Mô hình dân vận khéo từ rác thải nhựa

27/10/2021 - 06:24

BDK - Triển khai thực hiện Nghị quyết số 03/NQ-ThU của Thành ủy TP. Bến Tre về chủ trương “6 không”, trong đó có “không rác thải, chất thải gây ô nhiễm môi trường”, Ban Chấp hành Xã Đoàn Phú Hưng (TP. Bến Tre) tham mưu Đảng ủy, Khối vận xã thực hiện mô hình dân vận khéo (DVK) “Vận động đoàn viên, thanh niên xây dựng các mô hình bảo vệ môi trường từ 500 viên gạch sinh thái” năm 2021.

Cán bộ đoàn và đoàn viên, thanh niên xã Phú Hưng cùng nhau làm gạch sinh thái.

Cán bộ đoàn và đoàn viên, thanh niên xã Phú Hưng cùng nhau làm gạch sinh thái.

Phát động thực hiện mô hình từ tháng 2, đến tháng 10-2021 hoàn thành, triển khai rộng khắp đến đoàn viên, thanh niên trong 10 chi đoàn (6 chi đoàn ấp, 3 chi đoàn giáo dục và 1 chi đoàn quân sự). Cụ thể, sử dụng rác thải nhựa tạo nên 500 viên gạch sinh thái, hình thành 3 sản phẩm bảo vệ môi trường và thân thiện cuộc sống. Đối với gạch sinh thái, sử dụng rác thải nhựa nén chặt trong chai nước tinh khiết (từ 350 - 500ml) đã qua sử dụng. Trọng lượng bằng thể tích của chai nhân 0,33.

Có 96 đoàn viên, thanh niên tham gia. Trung bình mỗi người làm 5 viên gạch sinh thái. Nguyên liệu được tích góp từ các hoạt động tổng vệ sinh môi trường, ra quân tháo gỡ những bảng quảng cáo treo không đúng quy định hoặc phân loại từ rác thải sinh hoạt gia đình. Tận dụng vỏ mì gói, vỏ bánh hoặc kẹo, túi nylon, băng-rôn hay áp phích quảng cáo và chai nhựa thu được sau các cuộc họp, hội nghị. Triển khai ý tưởng, cách làm tùy theo sản phẩm thực hiện. Sử dụng keo kết dính các viên gạch với nhau, cố định hơn bằng dây kẽm.

“Chuẩn bị nguyên vật liệu xong, lựa chọn địa điểm phù hợp, mỗi người làm một công đoạn, cùng nhau thực hiện. Những ngày phòng chống dịch Covid-19, các thành viên thực hiện tại nhà. Công việc không khó nhưng đòi hỏi sự kiên trì, cố gắng vì tập thể. Các bạn đã góp phần tái chế rác thải nhựa, tạo nên những sản phẩm hữu ích”, Bí thư Chi đoàn ấp Phú Thành Nguyễn Trọng Nghĩa tâm sự.

Bộ bàn ghế được thiết kế từ 330 viên gạch sinh thái (200 viên/4 cái ghế và 130 viên cho chân bàn), sử dụng mây tre làm mặt bàn in logo Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, đặt tại khu vui chơi dành cho thiếu nhi trong khuôn viên Trung tâm Văn hóa - Thể thao khu vực Phú Hưng. Kệ đựng các phôi nấm bào ngư được giáo viên Trường Mầm non Ánh Dương tạo nên (100 viên/2 kệ). Đây là giáo cụ trực quan, sinh động trong việc giảng dạy, giúp các bé có thêm những hiểu biết mới mẻ và hấp dẫn. Giá đỡ ốp tường mang số 90 được tạo nên từ 70 viên gạch đặt tại văn phòng làm việc của Ban Chấp hành Xã Đoàn, mang ý nghĩa kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đoàn.

“Các cô rất thích thú trong việc làm gạch sinh thái. Mỗi người phụ một tay, từ tìm nguyên liệu cho đến khâu hoàn thành sản phẩm. Không chỉ là tham gia phong trào địa phương, mô hình còn tạo nên góc học tập mới mẻ trong nhà trường hay sân chơi dành cho trẻ”, cô Hồ Thị Vẹn - Bí thư Chi đoàn Trường Mầm non Ánh Dương bộc bạch.

Theo Bí thư Xã Đoàn Phú Hưng Lữ Anh Đào, mô hình nhằm nâng cao ý thức hạn chế sử dụng và vứt rác thải nhựa ra môi trường, góp phần cùng cả hệ thống chính trị thực hiện chủ trương “6 không” của Thành ủy.

Bài, ảnh: Lê Đệ

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích