Ảnh chụp màn hình tài khoản Instagram của “Forward Observation Group”. Ảnh: RT
Theo đài RT ngày 20-8, nhà ngoại giao này đã nhận được một công hàm ngoại giao nói về vấn đề một công ty quân sự tư nhân Mỹ liên quan tới cuộc tấn công tỉnh Kursk mà Ukraine phát động. Ngoài ra, công hàm cũng nhắc tới việc các phóng viên Mỹ đã có hành động khiêu khích sau khi xâm nhập trái phép lãnh thổ Nga để đưa tin về cuộc tấn công xuyên biên giới.
Động thái triệu Đại biện lâm thời Mỹ diễn ra sau khi công ty quân sự tư nhân có tên “Forward Observation Group” đã đăng một bức ảnh trên Instagram. Bức ảnh chụp các thành viên của công ty này mặc quân phục và cầm vũ khí, nói rằng họ đang tham gia vào cuộc tấn công của Ukraine vào khu vực biên giới Nga. Trong bức ảnh, ba binh sĩ đang đeo băng tay màu xanh dương, thường được binh sĩ Ukraine sử dụng trên chiến trường.
Theo một thông cáo báo chí được đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao Nga ngày 20-8, bằng chứng này mâu thuẫn với tuyên bố của chính quyền Tổng thống Joe Biden rằng Mỹ không liên quan đến các cuộc tấn công Kursk mà Ukraine thực hiện.
Bộ Ngoại giao Nga cáo buộc thêm rằng những hành động này rõ ràng thể hiện vai trò của Mỹ là bên tham gia trực tiếp vào xung đột.
Ngoài ra, Nga cũng phản đối các nhà báo Mỹ hiện diện trên lãnh thổ Nga khi họ đưa tin về cuộc tấn công xuyên biên giới của Ukraine. Nga cáo buộc họ xâm nhập trái phép vào khu vực Kursk để tuyên truyền cho Ukraine.
Theo Bộ Ngoại giao Nga, các công dân Mỹ liên quan đến các hành vi này sẽ bị các cơ quan có thẩm quyền điều tra theo Bộ luật Hình sự của Liên bang Nga để đảm bảo họ phải chịu trách nhiệm. Bộ Ngoại giao Nga cảnh báo Đại biện lâm thời Mỹ: “Bất kỳ ‘chuyên gia’ hay lính đánh thuê nước ngoài nào xâm nhập trái phép biên giới Nga sẽ tự động bị coi là mục tiêu quân sự hợp pháp của Lực lượng Vũ trang Liên bang Nga”.
Ngày 21-8, Cơ quan Tình báo Đối ngoại Liên bang Nga (SVR) cáo buộc ba quốc gia thành viên NATO là Mỹ, Ba Lan và Anh đã giúp Ukraine lên kế hoạch thực hiện cuộc tấn công Vùng Kursk của Nga.
Hiện Mỹ chưa bình luận gì về các cáo buộc của Nga.
Trước đó, ngày 16-8, Bộ Ngoại giao Nga cũng triệu Đại sứ Italy Cecilia Piccioni để phản đối hai phóng viên nước này xâm nhập Nga trái phép để đưa tin từ Kursk. Nga đã chỉ trích các phóng viên Italy vi phạm nghiêm trọng luật pháp Nga và các quy tắc cơ bản trong đạo đức báo chí.
Theo Bộ Ngoại giao Italy, Đại sứ Piccioni đã giải thích rằng các phóng viên đó lên kế hoạch hoạt động hoàn toàn độc lập.
Cuộc xâm nhập lớn nhất của Ukraine vào lãnh thổ Nga bắt đầu vào ngày 6-8, khi binh lính Ukraine tấn công các đồn biên phòng và sau đó tràn vào nhiều ngôi làng. Ngày 18-8, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố nước này có ý định thiết lập một vùng đệm trên đất Nga. Ngày 20/8, Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine, Tướng Oleksandr Syrskyi cho hay quân đội nước này đã tiến sâu 28-35 km vào tỉnh Kursk.
Sau cuộc tấn công, Nga đã bố trí sơ tán dân thường khỏi các khu vực bị ảnh hưởng và triển khai lực lượng bổ sung để đẩy lùi binh sĩ Ukraine.
Theo đài Sputnik, Chỉ huy lực lượng đặc biệt Akhmat của Nga, ông Apti Alaudinov tuyên bố nỗ lực tiến quân của lực lượng Ukraine đã bị chặn lại trên toàn bộ khu vực Kursk khi các nguồn lực chính của họ bị phá hủy và quân đội Nga đang nỗ lực đẩy lùi lực lượng Ukraine khỏi các khu dân cư.
Nguồn: TTXVN