Mô hình trồng rau xanh cải thiện bữa ăn gia đình

01/09/2021 - 06:35

BDK - Tận dụng không gian sân nhỏ, hàng rào, ban công hay sân thượng, nhiều hộ gia đình khu vực đô thị đã tạo cho mình một vườn rau nhỏ, vừa là niềm vui thư giãn hàng ngày, vừa tự cung cấp nguồn rau xanh cho bữa ăn gia đình. Xu hướng trồng rau tại nhà đang ngày càng lan tỏa, nhất là trong giai đoạn giãn cách xã hội.

Nhiều gia đình tận dụng thùng xốp để trồng rau tại nhà.

Nhiều gia đình tận dụng thùng xốp để trồng rau tại nhà.

Thú vui hữu ích

Theo lời mời của một người bạn, tôi vừa tham gia vào một nhóm Zalo gồm các anh chị có sở thích trồng rau tại nhà. Ở đây, mọi người sẽ trao đổi, chia sẻ mảnh vườn rau nhỏ mà mình trồng được, hỏi thăm về kinh nghiệm, kỹ thuật trồng. Người có sân vườn rộng thì trồng nhiều, dựng giàn bầu, giàn bí. Người ít đất thì tận dụng thùng xốp, chậu cũ trồng cải xanh, hành lá, rau muống, cho khổ qua leo theo bờ rào. Người thì ủ giá đậu xanh, gieo cải mầm… Điểm chung là mọi người trong nhóm đều ở nhà phố, yêu thiên nhiên, thoải mái chia sẻ về trồng trọt như là một thú vui hữu ích cho gia đình.

Từ chia sẻ của các anh chị nhóm trồng rau, nhận thấy cách làm phổ biến ở các hộ gia đình nhà ở đô thị là tận dụng ban công, sân thượng để làm vườn rau. Việc đầu tư cũng không quá nhiều chi phí khi sử dụng lại các chậu cây cũ hoặc chậu nhựa từ các đợt mua hoa chưng Tết. Có người sáng tạo thì cắt thùng nước uống đã qua sử dụng để làm chậu.

Chị Thu Phương, một thành viên trong nhóm chia sẻ: “Trước đợt giãn cách xã hội, tôi có kịp mua vài túi hạt giống và giá thể về trồng. Những ngày ở nhà thì cũng tranh thủ làm. Đến nay, rau trồng ở nhà đã có thu hoạch”. Chị Thu Phương hào hứng khoe trên nhóm rổ rau muống vừa mới cắt. Trưa nay, cả nhà chị có món rau muống xào tỏi mà không phải đi chợ.

Những loại rau ngắn ngày như: cải xanh, rau muống, khổ qua đang là lựa chọn ưu tiên của các hộ trồng trong mùa này vì dễ chăm sóc, ít tốn công. Bên cạnh đó, hành lá, tỏi hay rau lang, các loại rau gia vị cũng được hướng dẫn thực hiện với các biện pháp vô cùng đơn giản. “Hành lá, hành củ hay các loại rau thơm thì mình cắt lá ăn, giữ gốc lại trồng tiếp cũng được. Hành củ có thể trồng đất hoặc trồng nước vừa làm cảnh vừa cho thu hoạch. Ủ giá thì chỉ mất thời gian tầm 2 - 3 ngày, cải mầm từ 3 - 5 ngày là có ăn rồi. Mỗi ngày xong việc về nhà, dành chút thời gian chăm sóc mảnh vườn nhỏ của mình vậy mà thấy thư thái và nhẹ lòng. Nhìn những cây mình chăm sóc lớn lên hàng ngày, ra hoa, rồi đậu quả, cho thu hoạch, thưởng thức sản phẩm do chính tay mình làm được, tôi thấy vui lắm”, chị Thu Phương chia sẻ.

Kỹ thuật trồng rau

Việc trồng rau ở nhà không khó nhưng cũng không dễ. Khó là vì nếu không nắm được các yêu cầu cơ bản về đất, giá thể trồng và đặc điểm cây thì khi trồng dễ thất bại, không có kết quả như mong muốn. Thạc sĩ Lê Trí Nhân - Chuyên viên Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: “Việc canh tác để phục vụ bữa ăn hàng ngày tại nhà hiện đang được rất nhiều người quan tâm. Hạt giống, giá thể trồng, phân bón và các loại thuốc bảo vệ thực vật được bán rất phổ biến ở các chợ và trên mạng. Tuy nhiên, cần hiểu đúng và rõ thế nào là cách trồng rau an toàn; hiểu rõ những yếu tố gây hại, nhận dạng các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón để tránh những nguy cơ về vệ sinh an toàn thực phẩm”.

Theo Thạc sĩ Lê Trí Nhân, việc lựa chọn những loại rau nào để trồng tại nhà cần phù hợp với điều kiện tại hộ. Cần quan tâm về không gian, ánh sáng nơi trồng. Đối với những loại rau ăn lá không cần ánh sáng quá nhiều. Tuy nhiên, những loại rau ăn trái thì cần không gian và ánh sáng để thuận lợi cho quá trình ra hoa đậu quả.

Là một người vốn tự ti vì “trồng gì cũng chết”, chị Ngọc Quỳnh, ngụ Phường 4, TP. Bến Tre cho biết: “Mình thích trồng cây này kia nhưng chăm sóc không đúng cách nên không có kết quả gì. Nhiều lần vậy hoài cũng buồn chứ. Gần đây, mình lên mạng tham khảo các kỹ thuật về trồng trọt này kia, rồi coi cái nào phù hợp với điều kiện ở nhà thì làm. Hiện mình làm cải mầm, có thành phẩm ăn được mấy lần rồi, rất vui”.

Bên cạnh đó, các hộ gia đình đô thị cũng có thể áp dụng biện pháp ủ phân hữu cơ từ “rác bếp” như vỏ trái cây, củ quả, đầu cá, tôm... kết hợp với các chế phẩm vi sinh để tạo ra nguồn dinh dưỡng cho cây trồng. “Việc ủ phân hữu cơ tại hộ gia đình đô thị khá đơn giản, chỉ cần cho rác bếp vào thùng nhựa theo từng lớp không quá dày, tầm 20cm/lớp. Sau mỗi lớp tưới thêm vi sinh phân giải và đậy kín. Từ 30 - 45 ngày rác hoai mục sẽ có thể sử dụng để bón cho cây như một nguồn phân hữu cơ. Ủ rác bếp tạo ra lượng phân hữu cơ sử dụng quy mô hộ gia đình cũng là một giải pháp, góp phần bảo vệ môi trường, thúc đẩy phân loại rác sinh hoạt ngay tại nhà, sẽ giúp giảm thiểu nguồn rác thải ra môi trường”, Thạc sĩ Lê Trí Nhân cho biết.

Dù xuất hiện như là một thú vui lành mạnh của các gia đình nhưng trồng rau tại nhà, kết hợp với kỹ thuật bài bản và áp dụng tự ủ phân hữu cơ cũng được xem là một mô hình nông nghiệp đô thị hiệu quả, mang lại lợi ích và giá trị kinh tế của cư dân đô thị.

“Đối với đặc điểm của nông nghiệp đô thị, yếu tố giá thể, đất để trồng rau cũng cần lưu ý lựa chọn những đơn vị cung cấp đất sạch uy tín, đất phải được xử lý và bổ sung nấm Trichoderma và các loại vi sinh có lợi khác để giúp cây sau khi trồng phát triển khỏe mạnh, hạn chế tối đa nấm bệnh gây hại”.

(Thạc sĩ Lê Trí Nhân - Chuyên viên Trung tâm Khuyến nông tỉnh)

Bài, ảnh: Thanh Đồng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN