Một số sai lầm trong việc đọc sách cùng trẻ

30/10/2019 - 07:30

BDK - Phụ huynh đọc sách cùng con không những giúp trẻ có thêm sự hiểu biết, mà còn tăng cường sự gắn kết tình cảm giữa hai bên. Tuy vậy, trải nghiệm này sẽ giảm đi sự thú vị nếu chúng ta tạo ra một số sai lầm sau đây.

Từ chối việc đọc lại

Trẻ thường thích biểu lộ trực tiếp cảm xúc của mình. Nếu cảm thấy hứng thú với một quyển sách hay một câu chuyện kể nào đó, trẻ sẽ yêu cầu phụ huynh đọc thêm lần nữa; thậm chí đọc đi đọc lại nhiều lần. Một số phụ huynh lại không thích điều này. Có phụ huynh đọc lại với thái độ hời hợt, thiếu cảm xúc. Có phụ huynh thẳng thừng từ chối cùng trẻ đọc lại quyển sách hay quyển truyện đã đọc qua. Đây là một sai lầm hết sức nên tránh.

Thực tế, việc đọc lại, xem lại là một nhu cầu rất tự nhiên, không chỉ có ở trẻ nhỏ. Với mỗi lần thưởng thức lại là mỗi lần người đọc, người xem tái diễn giải những thông tin mà mình tiếp nhận. Có những chi tiết nhân vật, có những tình huống truyện, có những nội dung thông điệp, trẻ đã bỏ qua ở lần đọc thứ nhất; thì với lần đọc thứ hai, trẻ sẽ có thể chú ý hơn, ngẫm nghĩ hơn. Hoặc, cũng chính những dữ liệu, dữ kiện ấy, nhưng ở những lần đọc sau, được trẻ cảm nhận rất khác. Vì đã qua thời gian, trẻ có độ lùi của suy nghiệm, có thêm sự trưởng thành để nhận định, đánh giá. Và như thế, trẻ sẽ tiếp cận quyển sách với một chân dung đầy đủ nhất có thể.

Đó là chưa kể, đối với các trẻ ở độ tuổi khá nhỏ, việc ghi nhớ chưa tốt nên cũng rất cần thao tác đọc lại. Thế nên, giả như trẻ không yêu cầu đọc lại, thì sau một thời gian chừng hai ba tháng, phụ huynh cũng có thể gợi ý cùng trẻ đọc lại một quyển sách đã đọc. Những kinh nghiệm thời gian sẽ giúp trẻ khám phá và tiếp nhận quyển sách ở góc nhìn mới hơn, tạo ra những thái độ, suy nghĩ mới hơn.

Áp đặt sách đọc cho trẻ

Nhiều phụ huynh không có thói quen lắng nghe tiếng nói của con trẻ. Tình trạng đó cũng xảy ra cả trong việc đọc sách cùng trẻ. Cho rằng con trẻ chưa biết cách chọn lựa sách đọc phù hợp, cộng thêm mong muốn định hướng cho con phải theo cái này theo cái kia, nên nhiều phụ huynh tỏ ra “kỷ luật thép” trong việc yêu cầu con phải đọc sách gì. Điều này làm nhân đôi cảm giác ức chế ở trẻ, ức chế vì phải đọc sách (thay vì được chơi điện tử, lướt mạng, đi chơi…), và ức chế vì không được đọc quyển sách mà mình yêu thích.

Vậy nên, chúng ta hãy luôn tôn trọng trẻ, trong đó có việc tôn trọng sở thích đọc của trẻ. Nếu cảm thấy lựa chọn sách của trẻ là chưa phù hợp thì chúng ta phải có phương pháp khéo léo, mềm dẻo, giúp trẻ thật sự thay đổi trong nhận thức, chứ không nên ép buộc, áp đặt.

Đừng để trẻ mất tự tin

Do nôn nóng hy vọng trẻ đọc tốt, nhiều phụ huynh tỏ ra căng thẳng khi đọc cùng con. Những lúc con đọc vấp chữ, đọc sai chính tả… phụ huynh thường ngay lập tức chỉnh sửa. Điều này vô tình tạo nên áp lực cho trẻ, khiến trẻ mất tự tin với việc đọc. Có phụ huynh khi hỏi lại nội dung quyển sách cũ đã cùng đọc hôm trước, thấy con không nhớ, bỏ sót nhiều chi tiết, liền phàn nàn hoặc trêu chọc trẻ một cách quá đà. Tình huống này không chỉ làm cho trẻ bối rối, mắc cỡ ngượng ngùng, mà lâu dần có thể dẫn đến tâm lý tự ti với việc đọc.

 Chúng ta hãy sẵn sàng khen ngợi trẻ khi trẻ đọc tốt và cũng sẵn sàng động viên, khích lệ khi trẻ đọc chưa tốt. Chúng ta phải giúp trẻ cảm thấy đọc sách cùng phụ huynh là một hành trình cùng nhau trải nghiệm, cùng nhau khám phá.

Trần Xuân Tiến

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN