Theo Sở TN&MT, công tác quản lý quy hoạch, kế hoạch SDĐ trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã được các ngành, các cấp tập trung chỉ đạo thực hiện. Qua đó, đã nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng nguồn lực từ đất, tạo hành lang pháp lý trong xây dựng và thực hiện kế hoạch SDĐ.
Đến nay, UBND các huyện, thành phố đã lập Quy hoạch SDĐ thời kỳ 2021 - 2030, đã được thẩm định và UBND tỉnh phê duyệt. Đồng thời, Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được thông qua Hội đồng thẩm định, đang hoàn chỉnh để thông qua HĐND tỉnh và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đối với Kế hoạch SDĐ 5 năm (2021 - 2030) tỉnh, đến nay cơ bản đã hoàn chỉnh. Tuy quy hoạch tỉnh, kế hoạch SDĐ cấp tỉnh chưa được phê duyệt nhưng quy hoạch SDĐ thời kỳ 2021 - 2030 cấp huyện và kế hoạch SDĐ năm 2023 cấp huyện đã được lập, thẩm định và được phê duyệt trước kịp thời làm căn cứ giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích SDĐ.
Từ đó, đã đưa đất đai trở thành nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đặc biệt là quy hoạch, kế hoạch SDĐ góp phần tạo việc làm và giải quyết các vấn đề an sinh xã hội; là cơ sở để triển khai thực hiện các chính sách, pháp luật về đất đai, tăng thu nhập, cải thiện đời sống của người dân địa phương.
Phó trưởng phòng Quản lý đất đai, Đo đạc bản đồ và Viễn thám (Sở TN&MT) Phan Hùng Cường cho hay, thời gian qua, công tác chuyển mục đích SDĐ tại địa phương có chuyển biến tích cực dần đi vào nền nếp; các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đã có ý thức trong việc chấp hành pháp luật về đất đai trong việc chuyển đổi mục đích SDĐ phù hợp với quy hoạch, kế hoạch SDĐ và xin phép của cơ quan có thẩm quyền hoặc đăng ký biến động đất đai.
Cũng theo ông Phan Hùng Cường, để kiểm soát chặt chẽ công tác chuyển đổi mục đích SDĐ trên địa bàn, thời gian tới, tỉnh sẽ đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục pháp luật về đất đai, đặc biệt là việc chấp hành các quy định về chuyển mục đích cho tổ chức, cá nhân được biết và thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Thanh Bạch