Công trình cống ngăn mặn Thành Triệu (Châu Thành). Ảnh: T. Bảo
Cử tri bày tỏ niềm tin
Cử tri bày tỏ sự phấn khởi trước sự phát triển kinh tế - xã hội của quê hương, đất nước, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý điều hành của Nhà nước, vai trò giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của quốc gia, của địa phương trong những năm qua của Quốc hội và HĐND các cấp.
Thông qua việc tiếp xúc, cử tri rất tin tưởng vào các ứng cử viên về tiêu chuẩn, phẩm chất, đạo đức của người đại biểu dân cử. Cử tri cũng đồng tình cao với sự hiệp thương, giới thiệu người ứng cử của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp, điều này thể hiện vị trí, vai trò quan trọng của Mặt trận trong việc hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người đủ đức, đủ tài, đảm bảo tiêu chuẩn ra ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, cử tri bày tỏ sự đồng thuận cao.
Bên cạnh đó, cử tri cũng mong muốn các ứng cử viên sau khi đắc cử thực hiện tốt các nội dung như chương trình hành động đã đề ra. Phải giữ lời hứa với nhân dân, nói phải đi đôi với làm, thường xuyên gắn bó, gần gũi với nhân dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và có những việc làm cụ thể để chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Tránh tình trạng nói nhiều làm ít, nói không đi đôi với làm sau khi đã đắc cử.
Tại các kỳ họp Quốc hội, HĐND, các đại biểu cần có chính kiến cụ thể, tham gia đóng góp, xây dựng các vấn đề quan trọng tại các kỳ họp. Đối với các đại biểu tái cử thì nên xem xét lại nhiệm kỳ qua đã làm tốt vai trò của người đại biểu với cử tri chưa, đã thực hiện được bao nhiêu phần việc theo chương trình hành động đã hứa với cử tri khi vận động bầu cử.
Cử tri một số địa phương yêu cầu các ứng cử viên nên gửi chương trình hành động cho Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp để theo dõi, giám sát và có nơi cũng đề nghị ứng cử viên gửi chương trình hành động cho cử tri để cử tri giám sát khi trúng cử. Đề nghị các ứng cử viên bổ sung vào chương trình hành động nội dung về tham gia phòng chống tham nhũng, lãng phí, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, ứng phó với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, vấn đề môi trường, việc thực hiện “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và tích cực, gương mẫu thực hiện các nội dung này dù đắc cử hay không đắc cử.
Cần đổi mới phương thức tiếp xúc cử tri, ngoài việc tiếp xúc định kỳ ở hội trường thì nên tổ chức tiếp xúc với nhiều hình thức khác nhau, phù hợp với từng đối tượng, lứa tuổi để gần dân, sát dân, kịp thời nắm bắt những tâm tư, nguyện vọng và đề xuất của dân phản ánh đến các cơ quan có thẩm quyền.
Quan tâm lĩnh vực kinh tế
Cử tri băn khoăn về giá cả thị trường biến động thường xuyên, tăng nhanh, nhất là giá điện, xăng dầu, phân bón, thuốc tây, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đại dịch Covid-19. Trong khi đó giá nông sản lại thấp, chưa đảm bảo được đầu ra cho sản phẩm, nhất là các sản phẩm chủ lực của tỉnh. Bên cạnh đó, tình hình biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, nước mặn xâm nhập sớm, sâu trong thời gian qua ảnh hưởng rất lớn đến tình hình sản xuất, chăn nuôi và sinh hoạt của người dân. Đề nghị có biện pháp bình ổn giá, nhất là những mặt hàng thiết yếu trong đời sống và sản xuất của người dân. Hỗ trợ tìm kiếm đầu ra ổn định cho hàng nông sản, sớm hoàn thiện các công trình ngăn mặn, các công trình trữ nước ngọt quy mô lớn mang tính lâu dài để phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân. Sớm thực hiện việc hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại trong sản xuất, nuôi trồng do ảnh hưởng của xâm nhập mặn thời gian qua.
Thi công tuyến đường Bắc Nam kết hợp đê bao ngăn mặn 3 huyện biển. Ảnh: C. Trúc
Bên cạnh đó, cử tri các huyện Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Giồng Trôm cũng kiến nghị các ngành chức năng sớm nghiên cứu các giống cây, con thích nghi được với sự xâm nhập mặn để đảm bảo cho sản xuất, nuôi trồng của nhân dân.
Cử tri các huyện Bình Đại, Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam, Chợ Lách, Thạnh Phú có ý kiến dự án đê bao chống lũ, ngăn mặn, đê sông Tiền triển khai thực hiện chậm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất của người dân, đề nghị thực hiện đảm bảo đúng tiến độ, sớm đưa vào sử dụng.
Quan tâm đầu tư vốn vay trong lĩnh vực nuôi trồng và đánh bắt thủy, hải sản cũng như có chính sách hỗ trợ khi gặp rủi ro, thiên tai, dịch bệnh. Cần có chính sách hỗ trợ lãi suất ngân hàng và kéo dài thời gian cho vay để người dân có đủ thời gian quay vòng vốn trong sản xuất, tránh tình trạng đến khi đáo hạn ngân hàng phải đi vay nóng ở ngoài với lãi suất rất cao. Quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông nông thôn, đường liên ấp, liên xã để thuận tiện cho việc đi lại của người dân, đồng thời tạo điều kiện thông thương cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
Hiện tượng quy hoạch treo vẫn còn diễn ra khá phổ biến ở nhiều nơi, gây không ít khó khăn, trở ngại cho nhân dân trong việc thực hiện các quyền của mình trong sử dụng đất, nhà cửa xuống cấp cũng như không thể xây mới hay sửa chữa gì được hoặc không dám đầu tư sản xuất dẫn đến tình trạng lãng phí và thiệt hại kinh tế.
Cử tri các huyện Châu Thành, Bình Đại, Giồng Trôm, TP. Bến Tre đề nghị khi thực hiện quy hoạch các công trình phải mang tính khả thi và sớm thực hiện, hạn chế thấp nhất những ảnh hưởng xấu đến đời sống của người dân trong vùng dự án, nhất là việc quy hoạch các công viên, quy hoạch trồng cây xanh.
Thời gian vừa qua, việc khai thác cát trên các sông không theo quy hoạch và trữ lượng cụ thể gây sạt lở nghiêm trọng ở nhiều nơi. Bên cạnh đó còn làm ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân, nhất là mất đất, vỡ bờ bao gây ngập nước, dẫn đến không thể thực hiện được việc khai thác và nuôi thủy sản. Cử tri các huyện Giồng Trôm, Châu Thành, Chợ Lách, Mỏ Cày Nam đề nghị có biện pháp xử lý nghiêm các hành vi trên và không để tái diễn trong thời gian tới.
Cử tri các huyện Châu Thành, Bình Đại, Ba Tri, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Chợ Lách phản ánh, tình trạng ô nhiễm môi trường diễn ra ở nhiều nơi và khá trầm trọng, cụ thể là dọc theo hệ thống các con rạch ở khu dân cư, chất thải từ sinh hoạt, từ chợ, từ khu công nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm xả nước thải trực tiếp ra sông, rạch gây ô nhiễm môi trường trầm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống và sản xuất của người dân, nhất là nguồn nước sử dụng trong sinh hoạt. Đề nghị ngành chức năng sớm có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục.
(còn tiếp)
H. Hiệp