Ngăn chặn và đẩy lùi “tín dụng đen”

09/01/2019 - 08:34

BDK - Trong thời gian gần đây, tình hình “tín dụng đen” (TDĐ) diễn biến phức tạp, đặc biệt tại các tỉnh khu vực phía Nam và Tây Nguyên, trong đó có địa bàn tỉnh, gây hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt, ảnh hưởng xấu đến đời sống kinh tế - xã hội, gây mất an ninh trật tự, bức xúc trong xã hội, trở thành vấn nạn cần phải ngăn chặn, đẩy lùi.

Khách hàng đến giao dịch tại quầy ngân hàng. Ảnh: H. Ngon

Khách hàng đến giao dịch tại quầy ngân hàng. Ảnh: H. Ngon

 

Chung tay đẩy lùi TDĐ

TDĐ được dùng để chỉ các hoạt động cho vay dân sự giữa các cá nhân, tổ chức không qua hệ thống tín dụng chính thức. Đặc trưng cơ bản nhất của TDĐ là cho vay với mức lãi suất cao và bị pháp luật nghiêm cấm. Điều kiện vay của TDĐ dễ dàng nhưng lãi suất rất cao đã dẫn đến nhiều gia đình sập bẫy TDĐ.

TDĐ có đất sống xuất phát từ nhu cầu về vốn của cá nhân và tổ chức trong nền kinh tế. Có “cầu” thì có “cung”. “Cầu” ở đây từ nhiều nhóm khách như: nhóm khách hàng làm ăn chính đáng, họ thiếu vốn tạm thời nhưng ngại phải tiếp xúc kênh tín dụng chính thống do thủ tục vay vốn phức tạp, thời gian xử lý lâu, nên tìm đến TDĐ có thủ tục cho vay đơn giản, thời gian xử lý cho vay rất nhanh. Một bộ phận khách hàng khác đang có nợ đến hạn tại các kênh tín dụng truyền thống nhưng chưa có nguồn trả nợ; họ tìm đến TDĐ để vay tạm đáo nợ ngân hàng. Nhóm người có thu nhập thấp, không đủ điều kiện vay vốn tín dụng chính thức. Nhóm người vay vốn với mục đích không hợp pháp như buôn lậu, rửa tiền, cờ bạc, cá độ… Nhóm người dân ốm đau, bệnh tật cần tiền đột xuất khó tiếp cận vốn vay chính thức trong thời gian nhanh nhất.

TDĐ chỉ được dần đẩy lùi khỏi đời sống xã hội khi mà nhu cầu vốn của các nhóm trên được giải quyết. Đồng thời, xã hội cần loại trừ được các hành vi kinh doanh phi pháp. Khi xã hội còn tồn tại hành vi kinh doanh phi pháp như buôn lậu, gian lận thương mại, rửa tiền, cờ bạc, cá độ… thì vẫn còn TDĐ vì tín dụng chính thống không thể cấp vốn cho những hoạt động này. Bên cạnh đó, phải nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác của người dân, tránh sập bẫy TDĐ. Tăng cường các biện pháp xử lý nghiêm hoạt động TDĐ.

Để ngăn chặn, đẩy lùi nạn TDĐ như hiện nay, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị tỉnh nhà và sự hưởng ứng, cảnh giác của nhân dân trong tỉnh. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các cấp, các đoàn thể tập trung, quyết liệt và đồng bộ trong thực hiện các giải pháp. Đó là làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền về hậu quả của việc tham gia hoạt động cho vay nặng lãi, cũng như các biểu hiện, hành vi, thủ đoạn của hoạt động TDĐ, vận động nhân dân cảnh giác, tránh sập bẫy, tố giác các tổ chức, cá nhân có hoạt động TDĐ để cơ quan chức năng xử lý. Tăng cường các biện pháp đủ mạnh để nhận diện và xử lý nghiêm hoạt động TDĐ. Tăng khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh. Kiểm soát tốt hoạt động cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính, xử lý nghiêm những cán bộ tín dụng tiếp tay cho TDĐ.

Nhóm giải pháp của ngành ngân hàng

Để cùng tham gia đẩy lùi nạn TDĐ, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh chỉ đạo các tổ chức tín dụng (CTTD) trên địa bàn triển khai quyết liệt 11 nhóm giải pháp chủ yếu theo ý kiến chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong hội nghị trực tuyến ngày 26-12-2018. Trong đó, tổ chức triển khai mạnh mẽ các quy định mới của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn để người dân nhanh chóng được hưởng những chính sách ưu đãi mới vừa được sửa đổi, bổ sung trong năm 2018.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động tín dụng, ngân hàng, cải tiến quy trình, thủ tục cho vay, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay. Đa dạng hóa các loại sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng, các gói tín dụng hỗ trợ phù hợp với từng phân khúc, đối tượng khách hàng.

Mở rộng mạng lưới hoạt động của các TCTD ở địa bàn nông thôn để tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của người dân. Dành nguồn vốn cần thiết để phát triển các gói sản phẩm cho vay tiêu dùng phục vụ nhu cầu nâng cao đời sống chính đáng của người dân; xem xét gia hạn nợ, giãn nợ, điều chỉnh kỳ hạn cho vay khi người dân gặp khó khăn do các nguyên nhân chính đáng chưa thể trả được nợ đúng hạn, giúp người dân tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, không phải đi vay nặng lãi từ các đối tượng cho vay TDĐ.

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tranh thủ nguồn vốn từ hội sở để triển khai thêm gói tín dụng cho vay tín chấp để phục vụ các nhu cầu vốn cấp bách của người dân, hộ gia đình khu vực nông nghiệp, nông thôn với hạn mức mỗi món vay khoảng 30 triệu đồng, thời gian xét duyệt và giải ngân ngay trong ngày. Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện tốt chương trình cho vay tiêu dùng phục vụ đời sống đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Tăng cường quản lý hoạt động cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính theo hướng minh bạch với mức lãi suất phù hợp với mức sống của đại bộ phận người dân và không để các tổ chức này có các hành vi vi phạm, lợi dụng hoạt động của mình tiếp tay cho các đối tượng, tổ chức xã hội đen, cho vay nặng lãi, đi ngược lại với chủ trương của Đảng, Nhà nước và quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân.

Tăng cường quản lý và tạo điều kiện cho hoạt động của các tổ chức tài chính vi mô, bảo đảm hoạt động an toàn, hiệu quả, góp phần đáp ứng ngày càng đầy đủ, kịp thời hơn nhu cầu vay vốn tiêu dùng phục vụ đời sống của người dân trên địa bàn tỉnh.

Phối hợp với Công an tỉnh và chính quyền địa phương các cấp đấu tranh, ngăn chặn vấn nạn TDĐ và tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của các TCTD, nhất là các công ty tài chính để kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có liên quan có hành vi cấu kết, tiếp tay, thông đồng với các đối tượng, tổ chức xã hội đen cho vay nặng lãi.

Phối hợp với chính quyền cấp xã, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể để tuyên truyền, vận động các tổ chức này tham gia làm đại lý, dịch vụ cho vay vốn, đặc biệt là ở những địa bàn các TCTD chưa có điều kiện mở chi nhánh, phòng giao dịch để phối hợp với các TCTD hướng dẫn người dân vay vốn và sử dụng vốn phục vụ đời sống, kể cả những nhu cầu đột xuất, cấp bách…

Thúy Hằng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN