Nét son thời xế bóng

29/02/2016 - 07:28

Đình Châu Thới, xã Châu Hòa trong ngày khánh thành. Ảnh: H. Vũ

Vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước, cứ sáng sáng, bà con xã Châu Hòa (Giồng Trôm) thường thấy một ông già gần 70 tuổi, da ngăm ngăm đen, đi tới đi lui mãi trên con lộ trước miếng đất nhà ông. Mặc cho những cơn gió sớm se se lạnh, thậm chí có nhiều hôm trời lấm tấm mưa, ông vẫn ở trần trùi trụi, chắp tay sau lưng, trầm ngâm nhìn con lộ như toan tính một chuyện gì quan trọng. Đôi khi bà con lại thấy ông lui cui dẫy cỏ bên đường hoặc hì hục lặn hụp dưới rạch, móc từng cục đất đắp lại cái cống trước nhà…

Ông già ấy là ông Bảy - Nguyễn Tấn Ngôi.

Hồi đó, phong trào cầu lộ chưa được phát động xây dựng mạnh, Châu Hòa chưa có nhiều cầu xi-măng, chưa có lộ nhựa, lộ bê-tông như bây giờ.

Năm nào cũng vậy, hễ sau ít ngày mưa dầm, Hương lộ 173 từ Châu Hòa ra Lương Quới trông thật khiếp đảm! Những lằn xe gắn máy, xe đạp cắt mặt đường thành những con rãnh ngoằn ngoèo sâu hoắm, sền sệt bùn sình. Song song với những rãnh bùn sình ấy nhô lên những “con lươn” bóng láng như thoa mỡ. Tuy là chỗ cao ráo nhất trên mặt đường nhưng những con lươn khó tính này không cho ai dễ dàng đặt chân lên mình nó. Ai vô tình dẫm lên vài bước là phải trợt té ngay. Khách đi bộ đành phải dẫm sâu vào lề cỏ úa xèo hai bên đường. Họ bất chấp gai góc, miểng sành miểng chai. Cánh đàn ông đi xe gắn máy thì ngồi trên yên, cho xe rồ máy inh ỏi; hai chân họ nhớp nháp bùn sình, lúc nào cũng trong tư thế sẵn sàng chống đỡ và cố cho bánh xe lăn từng vòng để vượt qua đoạn đường hãi hùng này. Thế mà chiếc xe bất kham chốc chốc lại tạt vào lề, thậm chí lại quay ngược đầu. Mấy cô gái quần áo xinh xắn từ thị xã, thị trấn về, đứng nhìn con lộ lắc đầu than thở mãi. Cuối cùng họ cũng đành xăn quần, lột dép kẻ trước người sau ột ệt đẩy xe đi! Có cô luôn miệng nguyền rủa: “Gớm thật! Có ế chồng thì ế, chứ nhất định không về làm dâu xứ Châu Hòa này đâu!”. Chỉ tội cho đám học sinh nhỏ và mấy bà gồng gánh! Họ luôn bặm chặt môi, mặt cúi gằm xuống đất, lầm lũi đếm từng bước một. Thỉnh thoảng có tiếng hét vì ai đó trợt té lấm lem…

Đã thế cũng không nói làm gì. Trên đoạn đường bốn năm cây số này lại đứt đoạn bởi năm sáu con rạch. Mỗi con rạch được bắc tạm bợ bằng mấy cây cầu dừa. Các kẽ hở được lèn đất sụp tới sụp lui, trống huơ trống hoác.

Trên con đường này, đoạn đường gần chợ Châu Thới, trước vạt đất và nhà của mấy anh chị em ông Bảy Nguyễn Tấn Ngôi là trầm trọng nhất. Khúc đường cặp sát mé rạch, dừa nước mọc sầm uất, nắng chưa ráo sình đã phải tắm mưa. Ngày nào nhìn những cảnh diễn ra trước mắt mình, nhất là thấy cái cảnh học sinh té cầu run lẩy bẩy, tập vở ướt nhem, ông Bảy cũng chắc lưỡi chắc môi.

Nhân một ngày giỗ năm 1992, có đông đảo bạn bè thân thuộc, ông Bảy tâm sự: “Tôi thấy cái cảnh để bà con mình, nhất là tụi nhỏ té cầu mãi, không chịu nổi. Nhà nước thì trăm công ngàn việc, kinh phí lại không có. Nay sẵn dịp này, tôi bàn với anh em mình, nhất là thằng Tư Ri Bí thư Chi bộ ấp Thới Hòa và thằng Tư Quan thợ hồ, vận động bà con trong ấp hùn tiền rồi tụi mình bỏ công ra xây lại cây cầu Thới Hòa trước cửa ông Ba Ca, ông Năm Cửng. Xóm nào phải tự lo xóm đó là chủ yếu, không thể ngồi trông chờ mãi”. Thế là ông bí thư chi bộ ấp và cả chục ông già đều đồng ý liền. Ông Bảy được cử làm trưởng ban. Chú Tư Ri lập tổ vận động tiền bà con. Chú Tư Quan lo phần kỹ thuật xây dựng…

Thật là cảm động và cũng không hiểu sao lực lượng tham gia làm cầu khi ấy chỉ toàn là những ông già trên dưới 70. Có ông vận quần áo bà ba, tóc búi xi nhông, râu dài thòng như ông Năm Cửng, ông Hai Phục, ông Tư Khích và chú Tư Quan. Trẻ nhất có lẽ là chú Tư Măn thư ký công trình và chú Tư Quan thợ hồ. Nói là trẻ nhưng cũng đã ngoài 50. Ngoài ra còn có các ông Ba Ca, Ba Tâm, Mười Lưỡng và một số ông già khác cùng góp công, góp sức. 

Liên tiếp gần một tháng trời, ngày nào người ta cũng thấy mấy ông già bẻ sắt, đóng cọc, trộn hồ… Hễ hết buổi làm, các ông già về nhà ăn cơm, không phải xuất “công quỹ” một đồng nào về khoản cơm nước, rượu thịt. Cuối cùng, năm ấy, mấy ông già đã hoàn thành được cây cầu xi-măng dài 10m, rộng 3m, xe 5 tấn qua lại ngon lành mà chi phí lại rất ít và tồn tại hàng chục năm liền cho đến ngày lộ được tráng nhựa. Thắng thế xông lên! Năm sau đó, mấy ông lại tiếp tục vận động xây thêm cây cầu Đình bắc ngang con rạch chính chạy dọc xã Châu Hòa. Lần này quy mô lớn hơn, con rạch rộng hơn, nước chảy xiết hơn. Bù lại, số người tham gia cũng nhiều hơn. Chính cây cầu Đình đã nối được 2 xóm biệt lập trong ấp. Trước đó, bà con muốn qua lại con rạch này phải lắc lư trên mấy nhịp cầu tre, cầu dừa hoặc phải quá giang ghe rất gian nan.

Có thể nói ông Bảy Nguyễn Tấn Ngôi và những ông già nêu trên là những người đi đầu phong trào làm cầu lộ kiên cố ở xã Châu Hòa. Từ đó, cộng với sự phát động của chính quyền, nhiều ấp đã rầm rộ dấy lên phong trào “đá đỏ hóa”, “bê-tông hóa” những con hẻm và những cây cầu trong xóm ấp liền lạc như bây giờ.

Năm ấy, trong ngày khánh thành cầu Đình, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện đã đánh giá rất cao công sức của những ông già này: “Các ông không những đã đóng góp thiết thực cho quê hương mà còn là tấm gương tiêu biểu cho phong trào Nhà nước và nhân dân cùng làm. Xã Châu Hòa thật không hổ với truyền thống chiếc nôi Đồng khởi đợt 2 của tỉnh Bến Tre”.

Một chuyện nữa. Những năm trước, ai có về xã Châu Hòa, xuống gần chợ Châu Thới, sẽ thấy ngôi đình khá khang trang tương xứng với ngôi thánh thất Cao Đài bên cạnh. Những công trình ấy do bà con trong xã đóng góp là chủ yếu. Có người nói đùa rằng đình đó là của… ông Bảy! Đùa thế cũng đúng thôi. Bởi vì người đứng ra vận động cất đình là ông Bảy. Người bỏ nhiều công, nhiều của nhất cũng là ông Bảy. Nghe nói năm đó (năm 2001) ông Bảy Nguyễn Tấn Ngôi “bao đuôi” đâu gần ba bốn chục triệu đồng vì vận động thiếu tiền. Đó là nghe bà con trong Ban tái thiết đình nói lại chứ ông Bảy có nói với ai điều ấy bao giờ. Tính ông rất trầm lặng, ít nói, ít kể công…

Chuyện làm đình thời bấy giờ mới thật gian nan! Vận động hơn 200 triệu thời ấy không phải là chuyện dễ. Mà khó nhất lại là chuyện xin giấy phép cất đình. Ông Bảy và Ban tái thiết đình Châu Thới đã chạy đôn chạy đáo xin giấy phép nhiều nơi. Đảng ủy và UBND xã Châu Hòa phải họp tới họp lui; không ai dám cho phép mà chỉ chứng đơn chuyển về huyện, về tỉnh xin ý kiến. Ngôi đình Châu Thới đã được hoàn thành vào những ngày đầu thế kỷ XXI. Từ đó, ngôi đình đã làm tăng thêm nét văn hóa cho xã nhà. Chính nơi đây là điểm tổ chức lễ lộc, hội họp, sinh hoạt của bà con trong ấp, trong xã. Ông Bảy và những ông già trên lại thường xuyên túc trực ở đình. Những lần lễ lộc, những lần bầu cử, những lần tiếp xúc cử tri… người ta lại thấy mấy ông già lọm khọm, lăng xăng tham gia các ban tiếp tân, các tổ bầu cử…

Xong cầu lộ và ngôi đình làng, ông Bảy và một số ông già kể trên lại lao vào công tác khuyến học. Ông Bảy làm Phó Chủ tịch Hội Khuyến học xã. Cũng nhờ thời gian tham gia hội khuyến học cùng ông Bảy, tôi mới hiểu và kính trọng ông hơn. Ông đã đóng góp khá nhiều cho hội. Ông Bảy thường bảo: “Mình là tre sắp tàn thì phải chăm sóc măng non. Cần phải khuyến học, khuyến tài để lớp trẻ phấn đấu học tập đến nơi đến chốn, mai sau tiếp tục giúp đời. Tuổi già lấy công tác xã hội và từ thiện ngoắc ngoải làm vui chứ công lao nào có to tát gì”.

Rồi 15 năm trôi qua, ngôi đình càng ngày càng xuống cấp. Ông Bảy ao ước làm sao có được một ngôi đình mới bề thế hơn để tương xứng với những công trình khác trong xã đang trên đường xây dựng nông thôn mới. Hiểu được tấm lòng của cha già và ước vọng của bà con trong xã, con gái ông Bảy - bà Nguyễn Thị Kim Ngân - Phó Chủ tịch Quốc hội đã vận động Công ty cổ phần Him Lam, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam tài trợ xây dựng lại ngôi đình và nhiều công trình khác thật khang trang, vừa khánh thành trong dịp đón Xuân Bính Thân 2016. Đây là niềm vui lớn không những của ông Bảy trong những ngày cuối đời mà còn là niềm vui khôn tả của nhân dân xã Châu Hòa.

Ông Bảy Nguyễn Tấn Ngôi vừa vĩnh viễn ra đi (25-2-2016), nhưng tôi tin rằng những việc của ông đã làm sẽ mãi mãi còn lại trong lòng bà con xã Châu Hòa. Bây giờ, nhớ lại câu nói của ông Bảy: “Tuổi già lấy công tác xã hội và từ thiện ngoắc ngoải làm vui chứ công lao nào có to tát gì”, tôi thật cảm động và thán phục. Chuyện mà ông bảo là không lớn nhưng thật ra rất lớn trong xã hội bây giờ. Đành rằng kinh tế gia đình ông Bảy và một ít ông già kể trên tương đối khá giả mới làm được những việc nêu trên như một số người thường bảo, tuy nhiên chủ yếu vẫn là ở tấm lòng!

Thì ra trong bầu trời này, so sánh cũng không quá đáng, có những người như vì sao mai, dù sắp tắt khi trời rạng sáng, cũng cố lóe lên rạng rỡ một góc trời. Họ đã đem tấm lòng bác ái, yêu đời, yêu người làm những nét son tô đẹp tuổi hoàng hôn, tô thắm thời xế bóng…

Bút ký Nguyễn An Cư

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN