Một thương binh cần cù lao động

20/07/2012 - 07:48

Chúng tôi đến thăm  ông Nguyễn Văn Khước, một trong những gương thương binh làm kinh tế giỏi ở  ấp Hòa Thạnh B, xã Lương Hòa (Giồng Trôm). Năm nay, ông Khước đã 72 tuổi, là thương binh hạng 1/4,  nhưng với bản chất bộ đội Cụ Hồ, ông quyết không khuất phục trước thương tật và cảnh nghèo.

Qua trò chuyện, chúng tôi được biết quá trình tham gia cách mạng của ông thật gian khổ. Năm 1960, ông được tổ chức phân công dạy học văn hóa cho con em trong vùng giải phóng ở ấp 3, xã Bình Hòa. Từ giữa năm 1963 đến năm 1967, ông giữ các nhiệm vụ: Thư ký Chi ủy xã và Phó Ban Tuyên huấn xã. Cuối năm 1967, ông được chuyển về công trường sửa chữa vũ khí của huyện và trong những năm làm nhiệm vụ, ông bị nổ trái đạn ôngt mất hai bàn tay. Sau khi bình phục, ông được phân công làm cố vấn cho Ban Tuyên huấn. Đến năm 1974, ông được chuyển về xã Lương Hòa giữ các nhiệm vụ cố vấn Hội đồng Bảo vệ an ninh - trật tự, cán bộ thương binh xã và Bí thư Chi bộ ấp 5, đến năm 2008 thì nghỉ hưu. Trong  suốt quá trình tham gia cách mạng, ông được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quí, trong đó có huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.

 Nghỉ hưu, ông về quê ấp Hòa Thạnh, canh tác 8 công đất vườn dừa trồng xen cây có múi. Sau khi các con của ông đều nên vợ nên chồng, ông chia cho mỗi người một phần đất để sinh sống, còn  mình giữ lại 2 công đất để làm chỗ cất nhà và trồng chuyên canh cây bưởi da xanh.

 Điều đáng nói là ý chí, nghị lực của người thương binh “tàn” nhưng không “phế” này đã làm nên một kỳ tích. Mấy năm nay, đôi chân của ông  bỗng yếu đi, nên việc đi lại khó khăn”, song ông đã sử dụng khối óc và  phần còn lại của đôi tay để trồng nên vườn bưởi kiểu mẫu theo tiêu chuẩn GAP. Nhờ nắm vững biện pháp khoa học kỹ thuật, cộng với kinh nghiệm làm vườn lâu năm nên chất lượng vườn bưởi của ông thuộc dạng nhất, nhì trong vùng. 75 gốc bưởi trong vườn chỉ mới sáu năm tuổi, nhưng phát triển sum suê và sai trái. Ông “khoe” với chúng tôi, vườn bưởi của ông trồng mới năm  thứ  hai đã cho trái bán được 2 triệu đồng, qua năm sau, tăng lên 10 triệu đồng, đến năm 2011 được 22 triệu đồng và chỉ trong vòng sáu tháng đầu năm 2012, ông thu hoạch bán được 28 triệu đồng.

 Nói về  kỹ thuật chăm sóc để vườn bưởi có năng suất cao, ông cho biết, vườn bưởi được xanh tốt và cho nhiều trái là nhờ bón nhiều phân hữu cơ hoai mục trộn với nấm tricoderma, kèm một ít phân NPK để cây phát triển khỏe mạnh và không bị vi khuẩn xâm nhập. Một năm bón phân hai lần vào đầu và cuối mùa mưa, tùy theo sinh trưởng của cây mà cân đối số lượng phân sao cho hợp lý. Trên mỗi cây bưởi đều thả kiến vàng để ngừa các thiên địch khác nên không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Cứ khoảng 10 ngày, trời không có mưa thì tưới một lần; đến tháng nước mặn, ngưng tưới nhưng tủ gốc để giữ độ ẩm cho cây. Hàng ngày, ông ra vườn theo dõi quá trình sinh trưởng và phát triển của cây để có biện pháp xử lý kịp thời. Số trái bưởi mới lớn nhưng dạng da cám, hoặc bị méo, đều được hái bỏ để cây nuôi dưỡng số trái còn lại đạt loại một, bán cao giá hơn.

 Không những chăm lo kinh tế gia đình, ông Khước còn rất nhiệt tình tham gia công tác xã hội như làm đường giao thông nông thôn, đóng góp các quỹ phúc lợi cho địa phương và tích cực tham gia phong trào xây dựng xã nông thôn mới. Liên tục từ năm 2007 - 2012, ông  được bầu là hội viên cựu chiến binh làm kinh tế giỏi cấp huyện. 

Ngọc Châu

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích