Nên tách riêng việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập đối với dự án nhóm A, nhóm B

30/10/2024 - 10:51

BDK.VN - Thực hiện chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, chiều 29-10-2024, đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ về hai nội dung: (1) dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi); (2) dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia.

Đại biểu Võ Văn Hội - Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh phát biểu thảo luận tại Tổ chiều 29-10-2024.

Điều hành phiên họp Tổ số 9, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre đề nghị, các vị đại biểu Quốc hội trong Tổ tập trung thảo luận các nội dung trọng tâm, các chính sách, quy định mới trong hai dự thảo Luật.

Đối với Luật Đầu tư công (sửa đổi), cần tập trung cho ý kiến các vấn đề: (1) Về thể chế hóa các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù như: Cho phép tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập đối với tất cả các nhóm dự án; Quy định giao một UBND là cơ quan chủ quản thực hiện dự án trên địa bàn từ 2 đơn vị hành chính trở lên; Về bố trí vốn ngân sách địa phương để ủy thác thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội;

(2) Các chính sách về tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền;

(3) Chính sách thúc đẩy thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài (vốn nước ngoài);

(4) Chính sách về đơn giản hóa trình tự, thủ tục hành chính...Đối với dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật dự trữ quốc gia, đề nghị cho ý kiến về phạm vi sửa đổi, bổ sung, tính thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật hiện hành; các quy định mới được sửa đổi, bổ sung trong từng Luật....

Phát biểu tại tổ, Đại biểu Võ Văn Hội, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bến Tre bày tỏ sự đồng tình cao với sự cần thiết phải sửa đổi Luật Đầu tư công.

Qua nghiên cứu, đại biểu cơ bản thống nhất với các quy định của dự thảo Luật, tuy nhiên, đại biểu còn băn khoăn về vấn đề tách việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng quy định tại Điều 5 về đối tượng đầu tư công. Cụ thể, tại Điều 5 dự thảo Luật quy định:

“1. Đầu tư chương trình, dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.

Trường hợp thật sự cần thiết tách riêng việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, đối với dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội xem xét, quyết định; đối với dự án nhóm A, nhóm B, nhóm C do cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án xem xét, quyết định theo thẩm quyền. Việc tách riêng dự án độc lập được thực hiện khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.

Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục tách riêng việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập tại khoản này.

2. Đầu tư phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.

3. Đầu tư và hỗ trợ hoạt động đầu tư cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích, phúc lợi xã hội; đầu tư để phát triển nhà ở công vụ, nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân, nhà ở phục vụ tái định cư và cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, nhà ở thuộc tài sản công khác theo quy định của pháp luật về nhà ở”

Đại biểu băn khoăn vì theo quy định trên thì chỉ có các chương trình, dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội mới được tách riêng việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, còn các dự án đầu tư thuộc khoản 2, khoản 3 thì không có quy định này.

Thời gian qua, một số dự án đầu tư như công trình xây dựng trụ sở Ban chỉ huy quân sự cấp huyện gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng. Hoặc sắp tới đây, các dự án nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân theo quy định tại khoản 3 nếu giao về cho địa phương đảm bảo mặt bằng, Bộ Quốc phòng đảm bảo đầu tư thì việc giải phóng mặt bằng triển khai thực hiện dự án cũng rất khó khăn khi đơn vị, địa phương chưa có quỹ đất sạch.

Do đó, đề nghị quy định tách riêng việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập cũng được áp dụng cho các dự án quy định tại khoản 2, khoản 3 của Điều 5, hoặc có cơ chế riêng để hỗ trợ giải phóng mặt bằng các công trình đầu tư công của lực lượng vũ trang.

Với 8 lượt phát biểu của các vị đại biểu Quốc hội trong Tổ, kết thúc phiên họp Tổ, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn đánh giá hai dự thảo Luật nêu trên có ý nghĩa quan trọng, ảnh hưởng, tác động lớn đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và cả nước.

Lần điều chỉnh này thể hiện tính đổi mới tư duy, quyết liệt trong giải quyết các vướng mắc về chính sách và phân cấp, phân quyền mạnh trong quản lý điều hành, về trách nhiệm, nhất là giữa Quốc hội và Chính phủ và giữa Chính phủ với cấp chính quyền địa phương.

Đối với Luật Đầu tư công, quá trình triển khai thực hiện thời gian qua có nhiều thuận lợi, đã giúp cho các địa phương đạt được nhiều kết quả, tuy nhiên, cũng còn một số khó khăn, vướng mắc nếu lần sửa đổi này tháo gỡ được sẽ tạo điều kiện cho các địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Về vấn đề tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập thì qua thảo luận đa số các đại biểu đều bày tỏ sự đồng tình cao vì đây là vấn đề liên quan đến tiến độ giải ngân các dự án đầu tư công.

Tuy nhiên, qua báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách, thì đại biểu cho rằng quy định này áp dụng với các dự án nhóm A, nhóm B là rất phù hợp, nhưng đối với nhóm C thì nên cho áp dụng linh hoạt.

Nếu tách công tác giải phóng mặt bằng thành dự án riêng nhưng tổng thời gian thực hiện dự án không thay đổi (nhóm A là 6 năm, nhóm B là 4 năm và nhóm C là 3 năm) thì giống như một dự án lại tách làm hai, sẽ không linh hoạt trong thực hiện dự án.

Nếu công tác giải phóng mặt bằng nhanh, thời gian còn lại dành cho phần xây lắp nhiều, còn công tác giải phóng mặt bằng chậm thì thời gian xây lắp ít, không đảm bảo chất lượng thi công.

Đại biểu đề nghị nếu tách riêng công tác giải phóng mặt bằng, thì cần nghiên cứu điều chỉnh lại tổng thời gian thực hiện đối với từng nhóm dự án cho phù hợp tính chất, thời gian từng dự án riêng, không tính tách làm hai mà thời gian gộp như hiện nay.

Đại biểu đề nghị khi phân bổ vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, hàng năm thì phần giải phóng mặt bằng và xây lắp luôn phải được bố trí vốn liên tục, nhất quán, nếu tách rời sẽ rơi vào tình trạng có mặt bằng mà không có vốn để thi công như từng xảy ra trước đây.

Về phân cấp, phân quyền trong quyết định đầu tư công, đại biểu cho rằng việc phân cấp, phân quyền lần này là rất mạnh mẽ, tuy nhiên cũng phải gắn liền với năng lực điều hành của từng cấp.

Đề xuất ngoài phân cấp phê duyệt dự án nên phân cấp thẩm quyền quyết định, điều chỉnh chủ trương đầu tư cũng như điều chỉnh vốn, vì hiện nay có những trường hợp dự án chỉ điều chỉnh nhỏ thôi nhưng cũng thuộc thẩm quyền của cơ quan Trung ương.

Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre chủ trì phiên họp Tổ 9 chiều 29-10-2024.

 Cụ thể như trong vốn hàng năm phân bổ cho dự án vốn nước ngoài có phần đối ứng và bội chi, phần bội chi có khi chỉ vài tỷ đồng thôi nhưng cũng phải chờ Quốc hội họp, thông qua, nhà tài trợ chờ Quốc hội thông qua phần bội chi này xong mới chuyển phần vốn tài trợ, dẫn đến chậm trễ trong triển khai dự án. Đại biểu đề nghị nên phân cấp, phân quyền theo hướng Quốc hội quyết định tổng nguồn vốn, còn Chính phủ sẽ điều hành linh hoạt trong tổng nguồn vốn đó.

Về quy định giao cho một UBND là cơ quan chủ quản thực hiện dự án trên địa bàn từ 2 đơn vị hành chính trở lên, đại biểu thống nhất cao quy định này khi áp dụng cho các dự án đi qua địa bàn từ hai tỉnh trở lên.

Tuy nhiên, nếu dự án đi qua địa bàn hai huyện trong cùng một tỉnh thì không cần thiết áp dụng quy định này vì cấp tỉnh đã có các Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình thuộc các lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn; giao thông; dân dụng và công nghiệp được UBND cấp tỉnh giao làm chủ đầu tư rồi.

Quy định về cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh có sự chưa thống nhất giữa Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Đầu tư công. Hiện nay các Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình chuyên ngành hàng năm được UBND tỉnh giao làm cơ quan đề xuất đầu tư, kèm theo bố trí vốn, giao kế hoạch vốn đầu tư công; thực tiễn còn vướng do quy định cơ quan chuyên môn chỉ là các sở, ngành quản lý nhà nước, các Ban quản lý dự án thuộc UBND tỉnh không phải là cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh.

Về chính sách thúc đẩy thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ODA, theo đại biểu nội dung này trong dự thảo Luật nên có một cơ chế đặc thù hoặc nên tách ra để Chính phủ ban hành một nghị định riêng quy định cụ thể sẽ phù hợp hơn.

Vì vốn ODA mang tính chất đặc thù, phải giải ngân theo hiệp định vay vốn, có thời hạn, vừa phải tuân thủ hiệp định, vừa phải đảm bảo đúng quy định của Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, nhưng hiện nay lại đang xử lý như một dự án đầu tư công thông thường và bố trí vốn như dự án đầu tư bình thường, dẫn đến tiến độ giải ngân rất chậm. Đề nghị cần có cơ chế đặc thù để xử lý các dự án vốn ODA, bố trí vốn theo các hiệp định vay vốn đã ký và có hiệu lực, điều chỉnh dễ dàng hơn.

Trong lần sửa đổi này, dự thảo Luật có quy định cho phép dùng ngân sách địa phương để hỗ trợ cho các công trình, dự án của cơ quan cấp trên thực hiện trên địa bàn tỉnh mình, đại biểu cho rằng quy định này là hợp lý, thể chế hóa cơ chế đặc thù đã và đang thí điểm ở một số tỉnh, thành phố.

Trên địa bàn tỉnh có những công trình, dự án thuộc các cơ quan Trung ương, ngành, lĩnh vực mà địa phương thấy cần thiết hỗ trợ cho họ xây dựng, phát triển thì trước đây không được dùng ngân sách địa phương chi cho các nội dung này. Đề nghị cho phép tỉnh được dùng ngân sách địa phương hỗ trợ đầu tư cho các công trình, dự án đóng trên địa bàn thuộc các ngành, lĩnh vực đang góp phần giúp cho địa phương phát triển kinh tế - xã hội như giáo dục – đào tạo.

 Vừa qua, Chính phủ có lấy ý kiến địa phương về vấn đề nguồn cải cách tiền lương các địa phương còn dư để đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm, liên vùng, công trình quan trọng quốc gia trên địa bàn thuộc ngân sách cấp trên. Đại biểu thống nhất nhưng đề nghị thêm là cho phép địa phương được ưu tiên sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư cho các công trình cấp bách, quan trọng, các công trình phòng, chống thiên tai.. ở địa phương.

Tin, ảnh: Ái Thi

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN