|
Địa thế hoang vu tại bưng Lạc Địa được các nhà làm du lịch đánh giá rất cao. |
Dân gian có câu “muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo, muốn nghèo nuôi vịt” và hầu như xung quanh gần 100 căn nhà tạm bợ của cư dân bưng Lạc Địa (xã Phú Lễ, huyện Ba Tri) đều có sự xuất hiện của bầy vịt kêu quạc quạc suốt đêm ngày.
Ông Nguyễn Văn Lắm, 48 tuổi, canh tác 8 công đất trong
khu đồng nước Lạc Địa chia sẻ: “Sau 16 năm cả gia đình đùm túm vào sống trong
khu đồng nước thăm thẳm này nhưng vẫn chưa thực hiện nổi ước mơ có tiền mua được
300m2 đất bên ngoài cất nhà. Nếu cứ kéo dài mãi như thế này thì khát vọng đó
cũng chỉ là giấc mơ…”.
Năm nuôi cá rô nhớ đời
Ông Lắm là một trong những người đang sống tại đây hiểu
rõ nhất về vùng đìa nước lặng lẽ này. “Năm 17 tuổi (1985), tôi xin vào Công an
xã nhưng được bố trí cùng với 11 anh, em khác làm bảo vệ ngư trường Lạc Địa.
Hơn 4 năm sau, ngư trường giải thể. Từ đó, tôi theo nghề đi biển mãi cho đến
năm 2000, Nhà nước cho những hộ nghèo trong xã được đăng ký vào canh tác và
sinh sống trong khu này cho đến nay” - ông Lắm nhớ lại.
Lúc ấy, bưng Lạc Địa như một đìa nước chằng chịt những
cây dại như trâm bầu và nhiều nhất là sậy. Những gia đình nghèo ấy cùng nhau
phát quang và dần dần làm hồi sinh sức sống con người giữa rừng nước tối tăm.
Tuy nhiên, cách chia mỗi tổ 7 gia đình, cùng làm chung, ăn chung của chính quyền
địa phương đã nảy sinh những mâu thuẫn và dẫn đến sự tự chia rẽ phân đất làm
riêng giữa họ.
“Mưa thì sình lầy, nắng thì cát bủn bay mịt mù khiến cho
chúng tôi thỉnh thoảng mới giao thương với bên ngoài. Năm 2003, tôi liều đi vay
ngân hàng 7 triệu đồng về thuê kobe nong đìa, đắp liếp để nuôi cá, trồng rau
cho cuộc sống đỡ hơn. Và nhờ trời thương, cuối năm ấy, thu mấy đìa cá lãi được
hơn chục triệu đồng. Thấy ngon quá, năm 2004, tôi dùng hết vốn liếng đầu tư
nuôi cá rô. Nhưng 7 phần cá giống lớn lên không phải cá rô, trong khi 3 phần
còn lại đến khi thu hoạch thì không ai mua. Lỗ hơn 10 triệu đồng trong vụ đó
nên cho đến tận nay, đìa sinh con cá đồng nào thì bắt lên ăn chứ không dám nuôi
nữa” - ông Lắm buồn hiu nhớ lại.
“Vụ cá năm ấy, đâu chỉ ông Lắm mà hầu hết những gia đình
sinh sống nơi đây đều nuôi cá rô và có kết cục thảm hại như vậy” - lão nông
Nguyễn Văn Lạc, canh tác 7,5 công đìa gần hộ ông Lắm chia sẻ. Ngay sau đó, lão
nông này nói về nguyên nhân: “Năm ấy, việc mua hớ cá giống nên thất bại chỉ là một
phần, nguyên nhân sâu xa và kéo dài cho đến tận hôm nay chính là người nông dân
nghèo chúng tôi không có điều kiện am hiểu về thị trường tiêu thụ, về khoa học
kỹ thuật nuôi và các thứ khác nữa để có thể làm nông hiệu quả. Mặt khác, ở
trong bưng luôn bất lợi đủ đường. Tôi đơn cử như con đường, tệ như vậy, nên đại
lý giao thức ăn tận nơi luôn tính giá cao. Trong khi đó, người nuôi đến thu hoạch
thì bán cá giá lại thấp hơn cũng vì chi phí vận chuyển. Sau năm nuôi cá rô nhớ
đời đó, phần lớn chúng tôi đã không dám nuôi nữa. Một số ít gia đình tiếp tục đầu
tư nuôi phải chịu lỗ đều đều. Nhưng cũng may, vài năm gần đây, nhờ việc nuôi
bò, trồng dừa mà đời sống chúng tôi mới đỡ hơn”.
Hướng khai thác tiềm
năng
Mặt trời chiều rồi cũng dần dần hướng xuống phía sau những
cái chuồng bò được cất kiên cố hơn các căn nhà của chính những cư dân nơi đây.
Vì phần lớn cư dân sinh sống ở đây đều có nhà cửa bên ngoài bưng. “Cố tri đi hết
chỉ còn cố lì ở lại - tôi nói “cố tri” đó là những người làm tổ trưởng, tổ phó
vào đây rồi nhanh chóng sang đất bằng giấy tay lại cho người khác vào làm và ra
ngoài, còn “cố lì” là những người như gia đình tôi nè. Vì bên ngoài không cục đất
chọi chim nên đi đâu cho được nữa. Theo tôi biết hiện những người “cố lì” hơn
10 gia đình” - ông Lắm tâm tư.
8 công đất của gia đình ông Lắm phần lớn là đìa trồng sen
hoặc rau nhút. Trên các liếp mỏng, ông trồng vài bụi chuối xiêm xen kẽ với khoảng
100 cây dừa chuẩn bị cho trái. Trong khi hơn công đất ruộng thì trồng lúa và cỏ
để nuôi 2 con bò cái. Ông tâm sự: “Sống cứ như tự cung tự cấp vậy đó, lúa đủ
ăn, rau dưới nước hái ra chợ bán hàng ngày mua dầu lửa, nước mắm... Nhưng nuôi
cặp bò đã chục năm qua mà không giữ nổi con bò nghé lại nuôi cho lớn được,
trong khi cỏ thì mênh mông mà bò nghé phải bán để có đủ tiền trang trải cuộc sống.
Cả đời chắc cũng không khá nổi quá. Nhưng điều mà tôi ray rứt nhất cuộc đời
mình chính là ước mơ thành cô giáo của 3 đứa con gái của tôi bị chết nghẹn lần
lượt. Cái nghèo đã buộc tôi không thể làm gì cứu vãn được”.
Bóng tối của đêm cuối tháng rồi cũng làm khuất dạng những
đìa nước lắm cá đồng núp dưới lá sen hay những bè rau nhút, cùng với đó là những
căn nhà rách nát tạm bợ cũng lẩn khuất mắt người. Tôi quan sát mãi vẫn không có
thấy một tia sáng đèn điện nào vụt lên cả. “Nếu có thể ở lại đến hừng đông, chú
mày sẽ thấy hàng trăm xe chở cỏ, rau, cá đồng từ bưng ra ngoài. Nhưng điều đó
chắc sẽ không còn giữ được lâu nữa, vì các doanh nghiệp sẽ vào đây làm du lịch
và nông nghiệp theo công nghệ cao. Tôi cũng như mọi người ở đây không hề phản đối
điều đó, chỉ mong được tiếp tục góp sức cùng doanh nghiệp khai thác lợi thế, tiềm
năng vùng đất này theo hướng hiệu quả hơn. Chúng tôi nhận thức nông dân mà
không có doanh nghiệp cùng tham gia thì biết đời nào khá lên cho được” - nhắn
nhủ xong, lão nông Hồ Văn Nhiên, 69 tuổi, chui vội vào lều vì muỗi bên ngoài
bay kêu như sáo thổi.
Quy hoạch khu du lịch sinh thái gắn với du lịch văn hóa - lịch
sử bưng Lạc Địa
Căn cứ cách mạng bưng Lạc Địa
là di tích thuộc loại hình lịch sử cách mạng, tọa lạc tại ấp Phú Khương, xã
Phú Lễ. Lạc Địa là vùng đất trũng, rộng lớn khoảng 120ha. Đây là vùng đất
hoang vu, cây cối rậm rạp, dây leo chằng chịt. Trong thời kỳ đấu tranh giải
phóng dân tộc, Lạc Địa là nơi đứng chân hoạt động thường xuyên của cán bộ
cách mạng không chỉ của xã Phú Lễ mà còn của các xã lân cận như: Phú Ngãi,
Phước Tuy, An Bình Tây, Mỹ Nhơn, bộ đội tỉnh, đặc công huyện… Vùng đất luôn
làm kẻ thù phải khiếp sợ này từng lưu dấu biết bao chiến công hiển hách của
quân và dân huyện Ba Tri.
Hiện nay, huyện đã quy hoạch
khu du lịch sinh thái gắn với du lịch văn hóa - lịch sử bưng Lạc Địa, với diện
tích 52ha. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để nhân dân vùng Lạc Địa phát triển
kinh tế, văn hóa - xã hội; giúp địa phương đẩy mạnh công tác giáo dục truyền
thống yêu nước cho nhân dân. Diện tích còn lại sẽ phát triển theo hướng nông
nghiệp công nghệ cao và thời gian tới sẽ được chính quyền mở thầu đấu giá cho
thuê đất rộng rãi nhằm tạo điều kiện cho tất cả cá nhân, doanh nghiệp có nhu
cầu đầu tư. |