Nghề đóng đáy trên sông Ba Lai

12/09/2018 - 08:40

Một khẩu đáy trên sông Ba Lai.

Một khẩu đáy trên sông Ba Lai. 

Đóng đáy nơi cửa sông

Ở những cửa sông đổ ra biển, nguồn tài nguyên thủy sản rất dồi dào, đây là điều kiện thuận lợi để hình thành và phát triển nghề đóng đáy. Trước kia, ở ven các cửa sông còn có hẳn những làng chuyên nghề đóng đáy. Xuôi dòng Ba Lai đoạn chảy qua xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri hiện nay vẫn còn một số hộ duy trì nghề đóng đáy. Số lượng khẩu đáy không còn nhiều là do vào năm 2002, công trình thủy lợi cống đập Ba Lai hoàn thành, dòng chảy bị ngăn dẫn đến hiện tượng bồi lắng ở cửa sông, lượng thủy hải sản giảm sút nên nhiều người bỏ nghề.

Theo ông Lê Văn Cẩu, ngư dân ấp Thạnh Hải, xã Bảo Thạnh, lúc cực thịnh, có hơn 40 khẩu đáy, giăng kín mặt sông, kéo dài ra tới biển. Những khi vào mùa mưa, thời điểm vô vụ, nguồn thủy sản dồi dào, mỗi lần gỡ đáy nặng trĩu, khoang ghe luôn đầy ắp cá tôm. Khi đó, nhiều người còn cất chòi trên các cọc để canh đáy và sống cùng con nước.

Để làm một khẩu đáy, cần phải tìm kiếm nguyên vật liệu, đặt người đan lưới. Bước đầu tiên dùng cây dừa lão đóng thẳng xuống lòng sông, gọi là nọc đáy; nếu chỗ sâu đóng từ 15 - 16m, còn chỗ cạn là 12m. Khoảng cách giữa hai nọc đáy là 10m, được neo chặt bởi các dây chằng. Miệng đáy được bện bằng dây nylon, có hình chữ V, dài khoảng 40m; mỗi bên có khoan 3 lỗ tròn gọi là điêu đáy. Phía cuối miệng đáy được buộc chặt bằng dây khi đặt và tháo dây khi đổ cá tôm ra khỏi miệng đáy. Tiếp theo người ta dùng cây mù u hoặc bạch đàn làm cây rượng, buộc giữa hai nọc đáy, vừa sát mặt nước lúc thủy triều cao nhất. Cây rượng dùng để di chuyển khi đặt đáy và tháo đáy, phía trên cũng buộc 1 thanh cây dùng để làm tay vịn khi di chuyển gọi là rượng trên.

Khi đặt đáy dùng dây nylon xuyên qua điêu đáy, vòng qua nọc đáy buộc chặt vào 2 đầu của cây nài bằng gỗ có hình chữ V. Sau đó, dùng cây sào đẩy đáy xuống lòng sông, miệng đáy được buộc chặt vào nọc đáy thông qua 3 cái điêu và nài mỗi bên. Thời điểm để đặt đáy là thủy triều chuẩn bị xuống (gọi là nước ròng), để đón những luồng cá tôm ra biển. Khi con nước chuẩn bị lên (nước lớn), bắt đầu tháo đáy thu hoạch, sau đó cuốn đáy đem lên ghe cất và chờ con nước sau để đặt tiếp.

Đời sống văn hóa gắn với nghề

Nghề đóng đáy mỗi tháng chỉ tập trung làm theo hai con nước rằm (13 - 15 âm lịch) và con nước 30 (28 - 29 âm lịch). Những ngày còn lại vẫn có thể đóng đáy nhưng không thu hoạch được nhiều. Những người mưu sinh trên sông nước nói chung và ngư dân làm nghề đóng đáy luôn đối mặt với hiểm nguy, tai nạn và rất vất vả, được gọi là hạ bạc, được xếp vào “tứ nghệ khổ” (ngư, tiều, canh, mục). Nói cách khác, ngư dân là những người bạc phận nhất, cực chẳng đã mới đi làm cái nghề “đâm hà bá”. Chính vì thế, họ phải tự tìm cho mình sự che chở của một thế lực siêu hình, đầy quyền năng để làm chỗ dựa tâm linh.

Từ đó, tín ngưỡng thờ Bà Cậu ra đời và được bảo lưu cho đến ngày nay và những người mưu sinh trên sông nước còn tự nhận là mình làm nghề Bà Cậu. Mỗi tháng, ngư dân thường cúng Bà Cậu vào hai ngày 16 và 29 âm lịch để cầu may mắn, sức khỏe. Bên cạnh tín ngưỡng thờ Bà Cậu, những ngư dân đóng đáy còn có tục thờ Cá Ông. Hiện nay, lăng Ông Nam Hải tọa lạc ấp Thạnh Hải, xã Bảo Thạnh. Hàng năm, lễ Nghinh Ông diễn ra vào ngày 16 và 17 tháng 4 âm lịch.

Sông nước mênh mông, những đợt thủy triều cứ đều đặn lên xuống và đem đến cho ngư dân niềm hy vọng. Song, bây giờ đã không còn nhiều người gắn bó với nghề đóng đáy và nghề này mai một theo quy luật tự nhiên. Mặc dù là một hoạt động kinh tế nhưng những ngư dân đã tạo cho mình một đời sống văn hóa phong phú, gắn liền với các tín ngưỡng dân gian. Đó sẽ là những di sản văn hóa phi vật thể cần được tìm hiểu và lưu giữ trong tương lai.           

Bài, ảnh: Bùi Hữu Nghĩa

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích