Mùa xuân với cụ Đồ Chiểu

04/02/2021 - 20:52

BDK - Nước mất nhà tan, hoàn cảnh xã hội vô cùng bi đát, tối tăm, cụ Đồ Chiểu từ Gia Định chạy về Thanh Ba, Cần Giuộc quê vợ, rồi từ Cần Giuộc “tỵ địa” về Ba Tri. Cuộc đời cụ Đồ Chiểu trải qua bao mùa xuân bi - tráng. Có mùa xuân thân phận đầy trắc ẩn, tủi nhục gia vong. Có mùa xuân đất trời huy hoàng mang lại cho cụ Đồ bao niềm hy vọng, ước mơ một đất nước được độc lập, tự do.

Ngày hội truyền thống văn hóa tỉnh (1-7) tại Khu mộ và Đền thờ nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu. Ảnh: Trung Hậu

Ngày hội truyền thống văn hóa tỉnh (1-7) tại Khu mộ và Đền thờ nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu. Ảnh: Trung Hậu

Cụ Đồ đã viết rằng:

Đạo đời có thịnh có suy,

Hết cơn bế bĩ, đến kỳ thái hanh.

(Ngư Tiều y thuật vấn đáp)

Bắt đầu từ mùa xuân năm Kỷ Mùi (1859), cây nêu vừa hạ, Tết còn đậm dư hương, quân viễn chinh Pháp trong một tuần lễ đã hạ thành Gia Định, chiếm đóng Sài Gòn. Một mùa xuân tủi hờn mất nước, biến động khôn lường. Cụ Đồ Chiểu ghi lại:

Tan chợ vừa nghe tiếng súng Tây…

Bến Nghé của tiền tan bọt nước

Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây…

(Chạy Tây)

Đất nước tan thương, xuân nhuộm màu tóc tang, ảm đạm nên:

Ngày xuân mà cảnh chẳng xuân

Mây sầu gió thảm biết chừng nào thanh?

(Ngư Tiều y thuật vấn đáp)

Rồi Tết Quí Hợi, cụ Đồ về ăn Tết ở Gò Công với nghĩa quân Trương Định. Năm ấy cũng cây nêu vừa hạ thì ngày sau (mùng 8-1 âl) từ tứ phía quân Pháp tiến đánh Gò Công. Lại mùa xuân nữa kháng chiến dưới cờ ứng nghĩa của lãnh binh, được nhân dân và nghĩa quân tôn làm Bình Tây Đại Nguyên Soái.

Mắt mù nhưng nhà thơ nhìn ra ánh sáng, ánh sáng ở tương lai dân tộc. Cụ Đồ nhìn ra con đường để thoát ách đô hộ, nô lệ của bọn thực dân Pháp. Con đường lắm chông gai, hy sinh, mất mát, nhưng đầy hoa thơm cỏ lạ mùa xuân của đất trời - mùa xuân của dân tộc hòa quyện trong tâm can người sĩ phu - chiến sĩ:

Đi vừa gặp lúc xuân kỳ,

Đoái nhìn cảnh vật một khi vui lòng.

Hữu tình thay ngọn gió đông,

Cành mai nở nhụy, lá tùng reo vang…

Dưới khe nước chảy tợ đàn,

Như tuồng mừng bạn hương quan tách vời.

Trăm hoa đua nở, miệng cười,

Như tuồng mừng rỡ gặp người cố tri.

          (Dương Từ Hà Mậu)

Giang sơn thanh tú, xuân phải thanh bình, an lạc. Luật đời biển dâu, vũ trụ bốn mùa, lòng người ứng nghĩa lý tưởng đinh ninh:

Ngày xuân con bóng trì trì,

Tưởng câu “thủy tú, sơn kỳ” thêm vui.

Khói tan, ngút sạch, như chùi,

Miệng hang, khe đá, nức mùi chi lan.

Rỡ ràng chín chục thiều quang,

Gió thanh, mây lặng, vẻn vang một trời.

(Dương Từ Hà Mậu)

Cụ Đồ Chiểu “nghìn thu” ở đất Ba Tri, nơi như ông gọi “chơn trời góc biển”. Đêm nằm lắng sóng bủa gành thôi thúc, vực dậy bậc sĩ phu, thức thời, nho sĩ cũng là chiến sĩ biết vận nước, “lòng dân trời tỏ”. Ba Tri, Bến Tre đón cụ Đồ cũng đang lúc phong trào yêu nước, nổi dậy của nghĩa quân đang lên cao. Bến Tre  chính là trung tâm của phong trào ở khu vực: Bến Tre, Mỹ Tho, Trà Vinh, Vĩnh Long. Phong trào đó ghi dấu qua các cuộc tiến công đánh giặc của hai người con cụ Phan Thanh Giản là Phan Liêm và Phan Tôn; của Phan Ngọc Tòng ở Giồng Gạch (An Hiệp, Ba Tri), nhất là hai trận đánh Tây ở Hương Điểm (Giồng Trôm) và Mỏ Cày vào mùa xuân (12-1 âl) năm Mậu Thìn và tháng Giêng năm Nhâm Thân. Bình Tây Đại Nguyên Soái Trương Định thường cho người đến Ba Tri vấn kế cụ Đồ Chiểu. Một lần cụ Đồ bảo: Tình thế của anh đi càng hay mà ở lại lại càng hay. Văn thơ, kế sách cụ Đồ mù nhưng đúng, hay, đẹp, ngập tràn ánh sáng soi đường dẫn lối cho cuộc kháng chiến Pháp trên cả mặt trận văn chương, văn hóa và quân sự, giải phóng đất nước, theo cụ “cho hay non nước nhiều loài trông xuân”.

Cụ Đồ Chiểu không bi lụy, bế tắc, mất niềm tin vào con đường đấu tranh thoát ách thực dân, giải phóng dân tộc. Vẫn niềm tin son sắt có chúa Xuân vũ trụ, đất trời - có Xuân độc lập, tự do cho dân tộc:

Nhớ câu:

“Vạn bịnh hồi xuân”

Đòi ngày luống đợi đông quân cứu đời.

(Ngư Tiều y thuật vấn đáp).

Minh Trấn

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN