 |
Ảnh: Internet |
Quê tôi - một làng nằm dọc trên kênh Phụ Nữ nổi danh thời kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ - nay thuộc xã Đại Điền, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre. Ở nơi này, nhiều đặc sản đã xuất hiện góp phần làm nên tiếng tăm cho làng quê sung túc và hưng thịnh.
Trong số đó, tôi nhớ mãi món cơm rượu thơm ngon, nồng ấm vào những ngày trưa hè trong tiếng võng đưa kẽo kẹt được cất lên qua những người phụ nữ tần tảo đảm đang, khéo léo: “Ai… cơm rượu… cơm rượu… ngon lắm… đây…”.
Ở xóm tôi, dì Tư, cô Út Lành, chị Hai Thành… cùng làm nghề cơm rượu, bỏ mối cho những người đi bán dạo. Nhìn chung, mỗi ngày các “chuyên gia” này làm khoảng 10 ổ, mỗi ổ từ 4 lít đến 5 lít nếp, vậy mà vẫn không đủ để tiêu thụ.
Dì Tư - tức dì Lê Thị Tư ở xóm tôi, vừa làm cơm rượu bỏ mối vừa tự mình đi bán dạo ở khắp nơi trong các làng, các ấp. Dì đã nói về nghề làm cơm rượu của mình, tôi xin được ghi lại dưới đây:
Làm cơm rượu được xếp vào nghề làm thủ công cổ truyền. Một ổ cơm rượu đạt chất lượng phải hội đủ hai điều kiện đạt chuẩn: Đó là “nếp” và “men”. Hai yếu tố này quyết định ngon, dở của ổ cơm rượu.
“Nếp” phải là nếp rặt bởi nếu lẫn lộn hạt gạo tẻ vào sẽ mất đi chất lượng của ổ cơm rượu. Còn yếu tố thứ hai cũng cực kỳ quan trọng đó là “men”. Phải là chỗ làm men có uy tín, nếu không có thể làm hư hỏng cả ổ cơm rượu.
Phải nghiền “men” và “nếp” chung, trộn cho đều trước khi ủ. Theo kinh nghiệm của dì Tư, nếp làm men phải vuốt thật sạch, ngâm nếp khoảng một giờ đồng hồ, đem lên để ráo, nấu sôi. Nước dùng để nấu là nước sông, nước giếng, nước thiên nhiên, sạch sẽ, không ô nhiễm môi trường. Khi nước sôi lần thứ nhất, đem ra vuốt để loại bỏ chất nhờn. Nấu lại lần hai, nước sôi vừa thấy khói bốc lên là đem xuống, vớt ra thau.
Còn gì ngon hơn mà lại rẻ, chỉ mấy ngàn thôi mà chị em buôn thúng, bán bưng được ấm lòng no dạ lúc lỡ đường. Bác nông phu đang vác cuốc ra đồng, đang cầm liềm gặt lúa, ngồi sà xuống gốc đa bên chén cơm rượu ngọt ngào. Đó là cái nho nhỏ nhưng góp phần tạo nên nét văn hóa làng xóm quê hương.
Nét đẹp hiền hậu, chân chất của một làng quê cộng hưởng cùng với món quà nhỏ ấm nồng, thơm ngọt vị quê hương. Đến nay, các dì, các chị quê tôi vẫn còn thủy chung giữ gìn nối tiếp nghề cha ông để lại, cái nghề truyền thống đã đi vào văn hóa ẩm thực đất phương Nam.