Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm

20/12/2023 - 05:32

BDK - Thực hiện Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp (DN) nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021 - 2030 (chương trình), năm 2023, tỉnh đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ DN nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, qua đó góp phần tháo gỡ những khó khăn cho DN trong giai đoạn hiện nay.

Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên cơ sở áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên cơ sở áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp

Trong năm, các ngành, các cấp đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo, thông tin, tuyên truyền, vận động DN tham gia chương trình, gắn với các chương trình khuyến công, xúc tiến thương mại, thương mại điện tử và chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh triển khai thực hiện nhiệm vụ của chương trình thông qua nhiệm vụ khoa học và công nghệ “Nghiên cứu đề xuất giải pháp cho DN nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa”, thời gian thực hiện từ năm 2023 - 2025. Hỗ trợ các DN, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên cơ sở áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng.

Bên cạnh đó, triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ hỗ trợ DN nghiên cứu, đổi mới, chuyển giao và ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số; các mô hình công cụ hỗ trợ cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh trong việc nâng cao năng suất, chất lượng phù hợp xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Qua đó, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa thúc đẩy phát triển kinh tế tỉnh nhà.

Cụ thể, tỉnh hỗ trợ, hướng dẫn 21 lượt cơ sở sản xuất, DN xây dựng tiêu chuẩn cơ sở, ghi nhãn hàng hóa và đăng ký mã số, mã vạch cho sản phẩm sáp dừa, nem chay, nước rửa chén, nước giặt…; hỗ trợ DN trồng dưa lưới xây dựng và chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP. Sản xuất nông nghiệp từng bước chuyển đổi, hình thành vùng nguyên liệu đáp ứng yêu cầu theo tiêu chuẩn hữu cơ, GAP, truy xuất nguồn gốc, góp phần phát triển thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp tỉnh. Hiện nay, diện tích sản xuất nông nghiệp đạt tiêu chuẩn GAP, tiêu chuẩn hữu cơ trên địa bàn tỉnh là 25.023ha, tăng khoảng 10% so với năm 2022, trong đó: dừa 18.081ha, cây ăn trái 667,36ha, thủy sản 6.275ha.

Công tác đào tạo nguồn nhân lực được quan tâm thực hiện. Tỉnh đã tổ chức 20 lớp tập huấn cho các DN về áp dụng sản xuất sạch hơn và an toàn thực phẩm, chuyển đổi số, thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ AI... nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của DN trong thời kỳ hội nhập.

Ðể tăng cường năng lực hoạt động tiêu chuẩn hóa và đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, tỉnh còn triển khai đề tài “Xây dựng Quy chuẩn địa phương sản phẩm thạch dừa Bến Tre - Yêu cầu về an toàn thực phẩm” nhằm tạo hành lang pháp lý cho sản phẩm chủ lực của tỉnh, giúp DN xác định chuẩn mực chất lượng sản phẩm sau khi quy chuẩn kỹ thuật địa phương được ban hành.

Nhiệm vụ năm 2024

Ðến nay, DN trên địa bàn tỉnh đã có những thay đổi nhận thức đáng kể trong việc nâng cao năng suất, chất lượng thông qua các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng các hệ thống quản lý, mô hình. Ðặc biệt là ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, làm chủ các công nghệ tiên tiến, năng lực quản lý dần dần được nâng cao, đảm bảo cho sự phát triển và hội nhập thị trường quốc tế.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam, năm 2024, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình theo Kế hoạch số 2932/KH-UBND ngày 28-5 2021 của UBND tỉnh thực hiện Chương trình quốc gia hỗ trợ DN nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 thông qua nhiệm vụ khoa học và công nghệ được phê duyệt.

Các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh tăng cường thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền và vận động DN tham gia chương trình. Ðào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đảm bảo đủ trình độ, năng lực trong công tác triển khai, hướng dẫn DN thực hiện chương trình. Kiểm tra, giám sát các DN được hỗ trợ áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, công cụ hỗ trợ cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh.

Tập trung năng lực hoạt động tiêu chuẩn hóa và đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chú trọng công tác xây dựng quy chuẩn kỹ thuật địa phương đối với các sản phẩm, hàng hóa chủ lực của tỉnh nhằm phục vụ trực tiếp cho hoạt động nâng cao năng suất, chất lượng, thiết lập nền tảng tiêu chuẩn hóa cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh.

Dự án “Ứng dụng các hệ thống quản lý sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm bưởi da xanh phục vụ xuất khẩu” được thực hiện từ năm 2022 đã hỗ trợ Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Trái cây Chánh Thu áp dụng hệ thống quản lý để nâng cao chất lượng sản phẩm bưởi da xanh, xây dựng vùng nguyên liệu đạt chứng nhận GlobalGAP… giúp DN đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu của thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ...

Bài, ảnh: Phương Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN