Một con người sâu sát thực tiễn

21/02/2021 - 21:46

Nguyên Phó thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật cầu đường Trịnh Văn Y trong buổi lễ khánh thành cầu nông thôn. Ảnh: PV

Nguyên Phó thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật cầu đường Trịnh Văn Y trong buổi lễ khánh thành cầu nông thôn. Ảnh: PV

Tôi biết gia đình anh Hai Nghĩa ở ngay sát đồn địch, nhưng cả gia đình anh đều đi theo cách mạng. Anh Hai Nghĩa được ra vùng giải phóng hoạt động rất tích cực. Trước đây trong kháng chiến gọi là Ty Giáo dục (có ký hiệu là B.1000) anh Hai Nghĩa thuộc về Tiểu ban Giáo dục. Anh rất quan tâm lĩnh vực này, thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy về công tác giáo dục, anh Hai Nghĩa trực tiếp đi mở lớp rất nhiệt tình. Anh giảng dạy cho con em nông dân mở mang trí tuệ. Anh mở rất nhiều lớp ở huyện Mỏ Cày, đến nay rất nhiều anh em học sinh thành đạt, mỗi khi anh về là các học sinh quây quần bên thầy, sau đó anh qua bên Tuyên huấn. Tôi thấy anh rất gần dân, ở đâu dân cũng quý mến. Anh hướng dẫn bà con trồng trọt, đắp đập nuôi tôm, nuôi cá.

Khi anh làm cán bộ cao cấp về gặp bà con vẫn rất ân cần gần gũi. Tôi rất mến anh về tinh thần cách mạng, nhiệm vụ nào cũng nhận, cố gắng hết mình để hoàn thành. Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, địch đánh tơi bời. Tôi nhớ hồi đó cán bộ B.1000 của giáo dục chết rất nhiều. Trong đó có cả giáo sư đi tập kết trở về cũng bị hy sinh, anh ấy là bạn Hai Nghĩa, có khi chị Kim Thoa cũng được anh Hai Nghĩa động viên, đến nay chị có con rất thành đạt. Tính ác liệt của chiến tranh lúc đó chắc nhiều người còn nhớ. Thằng địch tập trung đánh các trường, đang học nó vô thả bom thầy trò chui xuống hầm, nước ngập tới cổ, các em phải giơ tay lên đỡ sách, vở. Có ngày chui hầm bốn, năm lần. Có nhiều chỗ nó đánh bộ binh, nó phát hiện ra hầm các em, bịt lỗ thông hơi, ở dưới bị ngạt trồi lên, nó hãm hiếp các em và bắn chết luôn. Đúng là có cái chữ thầy và trò phải trả bằng máu. Nhưng các thầy và trò cũng rất kiên cường bám trụ, trong đó có cả bà Nguyễn Thị Kim Ngân cũng là học trò từ trong vùng giải phóng của tỉnh Bến Tre trưởng thành lên. Đến nay gặp lại anh Hai Nghĩa các học trò vẫn gọi thầy.

Tôi và anh Trương Vĩnh Trọng cùng quê nhưng khác xã, sau phong trào Đồng khởi, tôi mới tham gia cách mạng, còn anh tham gia vào vùng giải phóng trước tôi. Sau giải phóng, anh được đi đào tạo ở Hà Nội một thời gian, sau đó được bầu vào ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng về làm Bí thư Huyện ủy huyện Giồng Trôm, tôi được bầu làm Chủ tịch UBND huyện Giồng Trôm. Anh Hai Nghĩa thời kỳ làm Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre có nhiều đóng góp quan trọng thúc đẩy nền kinh tế của tỉnh phát triển. Ông Mười Kỷ làm Bí thư Tỉnh ủy có chỉ đạo sát sao, tạo ra sự thống nhất trong Đảng bộ tỉnh. Từ sự đồng thuận trong lãnh đạo đã giúp cho Bến Tre lấy lại đà vươn lên đáp ứng nhiệm vụ mới. Phong cách làm việc của anh Hai Nghĩa là làm đến nơi đến chốn, tích cực lặn lội, không quan liêu, không phải nhiều người được như vậy.

Khi anh Hai Nghĩa về (năm 1987) đã nhanh chóng cùng Bí thư ổn định lại đội ngũ cán bộ từ cơ sở lên đến tỉnh, có lẽ đây được coi là công lớn của anh. Cán bộ nào phong trào nấy, khi đội ngũ cán bộ được chấn chỉnh lại tạo ra sức mạnh, niềm tin mới. Đảng lãnh đạo là chủ trương, nhưng Chủ tịch Ủy ban là người thực hiện cũng rất quan trọng: Anh đã đoàn kết thống nhất nội bộ, hoạt động có nền nếp. Anh Hai Nghĩa thường đi kiểm tra tại chỗ, giải quyết tại chỗ, chỉ đạo cụ thể, không nói chung chung, chờ xem xét sau. Anh làm như vậy là dám chịu trách nhiệm trước tập thể, thường anh chỉ đạo rất chính xác.

Đến bây giờ có người hỏi lại vì sao mà thời anh Hai Nghĩa làm Chủ tịch tỉnh mà giữ được đoàn kết trong Đảng bộ tỉnh. Có một lý do là anh Hai Nghĩa biết nhẫn nại. Bí thư phân công việc gì  anh cũng nhận, không bao giờ từ chối. Ví dụ: Trong lễ kỷ niệm thành lập Tiểu đoàn 516, tiểu đoàn anh hùng của Bến Tre, trong khi anh Hai Nghĩa mới đi cơ sở về, ông Mười Kỷ phân công cho anh Hai Nghĩa đến dự phát biểu. Thời gian báo hơi gấp, gặp người khác là cự lại, nhưng anh Hai Nghĩa vẫn nhận lời đi dự.

Đến nay, anh Hai Nghĩa đã về nghỉ hưu, chúng tôi vẫn đến thăm anh. Bến Tre tự hào có bà Ba Định làm Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước; ông Trương Vĩnh Trọng làm Phó thủ tướng Chính phủ; bà Nguyễn Thị Kim Ngân - Phó chủ tịch Quốc hội, có ông Lê Văn Dũng là Đại tướng Quân đội nhân dân Việt Nam, có ông Đồng Văn Cống nổi tiếng, Bộ trưởng Bộ Y tế Trần Thị Trung Chiến.

Trịnh Văn Y - Nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh

(Trích từ Tập sách "Trương Vĩnh Trọng - Con người của quê hương Đồng Khởi" của Diệu Ân, Nhà xuất bản Hồng Đức, Hà Nội - 2014)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN