Nghị quyết về các giải pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19 gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (tt)

06/09/2021 - 06:27

BDK - Về công tác an sinh xã hội: áp dụng các hình thức hỗ trợ an sinh xã hội thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh cho các lao động thuộc tất cả lĩnh vực, ngành nghề trong tỉnh không có hợp đồng lao động (HĐLĐ) theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1-7-2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ) gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Hội Phụ nữ Phường 4, TP. Bến Tre phát gạo và nhu yếu phẩm cho người dân. Ảnh: Ngọc Thạch

Hội Phụ nữ Phường 4, TP. Bến Tre phát gạo và nhu yếu phẩm cho người dân. Ảnh: Ngọc Thạch

Về công tác an sinh xã hội: áp dụng các hình thức hỗ trợ an sinh xã hội thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh cho các lao động thuộc tất cả lĩnh vực, ngành nghề trong tỉnh không có hợp đồng lao động (HĐLĐ) theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1-7-2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ) gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Khuyến khích xã hội hóa việc xây dựng và nhân rộng các mô hình túi an sinh, túi y tế cho hộ nghèo, lao động gặp khó khăn, công nhân ở trọ, hộ có người mắc bệnh Covid-19. Các mô hình cấp suất ăn miễn phí, siêu thị không đồng, ATM gạo... cho các hộ gia đình chính sách, hộ mất nguồn thu nhập, việc làm và các hộ nuôi con đang học tập, nghiên cứu trong, ngoài tỉnh gặp khó khăn do thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg.

Thực hiện công tác an sinh xã hội phải đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để xảy ra sai phạm, tiêu cực. Chủ động xây dựng phương án tổ chức năm học 2021-2022 phù hợp, đảm bảo các điều kiện an toàn phòng chống dịch bệnh. Ban hành và thực hiện các giải pháp kịp thời, hiệu quả nhằm khôi phục sản xuất, kinh doanh, không làm đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, sản xuất hàng hóa, vận chuyển, tiêu thụ và xuất khẩu.

Hỗ trợ doanh nghiệp bằng nhiều hình thức phù hợp với khả năng, điều kiện của tỉnh để sớm khôi phục hoàn toàn sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu hàng hóa, tạo việc làm và thu nhập cho NLĐ. Quyết định các hình thức tổ chức thi công phù hợp nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình trọng điểm của tỉnh trong kế hoạch đầu tư công 2021 - 2022, đảm bảo tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công theo Nghị quyết của Chính phủ và kế hoạch giải ngân đề ra; đẩy mạnh triển khai các công trình, dự án sử dụng vốn xã hội hóa trong điều kiện phòng chống dịch bệnh của địa phương.

Huy động nguồn lực, cơ chế tài chính - ngân sách: cắt giảm, thu hồi các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết (riêng năm 2021, thực hiện thu hồi các khoản chi thường xuyên đến ngày 30-8-2021 chưa triển khai) để bổ sung dự phòng ngân sách địa phương; điều chỉnh vốn đối với các dự án chậm triển khai, tiến độ giải ngân thấp để bố trí các dự án cấp thiết phục vụ phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Chuyển nguồn tiết kiệm chi và nguồn còn tồn ở cấp ngân sách năm 2020 sang năm 2021 là 56,404 tỷ đồng (tiết kiệm chi tăng cường cơ sở vật chất trường học và sự nghiệp giáo dục đào tạo khác: 46,04 tỷ đồng, thực hiện chuyển đổi số: 10 tỷ đồng) để chi phòng chống dịch bệnh Covid-19. Dự kiến chi 564 tỷ đồng để thực hiện chi trả chế độ đặc thù trong phòng chống dịch bệnh Covid-19, mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, hóa chất… từ nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ, nguồn ngân sách địa phương (nguồn năm trước chuyển sang, nguồn dự phòng ngân sách các cấp, Quỹ dự trữ tài chính, nguồn cải cách tiền lương và nguồn tài chính hợp pháp khác); chi hỗ trợ NLĐ, NSDLĐ và các nhóm đối tượng theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ được sử dụng nguồn cải cách tiền lương để đảm bảo chi trả kịp thời cho đối tượng được hưởng.

Tăng cường các hoạt động ngoại giao vắc-xin để sớm có đủ nguồn vắc-xin tiêm phòng cho nhân dân. Huy động, vận động các nguồn ngoài ngân sách nhà nước cho công tác phòng chống dịch, bổ sung cho nguồn mua vắc-xin, trang thiết bị, vật tư y tế và hỗ trợ chi phí ăn, ở, chăm sóc, điều trị bệnh nhân F0, F1 và công tác đưa đón người dân Bến Tre từ các tỉnh, thành phố có dịch về địa phương.

Theo khả năng cân đối ngân sách địa phương, UBND tỉnh được quyết định mức hỗ trợ cho các hoạt động xét nghiệm PCR (mẫu gộp, mẫu đơn), test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2, chỗ lưu trú tạm thời cho công nhân… đối với các doanh nghiệp áp dụng “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến” hoặc mô hình sản xuất khác phù hợp với tình hình dịch bệnh.

Nắm chắc tình hình từ sớm, từ xa, từ cơ sở, chủ động giải quyết có hiệu quả các tình hình phức tạp nổi lên có liên quan đến an ninh trật tự, không để bị động, bất ngờ. Phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh các loại tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật xảy ra, để răn đe, phòng ngừa chung; đảm bảo quốc phòng, an ninh trong mọi tình huống.

UBND tỉnh trong phạm vi quản lý và theo chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức thực hiện nghị quyết này; quyết định các biện pháp, giải pháp cấp bách phòng chống dịch bệnh phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Trường hợp cấp bách trong thực hiện phòng chống dịch Covid-19, có những nhiệm vụ phải trình HĐND tỉnh thì sau khi có chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và ý kiến của Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh triển khai thực hiện và báo cáo HĐND tỉnh tại kỳ họp gần nhất. Sử dụng ngân sách nhà nước cho công tác phòng chống dịch phải công khai, minh bạch, hiệu quả, tiết kiệm, chống lãng phí.

 Thu Huyền (lược ghi)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN