Nghĩa vụ cấp dưỡng cho con

30/06/2024 - 20:32

Bà M.T.H có nhu cầu tư vấn: Tôi ly hôn chồng khi con trai tôi mới 2 tuổi. Theo quyết định thuận tình ly hôn của Tòa án thì anh ấy có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con mỗi tháng 2 triệu đồng. Tuy nhiên, anh ấy chỉ cấp dưỡng được 2 năm (nay con tôi đã 4 tuổi) thì không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nữa. Hiện nay, anh đã kết hôn với người khác. Xin hỏi: Tôi muốn chồng cũ của tôi tiếp tục thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con thì phải làm sao?

Thắc mắc của bà được luật sư Lê Vũ Hồng Huệ (Đoàn Luật sư Bến Tre) tư vấn như sau:

- Theo quy định tại khoản 24 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình (HN&GĐ) năm 2014: Cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu theo quy định của luật này.

Theo quy định tại Điều 110 Luật HN&GĐ thì: Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con.

Trường hợp sau khi ly hôn, nếu cha, mẹ không trực tiếp nuôi con thì có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con (khoản 2, Điều 82 Luật HN&GĐ). Về mức cấp dưỡng sẽ do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận (căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng); nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết (Điều 116 Luật HN&GĐ).

Luật cũng quy định, khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

Căn cứ vào các quy định nêu trên, đối chiếu với trường hợp của bà thì bà là người trực tiếp nuôi con và chồng cũ của bà có nghĩa vụ phải cấp dưỡng cho con bà. Nếu chồng cũ của bà gặp khó khăn và có yêu cầu thay đổi mức cấp dưỡng với lý do chính đáng, thì bà và ông ấy có thể thỏa thuận mức cấp dưỡng mới cho con của bà.

Thực tế cho thấy, chồng cũ của bà chỉ cấp dưỡng cho con được 2 năm, từ lúc cháu 2 tuổi cho đến 4 tuổi thì không cấp dưỡng nữa (như bà trình bày) và ông ấy đã kết hôn với người khác. Việc chồng cũ của bà đã không thực hiện công việc phải làm theo quyết định của Tòa án là vi phạm quy định nghĩa vụ thi hành án, được quy định tại điểm a khoản 2 Điều 7a Luật Thi hành án dân sự (THADS) hiện hành.

Nếu chồng cũ của bà không trình bày được lý do chính đáng về việc gián đoạn nghĩa vụ cấp dưỡng là do trở ngại khách quan thì chồng cũ của bà đã vi phạm nghĩa vụ phải thi hành án quyết định đã có hiệu lực pháp luật, có thể bị xử phạt theo quy định tại Điều 64 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15-7-2020 của Chính phủ, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, HN&GĐ, THADS, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.

Theo quy định tại Điều 30 Luật THADS về thời hiệu yêu cầu thi hành án (5 năm), bà có quyền làm đơn gửi đến cơ quan THADS (nơi Tòa án đã ban hành quyết định công nhận thuận tình ly hôn trước đó) để yêu cầu chồng cũ của bà tiếp tục thực hiện nghĩa vụ của người bị thi hành án.

H. Trâm (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN