Định Thủy là một trong 3 xã Đồng khởi anh hùng
của huyện Mỏ Cày Nam, nằm cách trung tâm hành chính huyện 3km về hướng Đông.
Địa bàn xã tương đối rộng lớn, tổng diện tích đất tự nhiên là
1.437ha, xã có 11 ấp, 122 tổ nhân dân tự quản, 3.012 hộ. Đại bộ phận
người dân sống bằng nghề nông nghiệp, với diện tích đất canh tác
1.103ha, trong đó chủ lực là cây dừa và con heo. Định Thủy được công nhận
xã văn hóa năm 2005, đây là nền tảng vững chắc để Đảng bộ và nhân dân xây dựng
thành công nông thôn mới (NTM).
Khơi dậy
tinh thần Đồng khởi năm xưa
Là một trong 25 xã điểm của tỉnh, Đảng bộ
xã Định Thủy luôn ý thức được vai trò của việc xây dựng NTM đối với sự phát triển
của đất nước, từ đó đã cụ thể hóa các tiêu chí NTM vào Nghị quyết của Đảng ủy về
việc lãnh đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn
2011-2015. Được sự quan tâm, lãnh đạo của tỉnh, huyện, Đảng bộ xã Định Thủy đã
bám sát Nghị quyết của Đảng, chủ động lập kế hoạch thực hiện phù hợp trong từng
thời điểm, luôn kiểm tra, đôn đốc, hỗ trợ, đồng thời rút kinh nghiệm trong thực
tiễn để có hướng đi đúng đắn và đạt hiệu quả cao.
Trường mới vừa được đưa vào sử dụng.
Ngay từ
khi phát động phong trào xây dựng NTM, Ban chỉ đạo xã đã ý thức được vai trò
quan trọng của nhân dân, vì thế đã không ngừng chỉ đạo thực hiện tốt công
tác tuyên truyền, vận động toàn dân trong xã tham gia xây dựng NTM. Thực
hiện tốt công tác quy chế dân chủ, đảm bảo các công trình công cộng đều được
bàn bạc công khai và lấy ý kiến của nhân dân, có giám sát cộng đồng, tuân thủ
phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”. Bên cạnh
đó, Ban chỉ đạo, Ban quản lý xã cũng tích cực xây dựng và triển khai kế
hoạch phát động phong trào thi đua toàn dân tham gia xây dựng NTM, mỗi
đoàn thể cụ thể hóa bằng kế hoạch, hành động cụ thể, mỗi ấp cụ thể hóa bằng
công việc, công trình thiết thực, từ đó kích thích tinh thần tham gia sôi nổi
trong nhân dân. Đến nay, xã đã hoàn thành 19 tiêu chí và được tỉnh
công nhận xã đạt chuẩn NTM đầu tiên của huyện Mỏ Cày Nam.
Tập
trung đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, xây dựng NTM
Với hệ thống sông ngòi chằng chịt, dọc theo
2 bên các con đường là những kênh rạch, ao mương bao quanh, việc nâng
cấp hệ thống giao thông gặp rất nhiều khó khăn, nhất là về kinh phí.
Nếu như trước khi đề án xây dựng NTM được duyệt, hệ thống đường giao
thông xóm ấp bê-tông hóa chỉ rộng từ 1 - 1,5m, thậm chí đường trục
xã, liên xã chỉ đạt tối đa 2,5m thì ngày nay, đã có 3,4km đường liên
xóm ấp rộng 2m và trên 20km, đường từ xã đến ấp, liên ấp, trục xã,
liên xã rộng từ 3 - 3,5m.
Hệ thống kênh mương thông thoáng, người
dân chủ động nạo vét, khai thông dòng chảy hàng năm, đảm bảo việc
tưới tiêu, phục vụ sản xuất và nhu cầu dân sinh. Hệ thống điện được
phủ kín toàn xã, tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên đạt 99,24%.
Trường học được xây dựng đạt chuẩn
quốc gia, trang bị đầy đủ các thiết bị phục vụ dạy và học. Đời
sống tinh thần của nhân dân được nâng lên đáng kể. Trung tâm Văn hóa -
Thể thao xã được nâng cấp mới, trang thiết bị phục vụ hiện đại. 6
nhà văn hóa - khu thể thao ấp và 5 trụ sở ấp được nâng cấp, xây dựng
khang trang, đáp ứng nhu cầu giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể
thao, sinh hoạt, hội họp.
Đường bê-tông về ấp Định Thái.
Lãnh đạo chính quyền và nhân dân xã rất quan
tâm đến tiêu chí chợ nông thôn. Chợ Định Thủy được xây dựng năm 2011 với
diện tích 2.000m2, luôn hoạt động sôi nổi, trao đổi giao lưu hàng hóa
tấp nập. Xã phối hợp với Ban quản lý chợ từng bước xây dựng chợ văn hóa, văn
minh và chợ NTM đảm bảo hoạt động hiệu quả, mỹ quan và vệ sinh môi trường, tạo
khí thế, sức sống mới tại địa phương.
Hàng năm, xã tổ chức rà soát nhà tạm
để tranh thủ sự hỗ trợ của các ngành, các cấp và các mạnh thường
quân. Nếu như trong năm 2012, tỷ lệ nhà đạt chuẩn của Bộ Xây dựng chỉ
đạt 59,86% thì đến nay, đạt 82,08%, vượt chỉ tiêu của Bộ tiêu chí NTM.
Với phương châm lấy dân làm chủ thể, là nòng
cốt trong quá trình thực hiện, xã nhận thấy việc ổn định cuộc sống, nâng cao
thu nhập cho người dân là nhiệm vụ hàng đầu, góp phần thực hiện thành công các
tiêu chí còn lại. Xã tập trung phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện đề
án xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Trong đó, tập trung đầu
tư thế mạnh là cây dừa và con heo, kết hợp với trồng xen, nuôi xen. Tăng cường
công tác tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật nhằm hạn chế dịch bệnh, tăng
năng suất. Chủ động áp dụng nhiều hình thức sản xuất phù hợp, chuyển từ sản xuất
nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung thành các trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã.
Nhờ sự
nỗ lực không ngừng, kinh tế - xã hội Định Thủy phát triển, tỷ lệ hộ nghèo cuối
năm 2014 đạt vượt chỉ tiêu đề ra. Toàn xã còn 77 hộ nghèo, chiếm 2,57%, thu nhập
bình quân đầu người năm 2015 đạt 30,34 triệu đồng, tỷ lệ lao động có việc
làm thường xuyên đạt 99,61%.
Phát
triển văn hóa - xã hội gắn với bảo vệ môi trường, an ninh trật tự
Chất lượng đội ngũ giáo viên đạt
chuẩn, đảm bảo thực hiện tốt công tác chuyên môn, tỷ lệ học sinh tốt
nghiệp THCS năm học 2014-2015 đạt 100%; tỷ lệ thanh thiếu niên từ 15 - 18 tuổi
có bằng tốt nghiệp THCS bao gồm cả bổ túc đạt 95,3%; số học sinh tốt nghiệp
THCS được tiếp tục học trung học năm học 2015 đạt 96,52%. Cả 3 khung trường:
mẫu giáo, tiểu học và THCS đều đạt chuẩn quốc gia.
Trên nền tảng xã văn hóa năm 2005, để
duy trì kết quả đạt được và tiến tới xã văn hóa NTM, hàng năm, Ban chỉ
đạo xây dựng NTM và đời sống văn hóa đều xây dựng kế hoạch thực hiện nâng chất
toàn diện ấp văn hóa, xã văn hóa. Kết quả, 11 ấp đạt chuẩn ấp văn hóa và giữ
vững danh hiệu liên tục 5 năm liền. Bên cạnh đó, xã luôn thực hiện tốt
công tác đảm bảo an sinh xã hội và chăm lo cho các đối tượng chính sách, hỗ trợ
cho người nghèo...
Đến nay, môi trường xã đã có những
chuyển biến tích cực, tỷ lệ người dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,8%,
trong đó có 53% hộ sử dụng nước máy từ Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước
Bến Tre. Xã có 861 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, chăn nuôi, trong đó có
775 cơ sở chăn nuôi heo đều đảm bảo yêu cầu về môi trường, 41 cơ sở sơ chế
cơm dừa đang xây dựng hệ thống xử lý và thực hiện thủ tục bảo vệ môi trường
đúng theo quy định, 45 cơ sở sản xuất thạch dừa đã tạm ngừng hoạt động. Qua thời
gian triển khai quy định về bảo vệ môi trường, các cơ sở này đã thực hiện thủ tục
đăng ký cam kết bảo vệ môi trường và được cấp có thẩm quyền phê duyệt, thông
báo chấp nhận. Hộ có nhà tắm kín đáo, hố xí hợp vệ sinh là
2.973/3.012 hộ.
Hệ thống chính trị luôn được củng cố thường
xuyên và toàn diện, nâng cao năng lực, hiệu quả trong công tác quản lý từ xã
đến các ấp, công tác hòa giải ở cơ sở cũng được chú trọng, các vụ việc khiếu nại,
thắc mắc đều được giải quyết tốt; đội ngũ cán bộ, công chức được đào tạo đáp
ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ.
Tình hình an ninh chính trị xã hội của xã
luôn được giữ vững; lực lượng công an, quân sự luôn làm tốt vai trò, trách nhiệm
của mình. Bên cạnh đó, không ngừng phát huy vai trò của nhân dân trong
việc bảo vệ an ninh Tổ quốc, vận động xây dựng các mô hình về phòng, chống
tội phạm: xây dựng cổng rào nhân dân tự phòng, tự quản, treo bóng đèn đường,
Dân vận khéo. Nhờ vậy, người dân yên tâm sản xuất, kinh tế ngày một phát triển.
Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Rồi cho biết, sau
hơn 4 năm nỗ lực thực hiện, được sự quan tâm hỗ trợ từ các cấp, sự
giúp sức từ các mạnh thường quân, người con quê hương, đặc biệt là
sự đồng lòng cùng chung tay góp sức xây dựng của nhân dân Định Thủy,
đến nay, xã đã hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM
với tổng nguồn lực huy động để thực hiện đạt 203,564 tỷ đồng. Trong đó, ngân
sách Trung ương, tỉnh: 97,462 tỷ đồng, ngân sách huyện: 8,785 tỷ đồng, ngân
sách xã: 2,186 tỷ đồng, doanh nghiệp: 8,853 tỷ đồng, các nhà hảo tâm: 4,187 tỷ đồng,
nhân dân đóng góp: 82 tỷ đồng.
Trong thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và
nhân dân xã Định Thủy không ngừng củng cố, nâng chất các tiêu chí đã đạt,
hoàn thiện từng tiêu chí lên mức cao hơn. Đặc biệt, trong lĩnh vực phát
triển kinh tế - xã hội, xã sẽ tập trung lãnh đạo thực hiện Đề án Tái cơ
cấu ngành Nông nghiệp và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế có
hiệu quả gắn với việc bảo vệ môi trường.
Niềm vui hướng về ngày công nhận đạt chuẩn nông thôn mới
Mẹ Việt Nam anh hùng Đặng Thị Liễu Mẹ Việt Nam anh
hùng Đặng Thị Liễu, sinh năm 1932, ấp Thanh Phước: “Chiến tranh đã qua lâu rồi.
Người chồng và đứa con trai duy nhất của tôi đã hy sinh. Điều đó đã làm tôi hết
sức đau buồn nhưng tôi vẫn luôn tự hào và hãnh diện khi được sinh ra và lớn
lên trên quê hương Đồng khởi. Thật hạnh phúc khi những năm tháng cuối đời lại
được hưởng không khí ngày hội tựa như Đồng khởi năm xưa ở quê mình. Chỉ khác
chỗ ngày hội lần này là sự khẳng định về kinh tế - xã hội xã nhà đã vươn lên
một tầm cao mới”.
Ông Nguyễn Văn Quắn Ông Nguyễn Văn Quắn,
ấp Thanh Phước đã hiến 900m2 đất và 29 cây dừa để làm lộ: “Từ trước tới nay,
tôi cũng như nhiều bà con khác phải đi trên những con đường mòn cặp bờ ranh để
ra chợ. Tuy chỉ có 5 công đất nhưng tôi vẫn sẵn sàng hiến đất làm đường để mọi
người có điều kiện vận chuyển hàng hóa, đi lại tốt hơn. Tôi tin bằng cả tấm
lòng là nông thôn mới sẽ mang lại cuộc sống tốt hơn rất nhiều cho bà con nông
dân quê mình”.
Bà Lê Thị Ngọc Anh Bà Lê Thị Ngọc
Anh, sinh năm 1948, ấp Hòa Phú 1, đã hiến 1.300m2 đất và 29 cây dừa để làm lộ
và xây dựng trường học: “Dân cả xã ngày xưa dũng cảm đứng lên đồng loạt quyết
tử với giặc để giành lấy hòa bình. Hòa bình rồi phải xây dựng kinh tế - xã hội
để cuộc sống hòa bình ngày càng có ý nghĩa. Mình làm cho mình và con cháu
mình hưởng. Tôi muốn khẳng định rằng tôi hạnh phúc vì đã có cơ hội đóng góp
cho việc phát triển của quê hương”.
Phương Bình (ghi) |