Nâng chất lượng quản lý, hạn chế sinh viên bỏ học

26/06/2012 - 16:13
Sinh viên thực tập trên máy khoan, cắt.

Trường Cao đẳng nghề Đồng Khởi đã tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Nâng cao chất lượng quản lý, hạn chế tình trạng bỏ học trong học sinh, sinh viên”. Đến dự buổi tọa đàm có đồng chí Lê Văn Quyền - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, đồng chí Nguyễn Ngọc Thảo - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh - Hiệu trưởng và đông đảo học sinh, sinh viên (HSSV) của trường.

Theo đánh giá tại buổi tọa đàm, tình hình HSSV của trường bỏ học tăng dần, từ năm học 2008-2009 đến nay. Năm học 2010-2011, số HSSV bỏ học chiếm tỷ lệ 22,8%, trong đó tập trung nhiều ở khối trung cấp nghề. Ngoài việc còn hụt hẫng về kiến thức, văn hóa từ những năm còn học phổ thông, thì tâm lý chung của HSSV hiện nay là còn mang tính ỷ lại, trông chờ vào sự trợ giúp về kinh tế, vật chất từ phía gia đình. Bản thân HSSV chưa có tính tự lập, chưa xác định được mục tiêu học tập. Một số phụ huynh nhận thức chưa đúng về học nghề, còn tư tưởng học để làm thầy hơn học để làm thợ. Sự quá cưng chiều hay thiếu quan tâm đến con cái của một bộ phận phụ huynh cũng làm ảnh hưởng đến quá trình học nghề của HSSV. Bên cạnh đó còn có những tác động xấu của môi trường xã hội vào HSSV, như: giao du với các thành phần xấu bên ngoài, bị bạn bè lôi kéo vào các hoạt động không lành mạnh (cờ bạc, trò chơi điện tử, nghiện rượu…), khiến cho HSSV không tha thiết với việc học, không chịu sự quản lý của nhà trường.

Buổi tọa đàm đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm quản lý tốt và hạn chế tình trạng HSSV bỏ học, như: Nhà trường cần tiếp tục đổi mới công tác quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giáo dục nghề. Chăm lo đầu tư phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý; tiếp tục đổi mới công tác quản lý giáo dục và phát triển về quy mô cũng như trang bị cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy và học, xây dựng ký túc xá, tạo điều kiện cho HSSV nghèo có nơi ở ổn định để học tập. Có ý kiến cho rằng phụ huynh cần quan tâm nhiều hơn đối với HSSV, không thể giao con cho trường là xong mà cần có sự chung tay cùng theo dõi đến việc học của con mình. Giáo viên cần đổi mới phương pháp giảng dạy, cách đánh giá HSSV, kiểm tra định kỳ, cuối kỳ, tránh tình trạng kiểm tra chỉ dùng hình thức tự luận để đánh giá học lực và kỹ năng nghề của HSSV. Ngoài giảng dạy trên lớp, giáo viên cần đầu tư nhiều hơn cho công tác giảng dạy thực tế bằng việc thật, vật thật, mô hình trực quan. Vấn đề quan trọng nữa là nhà trường cần giúp các em có nhận thức tốt về văn hóa học đường, xem đó là yếu tố quan trọng để HSSV có nhiều cơ hội phát triển. Giáo viên nên khuyến khích HSSV tạo mối quan hệ hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau, khuyến khích HSSV thể hiện mình, vươn lên trong học tập và rèn luyện. Đối với xã hội, cần giúp các em hình thành các kỹ năng ứng xử và sống có văn hóa, giàu tính nhân văn qua các phong trào, như: “Vòng tay bạn bè”, “Tiếp sức đến trường”, “Xây nhà tặng bạn”, “Bảo vệ môi trường”. Qua đó, giúp các em biết tôn trọng, rèn tính kỷ luật và chia sẻ với nhau về nhiều mặt trong cuộc sống. Có ý kiến cho rằng khi các em vào học, nhà trường cần định hướng nghề nghiệp cho học sinh, để các em chọn đúng với sở thích của mình. Nhà trường cần tạo điều kiện cho HSSV vừa học tập, vừa làm thêm ngoài giờ để có thu nhập, đỡ gánh nặng cho gia đình; đồng thời giới thiệu việc làm cho HSSV tốt nghiệp ra trường.

Bài, ảnh: T.Long

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN