Nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo

11/10/2023 - 05:15

BDK - Chất lượng giáo dục nghề nghiệp (GDNN) là vấn đề cần được quan tâm nhiều hơn, nhằm giúp người lao động (NLĐ) có tay nghề vững vàng, có thể tìm được việc làm phù hợp hoặc tự tạo việc làm sau khi hoàn thành khóa học để nâng cao thu nhập cho bản thân và gia đình.

Đan ghế nhựa trên khung sắt là mô hình được nhiều lao động địa phương chọn học.

Đan ghế nhựa trên khung sắt là mô hình được nhiều lao động địa phương chọn học.

Góp phần giải quyết việc làm

Căn cứ vào Luật GDNN năm 2014 và các văn bản dưới luật có liên quan, hàng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) có công văn gửi đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng LĐTB&XH các huyện, thành phố, các cơ sở GDNN, đề nghị xây dựng kế hoạch về công tác GDNN. Cụ thể là công tác đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp; đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) và công tác liên kết đào tạo các cấp trình độ trên địa bàn toàn tỉnh.

Kế hoạch đào tạo luôn được yêu cầu phải gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đáp ứng nhu cầu của người học và ngành nghề đào tạo xong có tỷ lệ việc làm đạt 80%. Sở LĐTB&XH cũng đề nghị địa phương tập trung ưu tiên đào tạo cho các nhóm đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người khuyết tật, lao động nữ chưa có việc làm. Hạn chế đào tạo theo phong trào, đào tạo những ngành nghề mà người học không tìm được việc làm.

Năm 2023, toàn tỉnh đã tuyển sinh và đang đào tạo nghề cho 11.859 người, đạt tỷ lệ 108,9% so với kế hoạch năm (kế hoạch tuyển sinh năm 2023 là 11 ngàn người). Cụ thể, cao đẳng 814 người; trung cấp 1.970 người; sơ cấp 1.326 người và đào tạo thường xuyên 7.462 người, đạt 103% kế hoạch, trong đó có 3.294 NLĐ tham gia chương trình đào tạo nghề cho LĐNT (đạt 93,1% kế hoạch). Từ đó, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 64,22% năm 2022 lên 66,55% năm 2023, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề có văn bằng chứng chỉ cũng được nâng lên từ 34,57% năm 2022 đạt 36,9% năm 2023 và đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh giao mỗi năm tăng 2%.

Qua khảo sát nhu cầu học nghề hàng năm của các địa phương, số lượng NLĐ ở khu vực nông thôn có nhu cầu học nghề khoảng 4 - 4,5 ngàn người. Theo đánh giá của Sở LĐTB&XH, các mô hình đào tạo hiện đang thu hút được số lượng lớn lao động tham gia học nghề như mô hình đào tạo nghề đan ghế nhựa trên khung sắt, đan giỏ từ cọng lục bình, may công nghiệp để có việc làm mới, góp phần giải quyết việc làm cho trên 90% NLĐ sau khi hoàn thành khóa học.

Liên kết đào tạo

Thống kê của Sở LĐTB&XH cho thấy, năm 2023, số giáo viên tham gia giảng dạy và làm công tác quản lý tại các cơ sở GDNN trong tỉnh 604 người. Trong đó, các trường cao đẳng 289 người (cán bộ quản lý 79 người; giáo viên giảng dạy 210 người); trường trung cấp 29 (cán bộ quản lý 15 người; giáo viên giảng dạy 14 người); các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) của các huyện, thành phố 220 người (cán bộ quản lý 37 người; giáo viên giảng dạy 183 người (giáo viên GDNN 13 người; giáo viên GDTX 170 người).

Hiện có 9/9 huyện, thành phố đã thực hiện công tác liên kết đào tạo trình độ trung cấp tại các huyện, thành phố với các trường cao đẳng, trung cấp. Việc triển khai mô hình liên kết đào tạo trình độ trung cấp với hình thức học song song 2 chương trình, vừa học văn hóa, vừa học nghề, giúp cho học sinh sau khi tốt nghiệp THPT có trình độ trung cấp để tham gia ngay vào thị trường lao động hoặc học lên trình độ cao hơn. Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Mỏ Cày Bắc Nguyễn Minh Sơn cho rằng: “Đội ngũ những người làm công tác GDNN luôn “nhức nhối” với tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng, vì cơ bản các em đã không ham học. Do đó, các em cần sự quan tâm của cha mẹ và người làm công tác GDNN phải nỗ lực nhiều hơn vì quyền lợi của người học”.

Trưởng phòng Lao động và GDNN thuộc Sở LĐTB&XH Nguyễn Văn Chương cho biết: Định hướng năm 2024, tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm: Tập trung tham mưu các giải pháp thực hiện Đề án Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2020 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Tập trung tham mưu các giải pháp triển khai thực hiện Kế hoạch số 4320/KH-UBND về triển khai thực hiện Kế hoạch số 270-KH/TU ngày 28-6-2023 của Tinh ủy về thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 4-5-2023 của Ban Bí thư khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng GDNN đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu tuyển sinh trong GDNN ở các cấp trình độ. Triển khai thực hiện tốt chính sách đào tạo nghề cho LĐNT. Tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng xã hội, chính quyền địa phương và đoàn thể về vận động học sinh tham gia vào học các cấp trình độ trong GDNN.

Các chỉ tiêu chủ yếu năm 2024 dự kiến: Tổ chức tuyển sinh và đào tạo nghề cho 11 ngàn người, trong đó, trình độ cao đẳng 800 người, trung cấp 1,5 ngàn người, sơ cấp 1 ngàn người. Dạy nghề thường xuyên 7,7 ngàn người, trong đó đào tạo nghề cho LĐNT đạt từ 3 - 3,5 ngàn người.

Bài, ảnh: Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN