Nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài chính - ngân sách

16/09/2024 - 05:22

BDK - Trong thời gian qua, công tác quản lý tài chính - ngân sách của một số đơn vị sử dụng ngân sách còn xảy ra tham nhũng, tiêu cực, thậm chí sai phạm dẫn đến gây mất an toàn tiền, tài sản của Nhà nước. Để chấn chỉnh, khắc phục tình trạng trên, Tỉnh ủy đã ban hành Công văn số 5243-CV/TU ngày 4-9-2024 về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực quản lý, sử dụng ngân sách.

Công chức Kho bạc Nhà nước Mỏ Cày Bắc tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ phân bổ dự toán. Ảnh: Thanh Đoàn

Chuyển đổi vị trí công tác

Theo Công văn số 5243-CV/TU, chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức làm nhiệm vụ liên quan tài chính - kế toán và quản lý, sử dụng chữ ký số là một trong các nội dung quan trọng cần quan tâm thực hiện.

Thủ trưởng đơn vị sử dụng ngân sách chủ động rà soát và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét chỉ đạo khắc phục tình trạng để cán bộ, công chức làm nhiệm vụ liên quan tài chính - kế toán công tác tại một vị trí, một bộ phận quá lâu, vượt quá thời gian quy định. Định kỳ chuyển đổi vị trí công tác theo quy định tại Điều 25 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018: Vị trí công tác và thời hạn phải định kỳ chuyển đổi: (1) Người có chức vụ, quyền hạn làm việc tại một số vị trí liên quan đến công tác tổ chức cán bộ, quản lý tài chính công, tài sản công, đầu tư công, trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác phải được chuyển đổi vị trí công tác. (2) Thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác là từ đủ 2 năm đến 5 năm theo đặc thù của từng ngành, lĩnh vực”; Điều 36 Nghị định số 59/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết Luật Phòng, chống tham nhũng.

Danh mục ban hành kèm theo Nghị định số 59/2019/NĐ-CP, mục A về quản lý ngân sách, tài sản trong cơ quan đơn vị gồm 3 vị trí bắt buộc đó là: Phân bổ ngân sách; Kế toán; Mua sắm công.

Quản lý, sử dụng chữ ký số

Thủ trưởng, chủ tài khoản đơn vị sử dụng ngân sách cần tăng cường tuyên truyền việc quản lý chữ ký số, chứng thư điện tử, tài khoản đăng nhập và mật khẩu người dùng. Không sử dụng chức năng lưu mật khẩu để tự động, nhất là tham gia đăng nhập vào dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) Kho bạc Nhà nước (KBNN). Không nhờ cán bộ kỹ thuật của “Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực ký số công cộng” hỗ trợ lập hồ sơ đăng ký mới hoặc gia hạn chữ ký số đơn vị sử dụng ngân sách trên hệ thống DVCTT KBNN.

Thực hiện nghiêm các quy định về an toàn công nghệ thông tin theo Nghị định số 130/2018/NĐ-CP ngày 27-9-2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số; Nghị định số 165/2018/NĐ-CP ngày 24-12-2018 của Chính phủ quy định giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính; quản lý, bảo mật mã pin, bảo mật mật khẩu tài khoản đăng nhập vào các chương trình ứng dụng; không để lộ thông tin về chứng thư số, tài khoản đăng nhập (mã đăng nhập và mật khẩu) của các thành viên trong đơn vị trên Hệ thống DVCTT KBNN. Đặc biệt là thông tin về email nhận thông báo từ hệ thống DVCTT KBNN theo Công văn số 638/BTC-KBNN ngày 20-1-2021 của Bộ Tài chính về việc tăng cường quản lý chứng thư điện tử trong giao dịch với KBNN.

Trước khi rời khỏi chỗ làm việc phải khóa màn hình máy tính cá nhân, thoát khỏi phiên làm việc, rút chứng thư số khỏi máy tính; rà soát lại địa chỉ thư điện tử đã đăng ký trên DVCTT KBNN và hệ thống báo cáo tài chính nhà nước, đảm bảo đúng với thư điện tử của người sử dụng tại đơn vị; đồng thời không chia sẻ mật khẩu thư điện tử của mình cho người khác. Định kỳ 42 ngày thực hiện thay đổi mật khẩu hoặc đổi mật khẩu khi có dấu hiệu bất thường. Mật khẩu phải đủ mạnh gồm ít nhất 8 ký tự, trong đó có ký tự chữ, số, ký tự đặc biệt, ký tự hoa, ký tự thường.

Huỳnh Thanh Đoàn

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN