ thể, giá trị sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp ước tăng 4,93% (KH tăng 3%). Giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ước tăng 19% (KH tăng 18,7%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước tăng 26,9% (KH tăng 26,53%). Tổng thu ngân sách theo CT tỉnh giao ước đạt 79/63,6 tỷ đồng, đạt 124% CT. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 2.060/2.000 tỷ đồng, đạt 103% KH. Bên cạnh đó, giải quyết việc làm ước 2.495/2.000 lao động, đạt 124,75%; thành lập mới 49 doanh nghiệp, đạt 150% KH. Hoạt động du lịch tiếp tục phát triển, ước tính doanh thu 6 tỷ đồng.

Diện tích dừa năm 2022 trên địa bàn huyện ước đạt 16.760ha, đạt 100,1% KH năm, trong đó diện tích thu hoạch 16.200ha, sản lượng ước đạt 189,8 triệu trái. Diện tích cây ăn trái 2.110ha, đạt 100,5% KH năm, trong đó diện tích trồng xen 1.910ha, trồng chuyên 200ha. Thực hiện hướng dẫn người dân cải tạo vườn dừa kém hiệu quả để trồng xen các cây trồng phù hợp, hiệu quả. Qua đó, diện tích vườn dừa có hệ thống trồng xen, nuôi xen hiệu quả hiện nay ước đạt 6.120ha, đạt 36,3% so với diện tích vườn dừa của huyện, đạt 100,8% so với CT KH.

Trong năm, trên địa bàn huyện thành lập mới 1 hợp tác xã (HTX), 20 tổ hợp tác, lũy kế đến nay có 16 HTX hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp và 109 tổ hợp tác hoạt động theo Nghị định số 77/NĐ-CP, đạt 100% KH năm. Các tổ hợp tác, HTX tiếp tục được củng cố và từng bước hoạt động có hiệu quả, liên kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp. HTX Nông nghiệp Định Thủy được đánh giá 1 trong 10 HTX hoạt động hiệu quả của tỉnh.

Chỉ tiêu trọng tâm năm 2023

Dự báo tình hình kinh tế - xã hội năm 2023, bên cạnh những thuận lợi, huyện cũng sẽ đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, với những kết quả đạt trong năm 2022, huyện Mỏ Cày Nam dự kiến đề ra CT phát triển kinh tế - xã hội năm 2023: Giá trị sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp tăng 3%. Giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tăng 19%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa - dịch vụ tăng 27%. Tổng thu ngân sách theo CT tỉnh giao 86.600 triệu đồng. Thu nhập bình quân đầu người đạt 70 triệu đồng/năm. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 3.000 tỷ đồng. Giải quyết việc làm cho trên 2.000 lao động; dạy nghề cho 700 lao động; lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng 200 người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 63%.

Để thực hiện đạt các CT đề ra trong năm 2023, huyện sẽ tập trung rà soát và triển khai thực hiện các văn bản cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XII Đảng bộ huyện, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và các KH tổ chức thực hiện. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình, dự án trên địa bàn...

Tăng cường công tác tập huấn, chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; chủ động chuyển đổi, cải tạo vườn tạp, vườn dừa kém hiệu quả sang trồng thay thế bằng các giống mới có năng suất; khai thác hiệu quả diện tích mặt nước trong vườn dừa để mở rộng diện tích nuôi thủy sản, nhất là nuôi tôm càng xanh. Xây dựng liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, phấn đấu đến cuối năm 2023 có 5 HTX nông nghiệp liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.

 Năm 2023 là năm thứ ba thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII và KH phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025), Chủ tịch UBND huyện Võ Văn Út cho rằng: Để đạt được các mục tiêu, CT KH đề ra, các cơ quan ban, ngành huyện, UBND các xã, thị trấn, căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình cần tập trung xây dựng KH cụ thể hóa các nghị quyết đại hội và triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện; nhất là triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm đã xác định.

Bài, ảnh: V. Nung - T.Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN