Ngày mới trên vùng quê Thạnh Hải

31/08/2018 - 07:54

“Với các sự kiện, di tích lịch sử, tài liệu cần thiết để được công nhận Xã an toàn khu, Thạnh Hải (Thạnh Phú) hội đủ tất cả như: địa phương nhận Cờ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Huy hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng, Huân chương Lao động hạng Ba, bằng công nhận Di tích lịch sử Đầu cầu tiếp nhận vũ khí Bắc - Nam, bia Di tích lịch sử Đường Hồ Chí Minh trên biển và ngôi mộ 21 người. Bộ Nội vụ vừa mới kiểm tra các điều kiện để công nhận Thạnh Hải là xã an toàn khu” - Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã Lê Văn Tiến cho biết.

Phần chính của Công trình “Đài tưởng niệm” đang được xây dựng đúng tiến độ.

Phần chính của Công trình “Đài tưởng niệm” đang được xây dựng đúng tiến độ.

Mảnh đất anh hùng

Được tách ra từ xã Thạnh Phong theo Quyết định số 41 ngày 14-3-1984 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), Thạnh Hải có diện tích tự nhiên hơn 6.200ha, 8 ấp, dân số hiện có 2.321 hộ, 8.379 nhân khẩu. Địa phương tiếp giáp với Biển Đông, đời sống chính của bà con nơi đây chủ yếu là nuôi thủy sản và trồng hoa màu trên đất giồng cát.

Gặp lại chú Huỳnh Phước Hải (Sáu Hải), người tôi gặp cách đây hơn 12 năm kể cho nghe về những đoàn tàu không số, về kỷ niệm một lần được gặp Bác, những chuyến vượt biển gian khổ, những trận đánh cảm tử của đồng đội… Còn nhớ, hồi tôi gặp chú Sáu Hải, chú đen, người rắn chắc. Bây giờ cũng thế, 78 tuổi rồi mà chú vẫn còn khỏe mạnh.

Trong kháng chiến chống Pháp, Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh đã xếp Thạnh Hải vào hạng A trong số 10 xã của huyện về thành tích chiến đấu và có sự đóng góp sức người, sức của cho tiền tuyến. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Thạnh Hải càng anh hùng hơn. Những trận đánh đi vào lịch sử như Vàm Rỗng, Trảng Băng, Bến Mong, Khâu Băng, bẻ gãy chiến dịch “Phượng hoàng TG1”, chiến dịch “Sống thần 5”… đã làm cho ngụy quân, bọn biệt kích Mỹ khiếp sợ. Tôi nhớ về Nghĩa trang liệt sĩ Hồ Cỏ, nhớ Bến A101 (đầu cầu tiếp nhận vũ khí Bắc - Nam) mà chú Sáu Hải từng kể cho nghe. Từ năm 1962, Quân khu và Tỉnh ủy chọn Thạnh Hải là bến tiếp nhận vũ khí từ miền Bắc chuyển vào tiếp viện cho chiến trường miền Nam. Những người chỉ huy Bến đầu tiên mà chú Sáu Hải kể như Nguyễn Văn Bổn, Mai Văn Sang, Nguyễn Sơn, Trần Ngọc Kỉnh, Trần Văn Tường, Nguyễn Văn Hớn hay như Tư Được, Ba Hùng, Sáu Thành, Bảy Hiệp… là những người con ưu tú của quê hương tham gia từ ngày đầu mở Bến. 10 năm với 28 chuyến tàu vượt biển và được Bến A101 đón, tiếp nhận có trên 5.700 tấn vũ khí, đạn dược, cùng các lượt cán bộ cấp cao để góp sức cho chiến trường miền Nam đánh Mỹ, diệt ngụy. Đó là tất cả những gì mà chú Sáu Hải từng kể lại cho tôi. Chú là người đội viên trên những chuyến tàu không số - một người con địa phương.

“Trong giai đoạn 1945 - 1975, quân và dân Thạnh Hải đã đánh địch trên 200 trận; trong đó, có 100 trận đánh do du kích và công an địa phương độc lập tác chiến. Có trên 20 ngàn lượt đồng bào tham gia đấu tranh chính trị, dân công hỏa tuyến, tải đạn, tải thương, vận chuyển vũ khí, lương thực phục vụ chiến trường. Thạnh Hải có hơn 450 gia đình liệt sĩ, 200 thương bệnh binh, nhiều khu di tích, là địa bàn đứng chân của nhiều đơn vị chủ chốt của tỉnh, huyện. Điều đặc biệt là Thạnh Hải đã bí mật bảo vệ thành công Bến A101” - Bí thư Đảng ủy xã đồng thời là Chủ tịch UBND xã Lê Văn Tiến cho biết thêm.

Đổi thay từng ngày

“Đường về nhà chú bây giờ đi xe gắn máy tới rồi, chứ hồi chú mầy xuống thì phải bỏ xe ở đầu cồn. Trong năm nay hoặc năm tới nữa thì xe du lịch sẽ đến được nhà thôi” - chú Sáu Hải nói như khoe với tôi về sự đổi thay của Thạnh Hải.

Phó bí thư Thường trực Đảng ủy xã Nguyễn Tấn Phong cho biết, hiện nay, địa phương đã đạt 10 tiêu chí nông thôn mới; đến cuối năm 2018 phấn đấu đạt thêm 2 tiêu chí số 1 và số 2. Xã đã triển khai xây dựng 7 tuyến đường liên xóm, ấp và đường ra đồng như tuyến đường ấp Thạnh Lợi, tuyến đường Cây Trôm (ấp Thạnh An), tuyến đường cồn Lợi giữa (ấp Thạnh Thới B), tuyến đường Miễu cồn Rừng (ấp Thạnh Thới A), tuyến đường Trường THCS Thạnh Hải, tuyến đường HL92 đến đường A6, tuyến đường xóm Chùa (ấp Thạnh Hưng B). Riêng về công trình tuyến đường cầu Trắng và tuyến đường vào cầu Rạch Cẩm (cấp B - nguồn vốn xây dựng nông thôn mới) sẽ được khởi công vào đầu năm 2019, đây là tuyến đường hưởng ứng phát động của tỉnh về xây dựng giao thông nông thôn. Trong năm qua, bằng nhiều nguồn vốn, địa phương đã đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn trên 50 tỷ đồng.

“Về du lịch của địa phương trong những năm tới không chỉ có khu du lịch biển Cồn Bửng mà còn phát triển du lịch tâm linh, lịch sử như: Khu bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử Đường Hồ Chí Minh trên biển (dự án có tổng vốn đầu tư trên 1.500 tỷ đồng, tổng diện tích toàn khu hơn 630ha), lăng ông Nam Hải (cồn Bửng), Trường bổ túc công - nông đầu tiên của tỉnh (ấp Thạnh Thới Đông) đã và đang xây dựng, kết hợp với du lịch sinh thái rừng… sẽ góp phần đưa kinh tế của địa phương bật lên nhanh hơn. Hiện nay, bình quân mỗi năm, Thạnh Hải đón hơn 300 ngàn khách đến từ các tỉnh, thành trong cả nước” - Bí thư Đảng ủy xã Lê Văn Tiến cho hay.

Rời Thạnh Hải, đi trên con đường cồn Rừng thoáng và rộng, mới toanh, nhìn những cây cầu nối liền ba xã vùng kháng chiến này (Thạnh Hải - An Điền - Mỹ An), tôi nhớ hồi còn đi Chiến dịch Mùa hè xanh của những năm 2000, đường về ba xã này còn khó lắm. “Sự đổi thay của vùng quê giờ thật rõ rệt, sau hơn mười năm, nhà cửa mọc lên san sát, đường sá thông thoáng cho xe tải hàng hóa, xe ô tô lưu thông. Tôi tin rằng, vùng đất này sẽ còn đổi thay nhiều hơn nữa. Có thêm con đường này thì chắc chắn đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của bà con nơi đây cũng sẽ phát triển nhanh hơn” - một đồng nghiệp của tôi nhận xét.

Bài, ảnh: Thành Lập

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN