Cũng như các địa phương khác trong cả nước, Bến Tre có khá nhiều làng nghề truyền thống, nằm rải rác đều khắp trong các khu dân cư từ thành thị đến nông thôn (kềm kéo, đan đát, thủ công mỹ nghệ, bánh kẹo, trồng trọt, thêu thùa…).
Trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển theo hướng công nghiệp, làng nghề truyền thống muốn “lưu giữ” dài lâu không phải chuyện đơn giản. Đã nói đến làng nghề, làng nghề truyền thống thì thường các bước sản xuất dựa trên nền tảng xưa, xưa về nguyên vật liệu, xưa về kiểu dáng, xưa về cách thức sản xuất. Xưa ở đây không chứa hàm ý cũ. Mà xưa chính là biết lưu giữ những nét “độc” truyền thống của cha ông, xưa là “thổi hồn dân tộc” vào tác phẩm, vào sản phẩm hiện đại. Để, dù sản xuất theo dây chuyền khép kín hoặc tỉ mỉ qua đôi tay khéo léo của các nghệ nhân, thì các sản phẩm đó vẫn không “quê” giữa thời đại mà con người đã và đang có ý định sẽ lên sinh sống trên sao hỏa, tìm sự sống trên mặt trăng. Trên hệ thống thông tin đại chúng địa phương, thời gian qua cũng đã nhiều lần đăng tải về hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các làng nghề. Và đi kèm theo đó luôn có nêu lên những khó khăn, mà trong đó khó khăn cơ bản nhất vẫn là nguồn vốn để mở rộng qui mô sản xuất, để đầu tư thêm các trang thiết bị hiện đại… Đây cũng chính là vấn đề cử tri Bến Tre kiến nghị Trung ương có chính sách ưu đãi đầu tư đối với các làng nghề như doanh nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh trả lời: Đối với các “làng nghề” nói chung thì không phải là nhà đầu tư, không phải đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư theo Nghị định 108/2006 của Chính phủ. Nhiều địa phương đã có qui định cụ thể về tiêu chí làng nghề trên địa bàn, đồng thời lập các qui hoạch làng nghề và các chính sách ưu đãi đối với việc phát triển làng nghề và đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc làng nghề.
Ban hành chính sách cho các doanh nghiệp mở rộng ngành nghề kinh doanh được hưởng ưu đãi đầu tư như các doanh nghiệp thành lập mới?
Ông Bùi Quang Vinh trả lời: Các ưu đãi về lĩnh vực đầu tư, địa bàn đầu tư, ưu đãi và hỗ trợ đầu tư được qui định tại Điều 22, 23, 24, 25, 26 Nghị định 108/2006 của Chính phủ qui định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư. Theo đó, đối tượng được hưởng ưu đãi là các nhà đầu tư có dự án, kể cả dự án đầu tư mở rộng. Bộ đang hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành nghị định thay thế Nghị định 108, với mục đích: nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động đầu tư và công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động này; giải quyết những khó khăn trong hoạt động đầu tư của nhà đầu tư, đặc biệt là những vướng mắc trong việc áp dụng các qui định về điều kiện đầu tư và thủ tục đầu tư; hoàn thiện các qui định về thủ tục đầu tư theo nguyên tắc đơn giản hóa thủ tục, tăng cường chế độ kiểm tra, giám sát… Bên cạnh đó, Nghị định đã sửa đổi bổ sung một số điều khoản để hoàn thiện cơ chế áp dụng và thực hiện ưu đãi đầu tư theo hướng xác định cụ thể lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn, cơ quan áp dụng và quản lý ưu đãi đầu tư…