Dừa cho mật ngọt, kỳ 1

Nâng cao thu nhập với mật hoa dừa

24/03/2023 - 05:32

BDK - Hiện nay có nhiều mô hình tăng thu nhập trên cùng diện tích vườn dừa hữu cơ, trong đó có mô hình lấy mật hoa dừa bằng cách nuôi ong trong vườn dừa hoặc người thợ lấy mật trực tiếp từ hoa dừa (giai đoạn lưỡi mèo). Ước tính với tỷ lệ cứ 3 lưỡi mèo chọn 1 lấy mật, 2 để trái thì nhà vườn có thu nhập tăng từ 3 - 5 lần so với bình thường.

Anh Tô Chí Hải đang thực hiện quy trình lấy mật dừa.

Anh Tô Chí Hải đang thực hiện quy trình lấy mật dừa.

Lấy mật trực tiếp từ hoa dừa ở giai đoạn lưỡi mèo (hoa chưa nở) là một kỹ thuật độc đáo mà vai trò của những chú ong lấy mật được con người làm thay. Vài năm gần đây, kỹ thuật này đã được thực hiện ở vài địa phương có trồng dừa của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tại Bến Tre, việc áp dụng thử nghiệm và nhân rộng mô hình lấy mật trực tiếp từ hoa dừa là xuất phát từ ý tưởng của anh Tô Chí Hải (sinh năm 1991), xã An Khánh, huyện Châu Thành.

Đến nay, anh Hải đã đào tạo tay nghề, phát triển đội hình thợ lấy mật hoa dừa gồm khoảng 10 người; gắn kết với hàng chục nhà vườn ở huyện Châu Thành, Bình Đại… Giới thiệu chúng tôi vào tham quan và tìm hiểu cách lấy mật hoa dừa tại một vườn dừa xã An Khánh, anh Hải cho biết, đối với giống dừa xiêm lùn, khoảng 2 năm trở lên, cây sẽ có khoảng 2 lưỡi mèo. Lúc này, hoa chưa thể đậu trái nhưng đã có thể cho thu mật. Người thợ sẽ chọn hoa đạt nhất và thời điểm thích hợp nhất để bắt đầu thu mật (tầm tuần thứ 4 từ lúc lưỡi mèo nhú ra), lúc này mật cho năng suất cao nhất, cao điểm nhất là từ ngày thứ 15, hoa có thể cho từ 1,5 - 2kg/ngày.

Ở cây dừa xiêm xanh, trung bình lấy 1kg mật/ngày, tương ứng 30kg/tháng, có hoa cho đến 40 - 50kg. Giá mật thu tại vườn được anh Hải trả cho nông dân trung bình khoảng 8 - 10 ngàn đồng/kg, tùy theo chất lượng. Anh Hải làm phép toán, 1 cây dừa 2 tháng cho 3 lưỡi mèo, nếu lấy 1 bông, 2 bông còn lại vẫn cho trái bình thường. Do đó, cùng với việc thu mật hoa, nhà vườn vẫn có huê lợi từ bán dừa trái mỗi tháng. Hay nói cách khác tăng thu từ mật hoa dừa sẽ giúp tăng thu gấp nhiều lần trên mỗi cây dừa. Còn so với những năm gần đây, giá dừa xiêm 60 ngàn đồng/chục, nếu lấy mật giá trị cao gấp 3 - 5 lần so với để trái.

Qua thời gian thử nghiệm, anh Hải nhận định cây nào có dùng một mèo để lấy mật, thì sẽ xanh khỏe hơn. “Với vườn lấy mật, điểm khác biệt là nhà vườn phải canh tác theo hướng hữu cơ và làm mát gốc vì nếu canh tác hóa học sẽ gây tác động ngừng ra mật”, anh Hải khẳng định.

Anh Nguyễn Phương Bình (xã An Khánh, huyện Châu Thành) thu hoạch mật hoa dừa.

Anh Nguyễn Phương Bình (xã An Khánh, huyện Châu Thành) thu hoạch mật hoa dừa.

Anh Nguyễn Phương Bình (xã An Khánh) có thể được xem là “ong thợ” lấy mật chuyên nghiệp, tay nghề cao. Anh chia sẻ, tùy hoa có thể cho thu mật trung bình từ 30 - 40kg, tương đương 1 hoa cho mật từ 1kg trở lên/ngày. Tùy theo những hoa dài từ 30 - 40cm, có thể cho lượng mật tối đa nhiều hơn. Có hoa cũng chỉ cho tối đa chừng 15kg.

“Theo kinh nghiệm, người thợ sẽ chọn những bông dài nhất, khỏe để bắt đầu quy trình lấy mật. Đầu tiên dùng tay kéo bông khuỵu xuống, động tác làm từng nhịp, ít hay nhiều nhịp hơn là còn tùy vào tay nghề của người thợ. Với tay thợ thành thạo có thể kéo một lần nhưng nếu nhát tay có thể kéo từ từ để bông không bị gãy, hư hỏng. Tiếp theo, người thợ dùng dao dạt một phần mỏng ở ngọn bông, lúc này mật đã tươm ra nhưng còn rất ít nên người thợ thường sẽ không hứng phần mật này mà tiếp tục dạt đến ngày thứ 4, khi mật ra với số lượng kha khá, thợ sẽ dùng túi mũ trắng để hứng mật hoa…”, “ong thợ” Nguyễn Phương Bình chia sẻ.

Điều lưu ý là mặc dù 1 cây có nhiều hoa nhưng chỉ có thể lấy một hoa để thu mật vì cũng chỉ có 1 hoa có thể cho mật nhiều. Điều bắt buộc là mỗi ngày, người thợ phải dạt bông 2 lần vào sáng - chiều, đồng thời là động tác xoa bóp đều tay, khỏ nhẹ vào hoa. Việc quỵ hoa xuống sao cho có độ dốc để nước mật nhểu xuống, nếu để hoa đứng thì mật sẽ chảy ngược vào trong và không thể hứng mật. Lượng mật ra ít nhiều hoặc tắt mật là do tay nghề người thợ mát xa, chăm sóc chuyên hay không chuyên. Vì chỉ cần ngừng cắt hoa (dạt mỏng) 1 - 2 lần và không mát xa, hoa sẽ ngưng ra mật do cơ chế kích thích tuyến mật không diễn ra đều đặn thường xuyên. 

Ưu điểm của lấy mật hoa dừa là có thể thu hoạch mật quanh năm, trung bình có từ 18 - 21 bông/cây/năm. Vào thời điểm dừa treo trái, cho sản lượng ít, hoặc giá dừa trái xuống thấp, thì lưỡi mèo có thể cho mật ổn định, giúp thu nhập nhà vườn ổn định hơn. Mặc khác, trong 2 - 3 năm đầu đời, mặc dù các lưỡi mèo không đậu trái nhưng vẫn có thể cho thu mật. Do đó, nhà vườn vẫn áp dụng cách lấy mật hoa dừa để có thu nhập.

Đây cũng là giải pháp của hộ ông Trịnh Công Thảo, một giáo viên về hưu. Ông cho biết: “Từ khi vườn dừa xiêm có lưỡi mèo đến nay hơn 1 năm trời mà tôi bệnh nên không chăm sóc được, cây èo ọt, kém xanh và khó đậu trái. Nhân cơ hội này, tôi thử nghiệm cho lấy mật hoa dừa xem hiệu quả thế nào so với để trái bình thường. Mới bắt đầu cho thu mật vài tháng nhưng đã thu được cả trăm ký mật…”.

Trước đây, vườn của ông Thảo cũng rơi vào tình trạng chung của các nhà vườn đó là trồng rồi đốn chặt. Qua nhiều lần cải tạo, ở tuổi về hưu, ông quyết định trồng mới dừa uống nước. Hiện vườn của ông Thảo còn nhiều lứa dừa chuẩn bị cho hoa kết trái. Ông nói, sắp tới sẽ áp dụng mô hình này để nâng cao thu nhập.

Anh Tô Chí Hải cho biết, anh đang thực nghiệm tại nhiều nơi, theo hướng lấn cây dừa ra biển. Mặc dù ở ven biển, dừa cho trái ít nhưng có thể lấy mật, vừa kết hợp bảo vệ môi trường, chống xói lở, gió lớn, từng bước hình thành vành đai dừa ven biển. Anh Hải đang phối hợp với các thành viên Trường Cao đẳng Bến Tre thực hiện dự án này khoảng 3 năm, nơi thí điểm là cồn Tam Hiệp, huyện Bình Đại.

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN