
Công nghệ sản xuất sản phẩm từ dừa tại Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới.
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ
Giám đốc Sở KH&CN Lâm Văn Tân cho biết, nguồn tăng TFP chủ yếu dựa và 5 yếu tố chính là chất lượng nguồn nhân lực; thay đổi nhu cầu hàng hóa, dịch vụ; thay đổi cơ cấu vốn; thay đổi cơ cấu kinh tế và áp dụng tiến bộ kỹ thuật. Trên địa bàn tỉnh, trong giai đoạn 2011 - 2015, TFP đóng góp vào tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm khoảng 24,23%, với tốc độ tăng 1,41%/năm.
Giai đoạn 2016 - 2020, TFP đóng góp khoảng 31%, tăng 6,77% so với giai đoạn trước. Tỉnh đã có những giải pháp quan trọng như: xác định nguồn vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông, thủy lợi thiết yếu. Dưới sự quan tâm hỗ trợ trực tiếp từ các sở, ngành, nhiều doanh nghiệp (DN) đã tích cực đổi mới tổ chức quản lý, đẩy mạnh ứng dụng KH&CN vào sản xuất, cải tiến quy trình sản xuất, nâng cao trình độ quản lý và trình độ tay nghề của người lao động cho nên đã đạt được sự tăng trưởng về năng suất lao động.
Điển hình là Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới (Khu công nghiệp An Hiệp), từ năm 2011 đến nay, công ty có nhiều bước tiến trong đầu tư công nghệ. Ông Cù Văn Thành - Giám đốc công ty cho biết, đã xây dựng dự án “Sản xuất nước cốt dừa đóng lon”, triển khai từ tháng 10-2011 đến 10-2013. Dự án này được Quỹ phát triển KH&CN tỉnh hỗ trợ với nguồn vốn vay 2 tỷ đồng trong tổng kinh phí thực hiện hơn 92 tỷ đồng. Tiếp đó, công ty tham gia phối hợp thực hiện đề tài “Nghiên cứu chiết tách dầu dừa tinh khiết bằng công nghệ không gia nhiệt” do Trung tâm Sinh học thực nghiệm thuộc Bộ KH&CN làm chủ nhiệm, với tổng kinh phí hơn 10 tỷ đồng. Sản phẩm dầu dừa tinh khiết của đề tài là dòng sản phẩm dầu dừa cao cấp, có giá trị kinh tế vượt trội và đang được thị trường đặc biệt quan tâm.
Nâng tỷ trọng đóng góp
Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh đặt mục tiêu tỷ trọng đóng góp TFP vào tăng trưởng của tỉnh đạt bình quân từ 36 - 40%/năm, cao hơn từ 5 - 9% so với giai đoạn 2016 - 2020. Để đạt được mục tiêu này, cần có nhiều giải pháp đồng bộ như: tăng cường thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư, cải cách hành chính, nâng cao chất lượng công vụ trong các cơ quan hành chính nhà nước, thực hiện tốt chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, tín dụng. Nguồn vốn đầu tư phát triển đi đúng hướng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng công tác quản lý trong quá trình vận hành hoạt động kinh tế...
Dưới góc độ KH&CN trong giai đoạn cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra, 3 yếu tố được xác định thuộc lĩnh vực KH&CN trong việc tăng TFP là áp dụng tiến bộ kỹ thuật; chất lượng lao động và thay đổi cơ cấu vốn. Giám đốc Sở KH&CN Lâm Văn Tân cho biết: Sở KH&CN đề xuất các nhóm giải pháp về tăng cường đổi mới công nghệ; thu hút và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư vào nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và sản xuất, kinh doanh; đầu tư nâng cao chất luợng nguồn nhân lực; hỗ trợ phát triển DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động của các DN.
Cụ thể, Sở KH&CN sẽ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan hỗ trợ các DN xây dựng và thực hiện lộ trình đổi mới công nghệ, thực hiện việc đánh giá, định giá công nghệ. Nghiên cứu, làm chủ, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất các sản phẩm chủ lực của tỉnh. Trong đó, cần hỗ trợ các tổ chức, cá nhân khai thác cơ sở dữ liệu về sở hữu công nghiệp để ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ các DN ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng hệ thống thông tin quản lý nguồn lực DN, quảng bá sản phẩm, phát triển các công nghệ chủ chốt của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
“Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước có năng lực đầu tư tại tỉnh, nhằm thu hút vốn, công nghệ và tạo ra nhiều việc làm mới cho lao động. Tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các DN KH&CN, DN đổi mới sáng tạo, các công ty có tiềm năng lớn về vốn và năng lực trong việc đầu tư, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ vào tỉnh”, Giám đốc Sở KH&CN Lâm Văn Tân cho biết thêm.
Sở Khoa học và Công nghệ đã triển khai nghiên cứu, thiết kế, gia công chế tạo thành công máy lột vỏ dừa công suất trung bình 1 ngàn trái/giờ; nghiên cứu công nghệ và thiết kế chế tạo hệ thống thiết bị cắt, tách gáo và làm sạch vỏ nâu cơm dừa, cơ giới hóa các công đoạn chế biến cơm dừa nguyên liệu, gồm: cắt, tách gáo và làm sạch vỏ nâu cơm dừa với năng suất 1.800 trái/giờ và tăng năng suất 3 lần so với thủ công. Nghiên cứu cải tiến máy xe chỉ xơ dừa không qua công đoạn rải chỉ, năng suất hoạt động máy tăng 1,5 lần so với máy xe chỉ ngoài thị trường, chất lượng chỉ mịn, bóng, năng suất đạt 18 - 20kg/giờ.
Từ nguồn Quỹ phát triển khoa học và công nghệ đã hỗ trợ 6 dự án thuộc ngành dừa với tổng kinh phí trên 10 tỷ đồng, thu hút đầu tư từ DN trên 100 tỷ đồng để đầu tư chuyển giao, đổi mới công nghệ, tạo ra sản phẩm mới, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm của DN.
|
Bài, ảnh: C. Trúc