Nâng cao chất lượng báo chí khu vực đồng bằng sông Cửu Long

26/11/2018 - 07:03

BDK - Tối 23-11-2018, lễ trao giải báo chí về đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2018 diễn ra long trọng tại TP. Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang. 22 tác phẩm báo chí thuộc các thể loại báo in, báo điện tử, phát thanh và truyền hình viết về ĐBSCL của các tác giả, nhóm tác giả được trao giải, gồm: 2 giải nhất, 4 giải nhì, 6 giải ba và 10 giải khuyến khích.

Tác phẩm “Sống ở cửa sông” của nhóm tác giả Đài Phát thanh và Truyền hình Vĩnh Long đạt giải nhất thể loại phát thanh, truyền hình. Ảnh: T. Đồng

Tác phẩm “Sống ở cửa sông” của nhóm tác giả Đài Phát thanh và Truyền hình Vĩnh Long đạt giải nhất thể loại phát thanh, truyền hình. Ảnh: T. Đồng

Phản ánh khá toàn diện tình hình khu vực

Với mong muốn nâng cao chất lượng các tác phẩm báo chí, phản ánh đời sống của người dân khu vực ĐBSCL, từ năm 2016, Tạp chí Người Làm Báo, Hội Nhà báo Việt Nam đã có sáng kiến tổ chức giải báo chí viết về ĐBSCL. Có thể nói, đây là giải báo chí lớn, mang đặc thù riêng của khu vực khi phản ánh hầu như toàn diện tình hình khu vực đồng bằng.

Ghi nhận qua 3 năm tổ chức cho thấy, nội dung các tác phẩm dự thi thể hiện đa dạng trên nhiều lĩnh vực, từ xây dựng Đảng, xây dựng nông thôn mới, các cơ chế chính sách, đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn đến trồng trọt, chăn nuôi, thủy hải sản… Các tác phẩm đã phác họa nên chân dung nhiều gương điển hình của con người vùng ĐBSCL, giới thiệu các giá trị văn hóa đặc thù của khu vực. Nhất là rất nhiều tác phẩm đã phản ánh tốt tình hình ứng dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật, thích ứng với biến đổi khí hậu, phản ánh được tinh thần tự lực tự cường, kiên trì vươn lên trong cuộc sống của người dân khu vực ĐBSCL.

Giải báo chí về ĐBSCL năm 2018 được đánh giá là thành công về chuyên môn. PGS.TS Nguyễn Thành Lợi - Tổng biên tập Tạp chí Người Làm Báo, Trưởng ban tổ chức cho biết: “Nhiều tác phẩm báo chí dự thi năm nay có tính phát hiện cũng như có sự tác động xã hội tốt, được dư luận đánh giá cao”. Nhiều tác phẩm nổi bật, thể hiện sinh động, khắc họa những đổi thay lớn trong sản xuất nông nghiệp của khu vực, những vấn đề đặt ra cần được giải quyết trong công cuộc phát triển ĐBSCL. Tiêu biểu là loạt bài 3 kỳ “Kịch bản” mới cho cây ăn trái của tác giả Nguyễn Thái Thiện (Phương Anh) - Báo Ấp Bắc đạt giải nhất thể loại báo in, báo điện tử và tác phẩm “Sống ở cửa sông” của nhóm tác giả Trần Thị Ngọc Mến, Đặng Nguyệt Minh, Trần Tuấn Tú, Phạm Thành Phong, Đài Phát thanh và Truyền hình Vĩnh Long giải nhất thể loại phát thanh, truyền hình.

Các tác giả đã phát hiện nhiều tấm gương những con người đồng bằng bình dị mà cao quý. Tiêu biểu như tác phẩm “Lâm Khem: Người truyền cảm hứng cộng đồng” của nhóm tác giả Ngọc Trân, Ngọc Luân, Công Chức (Đài Phát thanh và Truyền hình Hậu Giang) - giải nhì phát thanh, truyền hình hay “Chuyện làm giàu của vợ chồng Sáu Đảm” của tác giả Nguyễn Hoàng Tú (Báo Cà Mau) - giải nhì thể loại báo in và báo điện tử…

Đến nay, sau 3 lần tổ chức, giải đã dần tạo được sức hấp dẫn riêng, mỗi năm thu hút ngày càng nhiều tác phẩm báo chí có chất lượng dự thi. Nếu như năm 2017, giải có 277 tác phẩm tham dự thì năm nay có 347 tác phẩm thuộc thể loại báo in, báo điện tử, phát thanh và truyền hình từ 41 cơ quan báo chí trong nước tham dự. Điều đáng mừng là năm nay, 13 cơ quan báo chí các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL đều có tác phẩm gửi tham gia dự thi cùng nhiều tác giả, nhóm tác giả đến từ các cơ quan báo chí lớn trong nước như Báo Nhân Dân, Đài Tiếng nói Việt Nam - VOV, Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại TP. Cần Thơ… “Điều này cho thấy giải đã thu hút sự quan tâm của các cơ quan báo chí trong khu vực, ngày một khẳng định được thương hiệu đối với người làm báo trong cả nước”, PGS.TS Nguyễn Thành Lợi nhận xét.

Cần thêm nhiều tác phẩm đi vào lòng người

Tác phẩm “Mối đe dọa từ sạt lở bờ sông, bờ biển” của nhóm tác giả Cẩm Trúc, Phan Hân, Thanh Đồng - Báo Đồng Khởi đạt giải khuyến khích.

Nhân dịp này, Tạp chí Người Làm Báo, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và Bảo hiểm Xã hội Hậu Giang đã tổ chức tọa đàm “Báo chí - doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước đồng hành cùng Bảo hiểm Xã hội Việt Nam”.

Phan Hân

Đánh giá về tình hình chung của giải năm nay, Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Bé cho rằng, tuy thành công về mặt chuyên môn nhưng cần nhìn nhận thực tế là trong số các tác phẩm dự thi vẫn còn thiếu những tác phẩm làm lay động lòng người, nhất là những tuyến bài về chủ đề phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, những tuyến bài chuyên sâu về chính sách an sinh xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội…

Phát động giải báo chí về ĐBSCL năm 2019, ông Nguyễn Bé - Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam kỳ vọng: “Các cơ quan báo chí tiếp tục chỉ đạo, tuyên truyền sâu rộng các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là có thêm các tác phẩm viết về an sinh xã hội, bảo hiểm xã hội, xây dựng kế hoạch tuyên truyền bài bản để giải báo chí về ĐBSCL các năm tiếp theo nâng cao chất lượng, số lượng”.

Mùa thứ 3 của giải báo chí về ĐBSCL đã khép lại với những kết quả đáng ghi nhận. Các tác phẩm có chất lượng đã khẳng định vị thế, vai trò và đóng góp quan trọng của giới báo chí trong sự phát triển của ĐBSCL. “Hy vọng rằng giải báo chí ĐBSCL sẽ tiếp tục trở thành một giải mang thương hiệu, tạo sức lan tỏa sâu rộng, là một sân chơi bổ ích cho đội ngũ làm báo trong khu vực nói riêng và cả nước nói chung”, ông Nguyễn Bé kỳ vọng.

Thanh Đồng

 

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN