Một số vấn đề cần quan tâm

29/09/2009 - 08:55

Ngày 04-8-2009, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 37-CT/TW “Về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng”. Để chuẩn bị và tiến hành đại hội cấp cơ sở, một trong những chủ trương mới mà các cấp ủy đang tập trung triển khai, đó là việc thực hiện thí điểm bí thư cấp ủy, đồng thời là chủ tịch UBND ở một số xã, phường trong tỉnh.

Vấn đề nhất thể hóa chức danh bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND đã được Đại hội X của Đảng bàn và cho ý kiến; đến Hội nghị Trung ương 5, khóa X, đã quyết định thực hiện thí điểm ở các cấp không còn hội đồng nhân dân để rút kinh nghiệm; ngày 06-3-2009, Bộ Chính trị ban hành Thông báo số 223-TB/TW và Ban Tổ chức Trung ương có Hướng dẫn số 25-HD/BTCTW để thực hiện chủ trương này.
Trong thời gian qua, do yêu cầu nhiệm vụ chính trị, Thị xã (nay là Thành phố Bến Tre) và Châu Thành, Bình Đại đã triển khai thực hiện mô hình này ở một số xã, phường. Qua thực hiện cho thấy, các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được triển khai quán triệt và tổ chức thực hiện đồng bộ, kịp thời hơn; công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành có sự tập trung, thống nhất và chặt chẽ hơn, khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lắp. Cách làm này cũng giúp cho bí thư đồng thời là chủ tịch UBND xã, phường giảm được các khâu trung gian trong lãnh đạo, quản lý, các cuộc họp không cần thiết, để dành thời gian dồn sức chỉ đạo, kiểm tra thực hiện; đồng thời, cũng giảm bớt một số thủ tục báo cáo xin ý kiến, chờ chủ trương.
Qua kiểm nghiệm thực tế về hiệu quả hoạt động của mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND ở một số xã, phường thời gian qua cho thấy, trên bình diện chung, các đảng bộ đều có những chuyển biến tích cực và khá toàn diện: tình hình kinh tế – xã hội phát triển, các chỉ tiêu pháp lệnh hàng năm đều đạt và vượt, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện; an ninh chính trị được giữ vững; hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn và nâng chất lượng hoạt động; một số đảng bộ nhiều năm liền đạt trong sạch, vững mạnh.
Tuy nhiên, một số nơi còn những khó khăn, lúng túng nhất định, cả về việc phân định chức trách nhiệm vụ, cơ chế phối hợp và phương pháp lãnh đạo, điều hành. Việc xây dựng, ban hành văn bản dễ dẫn tới tình trạng sao chép, rập khuôn giữa nghị quyết của cấp ủy với kế hoạch của UBND, và nếu người đứng đầu không sắp xếp, phân công, bố trí một cách cụ thể, phù hợp sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng giải quyết sự vụ sự việc, thiếu tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm theo chương trình, kế hoạch đề ra. Tình trạng tham dự hội họp nhiều, chiếm phần lớn thời gian làm ảnh hưởng đến việc nghiên cứu, chỉ đạo, kiểm tra công việc…
Từ chủ trương của Trung ương và thực tiễn đặt ra trong thời gian qua, để mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn thực sự phát huy hiệu quả - thiết nghĩ, các cấp ủy cần nhận thức đúng, sâu sắc chủ trương thực hiện thí điểm nhất thể hóa bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND, đây là vấn đề mới, chưa được quy định trong Điều lệ Đảng cũng như Luật Tổ chức HĐND, UBND, nên phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm, với kế hoạch, bước đi, lộ trình chặt chẽ, phù hợp; góp phần nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước.  Quan tâm rà soát, xây dựng, sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc của cấp ủy, UBND, quy chế phối hợp, làm cơ sở cho hoạt động của hệ thống chính trị nói chung và cá nhân đồng chí bí thư – chủ tịch UBND được thuận lợi. Vấn đề mấu chốt của việc xây dựng quy chế là xác định đúng, rõ, đầy đủ trách nhiệm, thẩm quyền, mối quan hệ công tác của đồng chí bí thư đồng thời là chủ tịch UBND; cần chú ý phân định những công việc nào được thực hiện theo chế độ tập thể lãnh đạo và những công việc nào thực hiện theo chế độ trách nhiệm cá nhân phụ trách; nhằm đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ, vừa phát huy trí tuệ tập thể, vừa đề cao trách nhiệm cá nhân trong lãnh đạo, điều hành. Coi trọng xây dựng đoàn kết nội bộ; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn, hỗ trợ của cấp ủy và các cơ quan tham mưu cấp trên để cán bộ được giao nhiệm vụ bí thư – chủ tịch hoàn thành tốt nhiệm vụ; kịp thời phát hiện, ngăn chặn những biểu hiện lệch lạc, tiêu cực, sai phạm có thể xảy ra. Người đứng đầu tổ chức Đảng và cơ quan Nhà nước tại cơ sở phải thật sự tiêu biểu, có trình độ, năng lực tương đối toàn diện, có tinh thần trách nhiệm cao, có bản lĩnh, quyết đoán, dám làm, dám chịu trách nhiệm, có sức khỏe, uy tín, kinh nghiệm và khả năng tập hợp, quy tụ cán bộ; có phong cách làm việc sâu sát, khoa học, được cán bộ, đảng viên và nhân dân tín nhiệm. Bí thư cấp ủy hoạt động theo các nguyên tắc, quy định của Điều lệ Đảng, còn chủ tịch UBND hoạt động theo quy định của pháp luật, nên cần lưu ý là phải thể hiện vai trò đúng lúc, đúng chỗ. Có như vậy mới tạo được sự đồng thuận cao của cán bộ cấp dưới, của cả hệ thống chính trị, giúp cho công việc trôi chảy và đạt hiệu quả hơn; mặt khác mới thể hiện được năng lực của cán bộ và tính đúng đắn của chủ trương này trong thực tế. Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ tham mưu, giúp việc có trình độ, năng lực, nhất là đồng chí phó bí thư phụ trách công tác Đảng, cán bộ phụ trách công tác tuyên giáo, tổ chức, kiểm tra để giúp bí thư giải quyết các công việc thường xuyên về công tác Đảng; các phó chủ tịch UBND, đội ngũ công chức để giúp chủ tịch UBND trong quản lý, điều hành về phía Nhà nước.
Chủ trương thực hiện thí điểm nhất thể hóa bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND là chủ trương phù hợp với xu hướng phát triển của thời kỳ mở cửa hội nhập nhằm tổ chức bộ máy gọn nhẹ, đảm bảo giải quyết những vấn đề phát sinh một cách kịp thời, hiệu quả; đồng thời, vừa phát huy tốt dân chủ trong Đảng, tiếp tục đổi mới phương thức và nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, vừa đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới. Với kinh nghiệm thực tiễn ở một số nơi làm thí điểm, cùng với sự hướng dẫn của Trung ương, chắc chắn mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND sẽ phát huy hiệu quả.  

Bùi Bia (Văn phòng Tỉnh ủy)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN