Đại biểu và phóng viên đi thực tế tại bãi rác.
Đại diện lãnh đạo Văn phòng Tỉnh uỷ, Văn phòng UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tài Nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Hội Nhà báo tỉnh, Công ty cổ phần Công trình đô thị Bến Tre; lãnh đạo UBND huyện Ba Tri, Ban Tuyên giáo Huyện uỷ Ba Tri, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ba Tri; Bí thư, Chủ tịch UBND xã An Hiệp, An Đức, thị trấn Ba Tri cùng phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí trong và ngoài tỉnh tham dự.
Báo cáo tại hội nghị, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Trịnh Minh Khôi cho biết, kết quả khắc phục ô nhiễm môi trường tại bãi rác An Hiệp, giảm 95% mức độ ô nhiễm so với cao điểm (ngày 17-7-2023). Qua tuyên truyền, vận động, một bộ phận người dân đã nhận thức bước đầu, yêu cầu phải khảo sát thực tế kết quả khắc phục sự cố ô nhiễm môi trường trước khi đối thoại với lãnh đạo tỉnh và tham gia giám sát việc xử lý rác thải của bãi rác trong thời gian tới.
Về cơ bản bãi rác An Hiệp đã khắc phục được ô nhiễm môi trường và sẽ thực hiện phương án tiếp nhận chôn lấp rác hợp vệ sinh, hạn chế tối đa mức độ ô nhiễm môi trường. Mở lại bãi rác An Hiệp để tiếp nhận, xử lý rác thải của tỉnh và của huyện Ba Tri là giải pháp duy nhất, không còn giải pháp nào khác tốt hơn trong khi chờ Nhà máy xử lý rác thải Bến Tre tái đầu tư đi vào hoạt động trở lại, dự kiến vào năm 2026.
Toàn cảnh bãi rác đã được khắc phục sự cố ô nhiễm.
Vị trí bãi rác An Hiệp, huyện Ba Tri được quy hoạch là một trong những khu xử lý rác thải của tỉnh đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050, xử lý rác thải cho vùng kinh tế biển, phát triển kinh tế hướng Đông. Do đó, cần kiên trì vận động người dân ủng hộ phương án này và sau ngày 19-8-2023 sẽ đưa rác về bãi rác An Hiệp chôn lấp hợp vệ sinh, công tác xử lý phải đảm bảo đúng quy định về bảo vệ môi trường, hạn chế thấp nhất tác động đến cuộc sống của người dân lân cận.
Để thực hiện tốt vấn đề này, ngay từ bây giờ, các sở, ngành liên quan cần quan tâm phối hợp với chính quyền địa phương triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau: Đơn vị quản lý bãi rác (Ban Quản lý Công trình giao thông đô thị và vệ sinh môi trường huyện Ba Tri) khi tiếp nhận, xử lý rác phải thực hiện theo quy trình chôn lấp rác hợp vệ sinh: rác được chuyển vào ao chứa rác có gia cố chống thấm, gom nước rỉ rác, chỉ đổ rác gói gọn một điểm (không đổ tràn lan), phun xịt và kéo bạt ngay sau khi đổ rác,… nhằm hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng môi trường xung quanh. Khẩn trương xây dựng hệ thống xử lý nước thải (dự kiến công suất 30m3/ngày đêm, kinh phí khoảng 4 tỷ đồng) để xử lý nước rỉ rác đạt theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường trước khi xả thải ra môi trường bên ngoài; dự kiến sẽ hoàn thành trong 6 tháng.
Đẩy nhanh tiến độ mở rộng thêm 3ha diện tích bãi rác tăng khả năng tiếp nhận, xử lý rác thải; tạo vùng đệm bằng cách trồng cây xanh hạn chế tác động của bãi rác đến cuộc sống người dân xung quanh. Quan tâm và thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội cho người dân sống lân cận bãi rác An Hiệp. Kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và có giải pháp giải quyết thỏa đáng kiến nghị của người dân theo quy định pháp luật.
Về lâu dài, kêu gọi đầu tư Nhà máy xử lý rác thải An Hiệp, huyện Ba Tri bằng công nghệ xử lý hiện đại, thân thiện môi trường để bảo đảm công tác xử lý rác thải của huyện trong tương lai, hạn chế tác động xấu đến môi trường và sức khỏe người dân.
Tại hội nghị, các phóng viên đánh giá cao nỗ lực của tỉnh trong khắc phục sự cố ô nhiễm tại bãi rác An Hiệp. Qua tham quan thực tế, phóng viên ghi nhận mùi hôi từ bãi rác đã được khắc phục; rác trong bãi rác đã được phủ bạt; nước rò rỉ được xử lý. Đồng thời, phóng viên đề nghị chủ trì cho biết thêm giải pháp, tạo sự hài hoà của các hộ dân sống xung quan bãi rác để cho xe vận chuyển rác vào….
Trả lời câu hỏi phóng viên đặt ra, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bùi Minh Tuấn khẳng định, chỉ còn giải pháp duy nhất là vận động người dân xã An Hiệp và An Đức cho xe vận chuyển rác vào bãi rác An Hiệp. Bởi, việc đưa rác vào nhà kho của Nhà máy xử lý rác thải Bến Tre là giải pháp tạm thời. Từ ngày 18-7-2023 đến nay, rác đã đưa vào kho chứa khoảng 5 ngàn tấn, gần như quá tải, không đủ điều kiện tiếp tục tiếp nhận rác. Hiện các ngành hữu quan tỉnh khẩn trương triển khai đồng loạt các giải pháp để nhà đầu tư mới tái cơ cấu lại Nhà máy xử lý rác thải Bến Tre.
Thời gian qua, tỉnh đã vận động mạnh thường quân hỗ trợ địa phương 300 triệu đồng để hỗ trợ nhà ở cho các hộ có điều kiện kinh tế khó khăn. Ngành y tế phối hợp đánh giá sức khoẻ của người dân; tìm nguyên nhân và giải pháp điều trị, ngăn ngừa trong thời gian tới. Tỉnh ưu tiên chính sách an sinh xã hội hỗ trợ người dân bị thiệt thòi từ bãi rác An Hiệp.
Lãnh đạo xã An Hiệp và An Đức cùng các đoàn thể bày tỏ quyết tâm tiếp tục vận động người dân đồng thuận chủ trương để đưa rác của TP. Bến Tre, huyện Châu Thành và huyện Ba Tri vào bãi rác xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường.
Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Cao Văn Dũng trao đổi cùng các phóng viên.
Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Cao Văn Dũng đánh giá cao sự vào cuộc của các cơ quan báo chí; có nhiều bài viết thông tin về sự cố tại bãi rác An Hiệp; chủ trương của tỉnh, góp phần tạo sự đồng thuận của người dân. Hiện ngành hữu quan đã xử lý rất tốt ô nhiễm môi trường tại bãi rác An Hiệp nên rất cần sự chia sẻ, đồng tình của người dân cho xe chở rác vào bãi rác trong thời gian tái cơ cấu lại Nhà máy xử lý rác thải Bến Tre. Đề nghị, lãnh đạo huyện Ba Tri, xã An Hiệp và An Đức cùng các đoàn thể tiếp tục tuyên truyền, vận động một số hộ dân chưa đồng thuận.
Ngoài ra, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Cao Văn Dũng mong tiếp tục nhận được sự đồng hành của các cơ quan báo chí trong thông tin tuyên truyền các chủ trương, định hướng phát triển của tỉnh. Đặc biệt, các điểm sáng của tỉnh trên các lĩnh vực, góp phần động viên Đảng bộ và nhân dân Bến Tre vượt qua khó khăn, đạt các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Tin, ảnh : Trần Quốc