
Hướng dẫn thanh toán không dùng tiền mặt tại các trung tâm thương mại trên địa bàn TP. Bến Tre.
Thanh toán không dùng tiền mặt
Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh Bùi Thị Thúy Hằng cho biết: Thời gian qua, thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tiếp tục phát triển mạnh mẽ, tăng 31% về số lượng và 43% về giá trị so với năm 2022 nhờ các giải pháp thiết thực, hiệu quả. Trong đó, giải pháp xây dựng mô hình “Tuyến phố không tiền mặt”, một trong những giải pháp đột phá được triển khai một cách đồng bộ, với sự phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức tín dụng, chính quyền địa phương cùng các đoàn thể chính trị - xã hội. Hiện mô hình thí điểm TTKDTM đã hoàn thành tại TP. Bến Tre làm cơ sở để nhân rộng tại các địa phương còn lại trong tỉnh.
Các tổ chức tín dụng đã phối hợp với NHNN tỉnh và chính quyền địa phương thực hiện truyền thông về chủ trương, chính sách, chương trình tín dụng ưu đãi, các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, lợi ích của việc sử dụng các phương thức TTKDTM, những cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo mới và các biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa đối với các tội phạm công nghệ cao. Tích cực tư vấn, tiếp thị, hướng dẫn, thuyết phục khách hàng sử dụng dịch vụ. Qua đó, hỗ trợ người dân trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết và tránh được những tổn thất.
Ngành ngân hàng đã tích cực mở rộng mạng lưới, phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ TTKDTM trên nền tảng công nghệ hiện đại gắn với bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật trong thanh toán với nhiều chương trình khuyến mãi, ưu đãi về phí dịch vụ. Phối hợp với các đơn vị cung ứng dịch vụ triển khai thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công; cơ sở hạ tầng kỹ thuật hệ thống thông tin, kết nối dữ liệu ngày càng hoàn thiện, các giải pháp hỗ trợ giao dịch điện tử tích hợp thanh toán trong thương mại và dịch vụ công, các tiện ích thanh toán trên nền tảng di động.
Đường đại lộ Đồng Khởi và một phần đường Nguyễn Đình Chiểu với hơn 85% cơ sở kinh doanh trên tuyến phố chấp nhận các phương thức TTKDTM. Toàn tỉnh hiện có 5 chi nhánh ngân hàng thương mại nhà nước, 14 ngân hàng thương mại cổ phần (1 chi nhánh ngân hàng thương mại cổ phần được thành lập mới và đi vào hoạt động từ tháng 10-2023), Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Tổ chức Tài chính vi mô (CEP), 8 quỹ tín dụng nhân dân, 70 phòng giao dịch, 159 ATM, 897 POS điện tử, mã QR, ATM, POS... được ứng dụng mạnh mẽ.
Đến cuối năm 2023, trên địa bàn tỉnh có hơn 1 triệu tài khoản được mở. Trong đó, có 16% tài khoản được mở bằng phương thức điện tử, 29.900 điểm chấp nhận TTKDTM (tăng 236% so với đầu năm). Các sản phẩm tài chính, dịch vụ ngân hàng ngày càng đa dạng, phục vụ tốt cho nhu cầu cho các cá nhân, tổ chức. Qua đó, TTKDTM đã có nhiều chuyển biến tích cực. Bình quân mỗi năm tăng 31%/năm về số lượng và tăng 43%/năm về giá trị giao dịch. Trong đó, giao dịch qua kênh điện thoại di động tăng bình quân 31%/năm về số lượng và tăng 54%/năm về giá trị; giao dịch qua kênh Internet tăng bình quân 54%/năm về số lượng và tăng 34%/năm về giá trị...
Thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công cũng đạt kết quả tích cực như 100% cơ sở giáo dục, khám chữa bệnh công lập trên địa bàn thành phố chấp nhận thanh toán học phí, viện phí không dùng tiền mặt, thực hiện công khai tài khoản của đơn vị và có hướng dẫn cụ thể về thanh toán qua tài khoản, mã thanh toán QR, ứng dụng thanh toán trên điện thoại di động. 81,3% số người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp trên địa bàn tỉnh được chi trả thông qua các phương thức TTKDTM, trong đó, 49% số người hưởng lương hưu, 98% trợ cấp bảo hiểm xã hội, 97% trợ cấp thất nghiệp được chi trả qua tài khoản.
2024 là năm của chuyển đổi số ngành ngân hàng
Đó cũng là quyết tâm của NHNN Chi nhánh tỉnh cùng hệ thống các ngân hàng trên địa bàn tỉnh. Với Agribank, công tác phát triển hoạt động TTKDTM trong thời gian qua cũng được triển khai quyết liệt, phù hợp với thực tế tại địa phương như: đẩy mạnh phát hành thẻ, mở tài khoản cho khách hàng, tăng cường hệ thống máy gửi rút tiền, từng bước phát triển hệ thống ngân hàng số, góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí giao dịch, giảm áp lực giao dịch trực tiếp tại quầy, khơi tăng bền vững nguồn thu dịch vụ.

Hướng dẫn thanh toán không dùng tiền mặt tại các tuyến đường trung tâm TP. Bến Tre.
Phó giám đốc phụ trách Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Chi nhánh Bến Tre Phan Minh Châu cho biết, định hướng năm 2024, ngân hàng chú trọng phát triển các sản phẩm dịch vụ thông qua các kênh phân phối hiện đại như: Internet Banking, E-Mobile Banking, Ngân hàng số Agribank - Digital, máy gửi rút tiền tự động để gia tăng tiện ích phục vụ khách hàng, hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng thu dịch vụ theo định hướng của trụ sở chính. Doanh số thu dịch vụ năm 2024 tăng trưởng tối thiểu 5,0% so với năm 2023.
Theo Sacombank Chi nhánh Bến Tre, TTKDTM là một xu thế tất yếu không thể đảo ngược. Trong xu thế chung đó, Sacombank đã và đang đề ra các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển TTKDTM trong thanh toán hàng hóa và dịch vụ công. Khách hàng gần như đã có cả ngân hàng thu nhỏ trong tay chỉ với chiếc Smartphone được cài đặt ứng dụng ngân hàng và có thể vay tiêu dùng, chuyển tiền, gửi tiết kiệm, thanh toán, mua sắm trực tuyến, thanh toán các dịch vụ công như điện, nước, Internet... Khách hàng có thể chủ động giao dịch từ nguồn tiền thẻ thanh toán, thẻ tín dụng Sacombank Napas, quét QR trên ứng dụng Sacombank Pay của Sacombank... tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thanh toán, thương mại, du lịch giữa Việt Nam và các nước trong khu vực.
“Công tác chuyển đổi số, hiện đại hóa ngành ngân hàng trong thời gian qua cũng có nhiều mặt nổi trội, mô hình mới: “Tuyến phố không tiền mặt”, nhiều sản phẩm dịch vụ tiện ích được triển khai tạo tính lan tỏa, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. Hướng tới, ngành ngân hàng đẩy mạnh chuyển đổi số, hiện đại hóa hoạt động, phát triển TTKDTM. Trên cơ sở những mô hình đã có tại một số địa phương, tiếp tục phát huy hiệu quả, nâng cao tỷ lệ không dùng tiền mặt trong thanh toán, thúc đẩy TTKDTM trong chi trả an sinh xã hội, các dịch vụ công như thanh toán thuế, phí, lệ phí… để hướng tới xây dựng một xã hội hiện đại, không dùng tiền mặt gắn với an toàn, bảo mật, bảo vệ người sử dụng dịch vụ một cách có trách nhiệm”.
(Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Trúc Sơn)
|
Bài, ảnh: Cẩm Trúc