 |
Tiết mục Vè Cái chợ được các bạn trẻ thể hiện dí dỏm và vui tươi, thu hút người xem. |
Dân ca trong đời sống tinh thần người Việt có một chỗ đứng hết sức thiêng liêng, những giá trị của dân ca còn được cả thế giới công nhận là sản phẩm văn hóa phi vật thể, như: ca trù, dân ca quan họ Bắc Ninh… Thế nhưng, liệu sức sống của dân ca có bị “bóp nghẹt” khi giới trẻ ngày nay say mê pop, jazz, rock?
Dân ca hả? Nghe dân ca buồn lắm, tụi em quen nghe nhạc trẻ rồi, nhạc trẻ cuốn hút hơn! Câu nói của một bạn trẻ khiến nhiều người thấy tê tái, nhưng lại là một thực tế trong cuộc sống. Liên hoan “Thanh niên hát dân ca” TP. Bến Tre lần thứ V năm 2012 do Thành Đoàn tổ chức, diễn ra tại Nhà Thiếu nhi tỉnh Bến Tre đêm 7 và 8-7-2012 không chỉ là một sân chơi giải trí cho giới trẻ, mà còn mang nhiều ý nghĩa thiết thực nhằm khơi dậy tình yêu quê hương đất nước qua những làn điệu ca từ gần gũi với tâm hồn người Việt. Qua đó, góp phần bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của dân tộc.
Dân ca được sinh ra từ những tình cảm chân thành, mộc mạc nhất của người dân lao động để gởi gắm tâm tư, khát vọng và niềm tin. Trải qua bao thế hệ, dân ca đã ăn sâu vào tiềm thức con người Việt Nam. Nó tồn tại trong tiềm thức, trong xương máu người Việt, qua câu hát ru ầu ơ của mẹ thuở chào đời hay những câu hò đối đáp trên đồng ruộng bao la… Bởi thế, dân ca được xem là một báu vật trong kho tàng âm nhạc dân tộc, là món ăn không thể thiếu trong đời sống tinh thần người Việt. Chúng ta cần phải trân trọng và giữ gìn những giá trị ấy, đồng thời khơi dậy tình yêu dân ca qua những liên hoan hát dân ca cấp cơ sở.
Liên hoan “Thanh niên hát dân ca” lần thứ V bao gồm nhiều thể loại như: hát, hò, vè, lý, nói thơ Vân Tiên, ngâm thơ… của ba miền Bắc, Trung, Nam, với chủ đề ca ngợi Đảng, Bác Hồ, tình yêu quê hương đất nước, ca ngợi tinh thần lao động, các mối quan hệ đời sống và đạo lý truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam, ca ngợi công cuộc xây dựng đất nước trong thời kỳ mới… đã khiến nhiều bạn trẻ chăm chú theo dõi. Tiết mục Nghinh lộc, Chầu đệ nhị thượng ngàn thuộc thể loại dân ca Bắc Bộ, do liên quân phường 1, 3 và 4 được xem là khá lạ mắt và dàn dựng công phu khi sử dụng những chiếc mõ gõ kết hợp với ánh nến lung linh hay người hát ngồi lơ lửng giữa không trung sân khấu..., khiến mọi người không thể rời mắt. Bên cạnh đó, các tiết mục hát múa được đầu tư khá công phu về đạo cụ, trang phục, lối trình diễn đã giúp người xem cảm thấy thỏa mãn nhu cầu thưởng thức.
Liên hoan đã “nổi lên” giọng hát ngọt ngào, sâu lắng đậm chất dân ca của Nguyễn Thanh Tuấn Anh (tiết mục của liên quân phường 5, 6, 7 và xã Bình Phú). Trao đổi với Tuấn Anh, chúng tôi được biết, chàng thanh niên này đang theo học Đại học Thể dục - Thể thao tại TP. Hồ Chí Minh và cũng là bạn trẻ rất gắn bó với phong trào văn nghệ tại địa phương. Có một giọng ca khỏe, truyền cảm, Tuấn Anh đã chinh phục Ban Giám khảo và người nghe bằng những giai điệu đậm chất Nam Bộ qua bài hát Lý Con cá trê, thể hiện tình yêu nam nữ trong sáng, yêu lao động… “Dòng sông êm ả nước xuôi thuyền trôi/Anh bủa ngọn lưới anh ngồi ngắm trăng chờ em/Đêm khuya trăng lặng cá tôm đầy khoang/Em ở chỗ nào sóng dợn nhấp nhô thuyền anh”, sau câu phiên khúc, điệp khúc chuyển sang một tông mạnh “Ì a gió đưa hai đứa cho tới đây, í a tới đây/Tình quê hương mãi tươi đẹp lý tang lý lý tang ớ…/Khi trăng lên em yêu thương hỡi hò hẹn tới đây, hò hẹn tới đây…”. Nguyễn Thanh Tuấn Anh chia sẻ, đây là lần đầu tiên hát dân ca. Dân ca là thể loại Tuấn Anh thích từ lâu nhưng chưa có dịp thử sức, và hôm nay thật bất ngờ với kết quả đạt được. Giọng hát thứ hai cũng đầy sức quyến rũ là Nguyễn Ngọc Nga (thuộc liên quân phường 2, 8 và xã Phú Hưng). Nga trình bày bài dân ca Bắc Bộ Bèo dạt mây trôi làm cả hội trường xao xuyến tâm hồn khi Nga trong trang phục áo tứ thân, nón quai thao và cất tiếng hát “Bèo dạt mây trôi, chốn xa xôi/Anh ơi, em vẫn đợi/Bèo dạt mây trôi, chim ca tang tính tình cá lội… Một mảnh trăng treo, suốt đêm thâu/Anh ơi, trăng đã ngã ngang đầu/Thương nhớ ai, sương rơi…”. Cả hai thí sinh Tuấn Anh và Ngọc Nga đều đạt giải A đơn ca tại Liên hoan. Nguyễn Trí Hải, lớp 8 Trường THCS Mỹ Hóa (phường 7) hào hứng nói, em toàn nghe nhạc hiện đại, hôm nay lần đầu xem liên hoan “Thanh niên hát dân ca”, em thấy hay quá, mọi người đầu tư thật công phu, em rất bất ngờ. Nhạc sĩ Thanh Sử - thành viên Ban Giám khảo nhận xét: “Nhìn chung, các tiết mục năm nay rất tốt, có sự đầu tư cao, trang phục đẹp, hình thức thể hiện sống động, có sáng tạo. Hát chuẩn, đúng tiết tấu…”.
Có thể nói, dân ca vốn tồn tại trong máu thịt của người Việt Nam. Chúng ta cần phải khơi dậy những tình cảm đẹp đẽ ấy qua việc tạo nhiều sân chơi để giới trẻ hôm nay nghe - hiểu và hát được, từ đó yêu dân ca. Đồng thời, làm cho dân ca phong phú, cuốn hút hơn trên cơ sở giữ gìn bản sắc gốc của dân tộc, đó là nhiệm vụ của mỗi người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước.