
Thủ tướng Hungary Viktor Orban cùng các thành viên của đảng Fidesz. Ảnh: AFP/TTXVN
Ông Rogan từng bị Bộ Tài chính Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt vào tháng 1-2025 với cáo buộc liên quan đến hành vi tham nhũng. Theo thông cáo khi đó, giới chức Mỹ cho rằng ông đã dàn xếp nhằm kiểm soát một số lĩnh vực chiến lược của nền kinh tế Hungary, đồng thời cho biết lợi nhuận từ các hành vi sai phạm bị cáo buộc đã được chuyển cho ông và dùng để thưởng cho các cá nhân trung thành trong đảng Fidesz - đảng cầm quyền tại Hungary.
Tuy nhiên, trong tuyên bố đưa ra hôm 15-4, người phát ngôn của Ngoại trưởng Rubio cho biết các biện pháp trừng phạt đối với ông Rogan “không phù hợp với lợi ích chính sách đối ngoại của Mỹ”. Người phát ngôn cũng cho biết Ngoại trưởng Rubio đã có cuộc điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Peter Szijjarto để thông báo về quyết định dỡ bỏ các biện pháp nói trên.
Theo bản ghi cuộc điện đàm, hai bên đã trao đổi về các phương án tăng cường phối hợp giữa Mỹ và Hungary trong các vấn đề quan trọng cũng như thúc đẩy cơ hội hợp tác kinh tế song phương.
Thủ tướng Viktor Orban, lãnh đạo đảng cực hữu Fidesz, là nhà lãnh đạo châu Âu đầu tiên công khai ủng hộ chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016 của ông Donald Trump. Quan hệ giữa ông Orban và Tổng thống Mỹ được đánh giá là thân thiết. Năm 2019, ông Trump tiếp đón ông Orban tại Nhà Trắng và năm 2023, hai nhà lãnh đạo tiếp tục gặp nhau tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở Florida. Trong các cuộc vận động tranh cử, ông Trump nhiều lần ca ngợi Thủ tướng Hungary là “một trong những nhà lãnh đạo mạnh mẽ nhất thế giới”.
Trái ngược với giai đoạn thân thiết dưới thời Tổng thống Trump, quan hệ giữa Mỹ và Hungary đã trở nên căng thẳng trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Joe Biden. Chính quyền Biden từng nhiều lần chỉ trích tình trạng suy giảm dân chủ tại Hungary và cáo buộc Thủ tướng Orban theo đuổi đường lối cứng rắn và có xu hướng tập trung quyền lực, dẫn đến phản ứng gay gắt từ phía Budapest.
Nguồn: TTXVN