Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền giáo dục chính trị tư tưởng trong các doanh nghiệp

03/01/2012 - 17:06
Học tập Nghị quyết Đại hội IX Đảng bộ tỉnh. Ảnh: Q.H

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bến Tre có 2.521 doanh nghiệp (DN) và hơn 35.000 lao động (chủ yếu là các DN vừa và nhỏ); trong đó có 21 DN có vốn đầu tư nước ngoài (tại hai khu công nghiệp: Giao Long và An Hiệp có 14 DN vốn đầu tư nước ngoài) với hơn 13.000 công nhân lao động. Số tổ chức Đảng và các đoàn thể trong các DN chưa nhiều, nội dung và phương thức hoạt động Đảng và các đoàn thể còn nhiều lúng túng. Trước tình hình đó, một trong những vấn đề ưu tiên hiện nay là công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và quần chúng công nhân lao động ở các DN.

Công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, học tập quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng trong thời gian qua luôn được các cấp ủy Đảng, đoàn thể ở các DN quan tâm đúng mức, xem đó là nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, đoàn thể. Điều đó đã góp phần làm cho cán bộ, đảng viên và quần chúng công nhân lao động ở các DN thêm phấn khởi, tin tưởng vào các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; biến tư tưởng thành hành động thiết thực, hiệu quả; nâng cao vai trò trách nhiệm, phát huy tính chủ động, sáng tạo, vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ của bản thân, đóng góp tích cực để xây dựng và phát triển DN, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Tuy nhiên, do đặc thù của các DN là phải đối mặt với bao khó khăn thách thức (lãi - lỗ); hoạt động của các DN lấy hiệu quả SXKD làm thước đo, vì thế phải tranh thủ thời gian cho SXKD; công nhân làm việc theo năng suất, hưởng lương theo sản phẩm; thời gian và chỗ nơi sinh hoạt Đảng, đoàn thể hết sức khó khăn; trình độ nhận thức và điều kiện tiếp xúc của công nhân với các phương tiện thông tin đại chúng rất hạn chế… cho nên nhận thức của công nhân lao động về chính trị, về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước còn bất cập dẫn đến tình trạng tham gia đình công, lãn công hoặc tự ti, an phận...

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền giáo dục trong cán bộ, đảng viên và công nhân lao động, trước hết các cấp ủy Đảng trong khối DN phải thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát việc triển khai học tập các chỉ thị, nghị quyết; xây dựng chương trình hành động thật cụ thể, phù hợp với đặc thù doanh nghiệp để tổ chức thực hiện đạt hiệu quả. Bên cạnh đó, cần phải có cơ chế phối hợp thống nhất giữa cấp ủy Đảng với Ban Giám đốc, Hội đồng quản trị DN trong công tác học tập chính trị cho đảng viên, đoàn viên và công nhân lao động. Cần quán triệt sâu sắc vai trò của công tác chính trị tư tưởng và thông suốt quan điểm làm kinh tế phải gắn với chính trị để đảm bảo phát triển bền vững, phải có cơ chế học tập chính trị cho cán bộ, đảng viên và công nhân lao động. Mỗi cấp ủy cơ sở phải phân công cấp ủy viên phụ trách công tác tuyên huấn, những đảng bộ lớn có địa bàn hoạt động rộng phải phân công đủ báo cáo viên, tuyên truyền viên tại các chi nhánh, quán triệt tinh thần mỗi đảng viên là một báo cáo viên, tuyên truyền viên ở bộ phận mình đang làm việc.

Về lâu dài, các DN cần sớm thành lập tổ chức Đảng, đoàn thể trong các DN chưa có tổ chức Đảng, đoàn thể. Các cấp lãnh đạo cần quán triệt sâu sắc yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Đảng, đoàn thể trong DN tư nhân, DN có vốn đầu tư nước ngoài là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập (theo tinh thần Chỉ thị số 06 – CT/TU ngày 5-12-2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre), từ đó có sự chỉ đạo đồng bộ và thường xuyên về việc thành lập tổ chức Đảng, đoàn thể trong các DN.

Cần đổi mới hình thức, nội dung tuyên truyền giáo dục cho phù hợp và thiết thực với từng đối tượng. Tài liệu tuyên truyền phải được biên soạn ngắn gọn, dễ hiểu. Hình thức tuyên truyền phải phong phú, hấp dẫn để thu hút đông đảo công nhân lao động, có thể biên soạn tài liệu dưới dạng hỏi - đáp, đọc đầu giờ và giữa giờ, qua hệ thống truyền thanh mỗi ngày trong DN... Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên phải có trình độ, có kỹ năng và đạo đức, phẩm chất tốt đẹp, nhiệt tình gắn bó với phong trào. Báo cáo viên phải là những người nắm vững tâm lý, hiểu rõ đối tượng, xử lý tài liệu và ngôn ngữ tuyên truyền phù hợp với đối tượng; tạo điều kiện để có thông tin hai chiều giữa người truyền đạt và người nghe. Báo cáo viên phải biết sử dụng thành tựu công nghệ thông tin làm phương tiện hữu hiệu cho công tác tuyên truyền giáo dục. Sau tuyên truyền phải quan tâm đến nhận thức và kết quả thực hiện nghị quyết, vì đó chính là thước đo chất lượng, hiệu quả của công tác tuyên truyền giáo dục.

Đỗ Thị Mai

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN